Cần có các quy định về nghĩa vụ của người được thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế trả vật, giấy tờ, quyền sử dụng đất

02/10/2009

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ra đời là bước tiến lớn góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Các quy định của Luật đã nâng cao vị thế của cơ quan THADS, Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án; các thủ tục, biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án được pháp điểm hoá theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tế.



Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Luật cần tiếp tục nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp nhằm làm hoàn thiện hệ thống các quy định về thi hành án dân sự.

Với tinh thần đó người viết đưa ra đề nghị cần có các quy định về nghĩa vụ của người được thi hành án trong trường hợp cơ quan THA tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế trả vật, giấy tờ, quyền sử dụng đất, với các lý do:

Theo quy định tại các Điều từ 114 đến 117, Mục 9, Chương IV Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì việc cưỡng chế trả vật, giấy tờ, quyền sử dụng đất của cơ quan THA chỉ hoàn thành khi người được thi hành án có mặt đúng thời gian, địa điểm tiến hành cưỡng chế để nhận vật, giấy tờ, quyền sử dụng đất.

Hay nói cách khác thì việc cưỡng chế không thể hoàn thành nếu người được thi hành án không có mặt đúng thời gian, địa điểm tiến hành cưỡng chế theo thông báo của cơ quan THA để thực hiện quyền là nhận vật, giấy tờ, quyền sử dụng đất.

Lấy ví dụ:

Khi cơ quan THA tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế trả nhà, giao nhà theo quy định tại Điều 115 Luật THADS năm 2008. Theo kế hoạch cưỡng chế, cơ quan THA đã ấn định thời gian, địa điểm cưỡng chế và tiến hành các bước chuẩn bị như: thuê nhân công để di chuyển các tài sản ra khỏi nhà nếu người phải thi hành án không tự nguyện chuyển; thuê các phương tiện vận chuyển tài sản về kho của cơ quan thi hành án nếu người phải thi hành án không nhận mà không có tổ chức, cá nhân nào có điều kiện nhận trông giữ; mua các công cụ, vật dụng cần thiết khác phục vụ cưỡng chế…

Công tác chuẩn bị cưỡng chế nêu trên đã làm phát sinh chi phí, cơ quan THA phải ứng ra trước cho các khoản chi đó có thể lên đến hàng chục triệu đồng với các vụ việc lớn.

Nhưng khi lực lượng cưỡng chế đến địa điểm cưỡng chế vào thời gian đã ấn định để chuẩn bị cưỡng chế thì phát hiện người được thi hành án không có mặt theo thông báo. Trong trường hợp này việc cưỡng chế phải dừng lại nghĩa là việc cưỡng chế không thành.

Ta hãy bàn về nguyên nhân và hậu quả của việc cưỡng chế không thành nêu trên.

- Về nguyên nhân: Do người được thi hành án không có mặt đúng thời gian, địa điểm tiến hành cưỡng chế để nhận nhà mặc dù đã được cơ quan thi hành án thông báo hợp lệ. (Theo quy định thì việc cưỡng chế hoàn thành khi người được thi hành án nhận vật và ký biên bản)

- Về hậu quả: Ngoài việc mất thời gian, nhân lực, vật lực của các cơ quan tham gia cưỡng chế thì một thiệt hại thực tế khác là chi phí mà cơ quan thi hành án đã ứng ra trước trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế như đã nêu lên ở trên. Các khoản chi này trên thực tế cơ quan thi hành án không biết quyết toán thế nào. Vì theo các quy định thì chi phí cưỡng chế do người phải thi hành án chịu. Nhưng đó là trường hợp nếu cưỡng chế thành, trong trường hợp này là cưỡng chế chưa thành nên không thể bắt người phải thi hành án chịu các chi phí này được.

Đến đây ta có thể kết luận:

Nguyên nhân việc cưỡng chế không thành là do người được thi hành án mà hậu quả thì cơ quan thi hành án phải gánh chịu. Chính vì vậy cần có các quy định về nghĩa vụ của người được thi hành án trong trường hợp cơ quan THA tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế trả vật, giấy tờ, quyền sử dụng đất để tránh các trường hợp như nêu trên.

Các quy định đó theo đề nghị của người viết là:

Sau khi cơ quan thi hành án ấn định thời gian, địa điểm cưỡng chế phải thông báo cho người được thi hành án trước 05 ngày làm việc.

Người được thi hành án có trách nhiệm có mặt đúng thời gian, địa điểm mà cơ quan thi hành án đã thông báo để nhận tài ản.

Nếu người được thi hành án không có mặt mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án hoãn việc cưỡng chế và người được thi hành án phải chịu mọi chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình cơ quan thi hành án chuẩn bị cưỡng chế.

Nếu đến lần thứ hai được thông báo mà người được thi hành án vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ quyền yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ việc thi hành án.

Công tác thi hành án dân sự có đạt hiệu quả cao hay không, một phần là nhờ vào sự hoàn thiện của hệ thống các quy định về Thi hành án dân sự.

 Phạm Văn Hưng - THADS huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam