Những điểm kế thừa và điểm mới của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2005 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự

21/02/2011


1. Những điểm kế thừa của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2005 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 căn cứ một cách cụ thể, đầy đủ những quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Khiếu nại tố cáo năm 2005 về trình tự, thủ tục lập hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo, quyền khiếu nại, người tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo và thời hạn giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như thời hiệu khiếu nại tố cáo. Những quy định trên của Luật Khiếu nại, tố cáo được Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cụ thể hoá trong lĩnh vực thi hành án dân sự từ Điều 140 đến Điều 158.

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 còn kế thừa những quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, những quy định về quyền khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố cáo về thi hành án đều được Luật Thi hành án dân sự năm 2008 kế thừa.

Chẳng hạn, theo Luật Thi hành án dân sự và Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, người có quyền khiếu nại về thi hành án dân sự gồm có: Đương sự (người được thi hành án, người phải thi hành án), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án. Về đối tượng bị khiếu nại về thi hành án là các quyết định hoặc các hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, của Chấp hành viên. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nếu khiếu nại quyết định, hành vi của Chấp hành viên thì do Thủ trưởng trực tiếp của Chấp hành viên giải quyết, thẩm quyền giải quyết tiếp theo do Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu do Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyết định, hành vi bị khiếu nại, thẩm quyền giải quyết tiếp theo thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cấp cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu…

Về tố cáo, Pháp lệnh quy định việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Luật Thi hành án đã kế thừa những quy định của pháp luật khiếu nại tố cáo nên cũng có những quy định cụ thể để giải quyết tố cáo trong lĩnh vực thi hành án.

Tuy nhiên, không phải Luật Thi hành án dân sự năm 2008 hoàn toàn không có gì mới so với những quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án dân sự theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Nhưng trên cơ sở những kế thừa đó, Luật Thi hành án dân sự có những điểm mới hơn so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2008. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định một cách cụ thể hơn, đầy đủ hơn, đồng thời, có những quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được Luật quy định một cách chặt chẽ hơn, hợp lý hơn so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.

2. Những điểm mới của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2005 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự

Trước hết, nói đến điểm mới về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự, ta phải nói đến những quy định về khiếu nại thi hành án.

2.1. Khiếu nại về thi hành án dân sự

a. Đối tượng bị khiếu nại

Luật Thi hành án dân sự quy định đối tượng bị khiếu nại rộng hơn đối tượng bị khiếu nại theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Đối tượng bị khiếu nại theo luật ngoài quyết định, thì các hành vi sau đây có thể bị khiếu nại như: không xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án, không hướng dẫn thực hiện các quyền của các đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà Luật đòi hỏi Chấp hành viên phải hướng dẫn, bán đấu giá khi không có căn cứ xác lập thẩm quyền bán đấu giá của Chấp hành viên, tiến hành các hoạt động nghiệp vụ nhưng không lập biên bản, lập biên bản nhưng không giao cho người được nhận theo quy định của pháp luật, không triệu tập người phải thi hành án để thực hiện việc thi hành án, không chứng kiến việc thoả thuận của các đương sự khi luật yêu cầu Chấp hành viên phải chứng kiến…

Khác với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự phân các quyết định, hành vi bị khiếu nại thành các nhóm khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất, giai đoạn thi hành án như sau:

- Nhóm quyết định, hành vi thuộc giai đoạn trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.

- Nhóm quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản và biện pháp bảo đảm khác.

- Nhóm quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế.

- Nhóm quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.

b. Thời hiệu khiếu nại về thi hành án dân sự

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2008 chỉ áp dụng chung một quy định là 90 ngày kể từ ngày đương sự nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên, nhưng để đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự cũng như quá trình thi hành án được thuận lợi, Luật Thi hành án dân sự đã rút ngắn một cách tương đối thời hiệu khiếu nại nói chung chỉ còn trong khoảng từ 03 đến 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật. Cụ thể:

- Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày.

- Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản là 03 ngày làm việc, về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày.

- Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày.

- Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày.

Lần khiếu nại tiếp theo thống nhất chung một thời hiệu cho các quyết định, hành vi bị khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

c. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự

Lần đầu tiên, pháp luật về thi hành án dân sự có những quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có thầm quyền giải quyết khiếu nại.

Để đảm bảo cho người khiếu nại được thực hiện quyền khiếu nại một cách có hiệu quả, Luật Thi hành án dân sự quy định: "người khiếu nại có các quyền tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; được nhờ luật sư giúp đở về mặt pháp luật trong quá trình khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó; được khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; được rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có. Đồng thời, Luật Thi hành án dân sự cũng quy định người khiếu nại phải khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết, trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp.

Không chỉ đứng về phía người khiếu nại, Luật Thi hành án dân sự cũng tạo điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền của người bị khiếu nại. Người bị khiếu nại có quyền được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại, đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại, được nhận quyết định giải quyết khiếu nại. Đồng thời, người bị khiếu nại cũng có nghĩa vụ phải giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu, phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, phải bồi thường, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại được đúng đắn, khách quan, có hiệu lực, hiệu quả, Luật Thi hành án dân sự quy định rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, quyết định tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tạm ngừng việc thi hành án trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định, nếu xét thấy cần thiết (có cơ sở cho rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại). Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cũng có nghĩa vụ tiếp nhận giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại, thông báo bằng văn bản về việc thụ lý để giải quyết, gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình.

d. Thủ tục giải quyết khiếu nại về thi hành án

- Luật Thi hành án dân sự có quy định về hình thức khiếu nại. Người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại bằng nhiều hình thức: gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ, nội dung đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định; trực tiếp trình bày tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nội dung khiếu nại; khiếu nại thông qua người đại diện, người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện…

- Luật Thi hành án dân sự 2008 còn có điểm mới là quy định về những căn cứ không thụ lý đơn khiếu nại. Trường hợp khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình, thời hiệu khiếu nại đã hết và việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại theo thẩm quyền thì không thụ lý. Trường hợp có căn cứ thụ lý đơn khiếu nại, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết.

- Về thời hạn giải quyết khiếu nại, Luật Thi hành án dân sự quy định các thời hạn giải quyết khiếu nại theo tính chất và mức độ của quyết định, hành vi, cụ thể: đối với khiếu nại về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại; đối với khiếu bại về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản và quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại; đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày, lần hai là 45 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại, trong trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại; đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

- Ngoài ra, Luật Thi hành án dân sự còn quy định về việc lập hồ sơ giải quyết khiếu nại, hình thức, nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại. Trong đó, đáng chú ý là nội dung quyết định giải quyết khiếu nại phải có điều khoản quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra và điều khoản hướng dẫn quyền khiếu nại lần hai của người khiếu nại.

Ngoài những điểm mới nói trên, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 còn quy định cụ thể tầm quan trọng của quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Vì quyết định giải quyết khiếu nại lần hai không giải quyết trực tiếp quyền lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, mà thông qua quyết định khiếu nại lần đầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

2.2. Tố cáo về thi hành án dân sự

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 không quy định cụ thể các quy định về giải quyết tố cáo, nhưng Luật thi hành án đã cụ thể hoá những quy định đó từ Điều 154 đến Điều 158. Theo đó, Luật Thi hành án dân sự có những điểm mới về giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự như sau:

a. Người có quyền tố cáo

Người có quyền tố cáo là công dân, nếu thấy hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

b. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

Người tố cáo có quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, được yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình, yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo, yêu cầu được bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.

Đồng thời, người tố cáo có nghĩa vụ phải trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo, nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

c. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo

Người bị tố cáo có quyền được thông báo về nội dung tố cáo, được đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật, được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra.

Bên cạnh đó, người bị tố cáo có nghĩa vụ phải giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu, chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

d. Thẩm quyền, thời hạn giải quyết tố cáo

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó chịu trách nhiệm giải quyết. Nếu người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết.

- Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.

- Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

e. Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo

Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh người vi phạm, áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài những quy định nêu trên, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 còn có điểm mới là quy định cụ thể việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Theo đó, Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật.

Trên đây là những điểm kế thừa và những điểm mới về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Tuy vậy, dù Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có sự kế thừa và có những điểm mới, song quá trình áp dụng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp qua thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về giải quyết khiếu nại, tố cáo để cùng tháo gỡ và áp dụng thống nhất.

Lương Thanh Tùng