Thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Cán bộ, công chức phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cẩn trọng trong thực thi nhiệm vụ

01/02/2010

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) gồm 8 chương, 67 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Đây là một đạo luật mới, quan trọng, là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ.



Luật qui định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần mà thuộc các trường hợp đã được qui định trong Luật thì nhà nước phải bồi thường. Tại Điều 14 của Luật qui định, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là: Cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Người thi hành công vụ có lỗi, gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Điều 56).

Điều kiện phát sinh quyền yêu cầu bồi thường: theo qui định tại Điều 4 của Luật thì, quyền này chỉ phát sinh khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Điều 38 của Luật qui định có 08 nhóm hành vi mà cán bộ, công chức cần chú ý trong quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án, cụ thể: Ra hoặc cố ý không ra các quyết định: thi hành án; thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định về thi hành án; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; cưỡng chế thi hành án; thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án; hoãn thi hành án; tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án; tiếp tục thi hành án. Việc tổ chức thi hành án trái pháp luật hoặc cố ý không tổ chức thi hành các quyết định quy định tại các nhóm hành vi trên mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường.

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thể hiện tính dân chủ hoá trong đời sống xã hội, khi công dân tham gia vào các quan hệ pháp luật cụ thể. Luật đã đặt vai trò, địa vị pháp lý của người dân ngang bằng với Nhà nước, nghĩa là luật cho phép người dân có quyền yêu cầu, khởi kiện và Nhà nước phải bồi thường khi các công chức, viên chức của mình có lỗi. Điều này có ý nghĩa to lớn tới tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính của nước ta theo lộ trình cải cách tư pháp hiện nay.

Vì vậy, cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng cần phải tận tâm trong công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cẩn trọng trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, cán bộ, công chức cũng không vì qui định của Luật mà “nương tay” “yếu mềm”, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu vậy sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Võ Công Hoàng - Cục THADS Bình Định