Về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

18/10/2010


1. Theo Nghị quyết ngày 6/10/1992 của Quốc hội Khóa IX về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân sang Chính phủ, năm 1993 các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự để chỉ đạo việc bàn giao và chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự ở địa phương. Tại Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 “về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác thi hành án tại địa phương”.

Ngày 22/3/2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 96/2002/QĐ-BTP ban hành “Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện”, theo đó quy định Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có chức năng “tham mưu và giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; tổ chức phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan với cơ quan thi hành án tại địa phương”. Tại Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 “về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp làm tốt công tác tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và cấp trên tăng cường sự chỉ đạo phối hợp trong công tác thi hành án dân sự”.

Trên cơ sở các văn bản pháp luật nêu trên, các địa phương đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện (có nơi còn thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự ở cấp xã). Nhiều Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở địa phương, tuy nhiên cũng có nơi chưa thực sự chú trọng đến hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, có Ban Chỉ đạo hoạt động chưa hiệu quả. Tại các hội nghị của Bộ Tư pháp tổng kết 10 năm công tác thi hành án dân sự (2003), hội nghị sơ kết 3 năm (2005) và tổng kết 5 năm thực hiện việc chuyển giao một số vụ việc thi hành án dân sự có giá trị không quá 500.000 đồng cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành và Pháp lệnh thi hành án dân sự đã đánh giá về hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự là cần thiết.

 Ngày 14/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết về việc thi hành Luật này. Tại Điều 173 và Điều 174 Luật Thi hành án dân sự, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác thi hành án dân sự, theo đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có 6 loại nghiện vụ, quyền hạn, trong đó có 02 loại nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng là: Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và giúp Ủy ban nhân dân chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự”. Tại Điều 13 quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Nghị định này cũng quy định Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.

Như vậy, trên thực tế, Ban Chỉ đạo trong công tác thi hành án dân sự đã được thành lập từ năm 1993 và hiện nay Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự vẫn đang hoạt động, đã góp phần rất lớn cho công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.

2. Quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cần có những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 173; khoản 1, khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự và Điều 13 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 09 năm 2009 của Chính phủ, bao gồm: Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân về chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Đề xuất với Ủy ban nhân dân cùng cấp các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Tổ chức việc phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự tại địa phương. Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương và kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.

Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự Nhiệm vụ, quyền hạn điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; quyết định nội dung cuộc họp, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; phân công cho Phó trưởng ban và các thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thực hiện công việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương trong công tác thi hành án dân sự; quyết định kiểm tra hoặc cử thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân về nhiệm vụ được giao.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự là Thường trực Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự khi Trưởng ban vắng mặt hoặc được Trưởng ban ủy quyền; giúp Trưởng ban trong việc chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm về những công việc được Trưởng ban giao; trực tiếp giải quyết các công việc hàng ngày của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ký các văn bản của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự theo ủy quyền của Trưởng ban trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định biện pháp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự sau khi có ý kiến kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; tổ chức các cuộc họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, chuẩn bị các điều kiện làm việc cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp phê duyệt và đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; đề xuất biện pháp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự và biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; trường hợp vượt quá thẩm quyền quyết định, phải xin ý kiến của thủ trưởng đơn vị và cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến đó; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành, đơn vị mình, có trách nhiệm chỉ đạo hoặc đề xuất chỉ đạo đối với tập thể, cá nhân thuộc ngành, đơn vị mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; cùng tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự thuộc chức năng quản lý của ngành, đơn vị mình và truyền đạt ý kiến kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tới ngành, đơn vị mình để phối hợp thực hiện; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo công tác thi hành án dân sự theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phân công.

Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự giúp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; theo dõi tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác thi hành án dân sự do Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự đề ra và kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Trường hợp có vấn đề phát sinh trong việc tổ chức thực hiện, thì phải kịp thời báo cáo Trưởng ban hoặc Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để có biện pháp giải quyết; đề xuất nội dung cuộc họp và chuẩn bị cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; ghi biên bản các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; gửi chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, văn bản về ý kiến hoặc quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp về biện pháp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đến các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan biết để thực hiện; chuẩn bị văn bản báo cáo để Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban ký trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định biện pháp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương sau khi có kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; tổng hợp tình hình, xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo công tác thi hành án dân sự và báo cáo hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trình Trưởng ban xem xét ban hành và thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phân công.

Thứ hai, về thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở đề nghị của Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự.

Thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm có:Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh - Trưởng ban. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự - Phó trưởng ban. Các ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; mời đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tham gia họp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể mời đại diện một hoặc một số cơ quan, tổ chức liên quan ở cấp tỉnh làm ủy viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, như: Sở Nội vụ, Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông và Vận tải, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và các cơ quan liên quan khác. Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh là 01 công chức của Cục Thi hành án dân sự.

Thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện gồm có: Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện - Trưởng ban. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự - Phó trưởng ban. Các ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tòa án nhân dân cấp huyện; mời đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tham gia họp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân dân cấp huyện có thể mời đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan ở cấp huyện làm ủy viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện, như: Phòng Nội vụ, Phòng Xây dựng hoặc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thông tin và Truyền thông, Phòng Giao thông và Vận tải, Bảo hiểm xã hội, Ban Chỉ huy quân sự, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện và các cơ quan liên quan khác. Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện là 01 công chức của Chi cục Thi hành án dân sự.

Trưởng ban, Phó trưởng ban, các ủy viên và Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự về nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, về nguyên tắc hoạt động và chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đúng chức năng, kịp thời, theo quy định của pháp luật; tôn trọng hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò phối hợp của các cấp, các ngành trong hoạt động chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn.

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự làm việc theo chế độ tập thể. Trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, các vấn đề được đưa ra thảo luận, bàn bạc tập thể, sau đó Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự kết luận; trường hợp có ý kiến khác nhau phải được ghi vào biên bản cuộc họp để báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét cho ý kiến giải quyết. Tài liệu cuộc họp phải được gửi cho các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trước 03 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp. Thành viên vắng mặt phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự mà Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự sẽ thảo luận để Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự báo cáo tại cuộc họp.

Kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phải thể hiện ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp và được tổ chức thực hiện sau khi được Uỷ ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.. Trong quá trình tổ chức triển khai kết luận, nếu có vấn đề phát sinh, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tổ chức thực hiện việc họp lại để phân tích và đánh giá, đưa ra các đề xuất nhằm giải quyết vấn đề đó.

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự họp định kỳ mỗi quý một lần, họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban hoặc đề nghị của Phó trưởng ban. Các thành viên tham gia vào các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phân công.

Chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác thi hành án dân sự và ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cùng cấp phải được gửi đến các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức hữu quan biết để thực hiện. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp theo từng vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự; báo cáo định kỳ quý, sáu tháng và hàng năm với Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp cấp tỉnh và cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh (đối với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện); báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (đối với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh). Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự lấy số văn bản và sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong trường hợp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký văn bản hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự lấy số văn bản và sử dụng con dấu của cơ quan thi hành án dân sự ký cùng cấp trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự (Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự) ký văn bản hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự do ngân sách địa phương bảo đảm. Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định và chế độ bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án dân sự khi tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự. Mức chi và nguồn chi bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án dân sự cho thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.

Thứ tư, về quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Trong mối quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động, phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, trả lời ý kiến thỉnh thị của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh; nếu có vướng mắc, khó khăn phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Trong mối quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự với cơ quan thi hành án dân sự, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự kịp thời tổ chức cuộc họp để bàn biện pháp chỉ đạo việc phối hợp và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động điều hành hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kịp thời báo cáo những vụ án thuộc chức năng tham mưu chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự bàn biện pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân chỉ đạo giải quyết.

Trong mối quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự với Cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện ý kiến hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện ý kiến hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự của Cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Trường hợp có ý kiến khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự trong việc giải quyết vụ việc giữa Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự với cơ quan thi hành án dân sự, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (đối với Chi cục Thi hành án dân sự), Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (đối với Cục Thi hành án dân sự) để cơ quan thi hành án dân sự xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp phải kịp thời hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự khi có yêu cầu./.

                                                                                                   Lê Anh Tuấn