Giải quyết án tồn đọng: Các ngành phải chung tay

20/08/2010
Hôm qua 19/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ngành đánh giá tình hình chấp hành pháp luật trong Thi hành án dân sự (THADS); trong đó nội dung được đề cập nhiều là giải quyết án tồn đọng.


“Cắt” móng nhà như “xẻo” một miếng bánh!!!

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/3/2010, số việc THADS tồn đọng còn phải thi hành là gần 299 ngàn việc, với số tiền hơn 20.727 tỷ đồng. Trong số gần 174 ngàn việc chưa có điều kiện thi hành, có 1513 việc do án tuyên không rõ, khó thi hành.

Chia sẻ khó khăn này với ngành Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Minh dẫn chứng hai vụ việc cụ thể qua chuyến đi giám sát công tác THADS tại một số địa phương. Vụ thứ nhất về tranh chấp đất đai, Tòa tuyên cắt bỏ 5cm móng nhà (trong khi 5cm này chồng lên đất người khác). Vụ thứ hai kiện đòi bồi thường thiệt hại trong xây dựng. Một căn nhà bị nghiêng do công trình kế cận đang xây dựng, sau khi xét xử Tòa tuyên buộc phải “nắn” lại ngôi nhà theo phương thẳng đứng, trong khi lẽ ra việc này phải trưng cầu giám định xây dựng. “Cắt cái móng nhà Tòa làm đơn giản như “xẻo” một miếng bánh. Tuyên án kiểu này quả là không có cách gì thi hành”. Phó chủ nhiệm Hoàng Văn Minh kết luận.

Một thực tế nữa cũng được chỉ ra là những bản án không rõ địa chỉ. Án tuyên anh ở phường A, nhưng qua xác minh, THA mới biết đối tượng đã không còn ở đó. Nhiều đối tượng sau khi chấp hành xong hình phạt tù, không trở về địa phương và cũng không có nơi cư trú ổn định. Tìm họ như “mò kim đáy bể”.

Trong khi pháp luật về THADS quy định, trường hợp án tuyên không rõ thì THA có quyền yêu cầu Tòa giải thích, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính một số Cục THADS tỉnh, thành phố phản ánh vẫn còn không ít vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan THA đã có văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền giải thích nhưng chậm được trả lời.

“Không rõ không thi hành được, nhưng thậm chí rõ rồi cũng đành chịu”, Phó Chủ nhiệm Hoàng Văn Minh nói thêm. “Ngành Tòa án cần hết sức lưu ý vấn đề này để đảm bảo tính khả thi của bản án”. Ông Minh nhấn mạnh

Phân loại án “tồn” phải chuẩn

Thực trạng về án tồn đọng trong THADS và biện pháp khắc phục đã được đề cập nhiều lần, ngay cả trên các diễn đàn của Quốc hội. Các đại biểu tham dự cuộc họp hôm qua đều thừa nhận khâu phân loại án đóng vai trò rất quan trọng. Và để xếp một vụ việc có điều kiện thi hành hay chưa phải qua khâu xác minh THA. Tuy nhiên, khâu phân loại án rất dễ làm nảy sinh tiêu cực hoặc “chạy” theo bệnh thành tích.

Một thực tế là, tiêu trí phân loại án hiện nay còn chưa rõ, việc xác minh điều kiện THA nhiều khi chưa thực sự chính xác.

Làm rõ hơn vấn đề này, báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết: có 5,2% án chưa xác minh (trên tổng số 25.500 việc) nhưng vẫn đưa vào diện không có điều kiện thi hành; và số có điều kiện thi hành mà vẫn “coi như chưa” là 4%.

Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cũng băn khoăn về con số do các ngành đưa ra chưa trùng khớp, đặc biệt là số lượng án tồn đọng, và cho rằng nguyên nhân cũng do tiêu trí phân loại án chưa thống nhất.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc án tồn đọng đó là vấn đề con người. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết: bình quân hiện nay mỗi chấp hành viên phải giải quyết 211 việc THA/năm. Con số này là rất lớn, mà theo Thứ trưởng Chính “phải dưới 100việc/năm/Chấp hành viên mới đảm bảo chất lượng”. Chất lượng giải quyết án ở đây bao gồm cả việc xác minh THA, một việc làm hết sức quan trọng. Bởi nếu thiếu cán bộ, Chấp hành viên thì sẽ dễ dẫn đến việc không xác minh hoặc xác minh không đầy đủ.

Phải tăng cường kiểm tra nội bộ về phân loại án và tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy cho cơ quan THADS; tăng cường phối hợp giữa các ngành là đề xuất của nhiều địa biểu để góp phần giải quyết thực trạng án tồn đọng

Bình An

Đánh giá của Ủy ban Tư pháp cho thấy, sau một năm thực hiện Luật THADS đã tạo ra sự chuyển biến toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực (tổ chức, bộ máy, công tác chuyên môn, trình tự thủ tục, cơ chế phối hợp…). Nhiều địa phương có khối lượng án rất lớn nhưng đã giảm được đến trên 10% án tồn đọng, vượt chỉ tiêu ngành đề ra. Tuy nhiên, theo Ủy ban này cũng còn nhiều việc phải làm sắp tới, trong đó tiếp tục phổ biến sâu hơn các quy định của pháp luật về THA đến mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường phối hợp giữa các ngành để đảm bảo tính khả thi của bản án…