Một số vướng mắc khi tổ chức thi hành quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự

25/03/2008

Chúng ta thấy rằng, hoà giải là một nguyên tắc bắt buộc trong hoạt động của cơ quan toà án, trừ những trường hợp không được hoà giải hoặc không thể hoà giải được. Nếu các đương sự thoả thuận được với nhau thì kết quả hoà giải sẽ được thể hiện dưới hình thức Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và một phần rất ít trong các bản án (do các đương sự thoả thuận được với nhau tại phiên toà), sau đây gọi chung là quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự (QĐCNTT).



Khoản 2 Điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định: Thẩm phán chỉ được ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Cụ thể hơn về vấn đề này, Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12.5.2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự có hướng dẫn như sau: Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án (các quan hệ pháp luật, các yêu cầu của các đương sự trong vụ án) và cả về án phí. Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nhưng không thoả thuận được với nhau về trách nhiệm phải chịu án phí hoặc mức án phí thì toà án không công nhận sự thoả thuận của các đương sự mà tiến hành mở phiên toà để xét xử vụ án. Trong trường hợp các đương sự chỉ thoả thuận được với nhau về việc giải quyết một phần vụ án, còn phần khác không thoả thuận được thì toà án (…) tiến hành ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (…) (khoản 7.2 phần 7).

Trong các QĐCNTT hiện nay, Toà án chỉ hoà giải giữa các đương sự về số lượng, tức số tiền tài sản phải thanh toán với nhau, chứ không hoà giải về cách thức thanh toán số tiền tài sản đó như thế nào.

Về việc Toà án có trách nhiệm hay có quyền hoà giải cả về cách thức thanh toán tiền, tài sản giữa các đương sự hay không,  về việc cơ quan thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành các quyết định công nhận thoả thuận nói chung và quyết định công nhận thoả thuận không có nội dung về cách thức thanh toán như thế nào, hiện có thể coi là có hai quan điểm trái ngược nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Toà án chỉ có thẩm quyền, hay trách nhiệm hoà giải về số lượng, không có trách nhiệm và thẩm quyền hoà giải về cách thức thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Quan điểm này dựa trên một số cơ sở pháp lý như sau:

Thứ nhất, tại đoạn 2 khoản 1 phần III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19.6.1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính có quy định: Toà án không tự ấn định trong bản án, quyết định thời điểm hoặc thời hạn bên có nghĩa vụ thi hành. Do đó việc Toà  án không hoà giải về phương thức thanh toán, hay nói đúng hơn, trong nội dung quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự không có nội dung về phương thức thanh toán là hoàn toàn phù hợp.

 Thứ hai, Thứ ba, Khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự cũng như khoản 7.2 phần 7 Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12.5.2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự không quy định rõ “toàn bộ vụ án” bao gồm những nội dung gì;

Thứ ba, trong quá trình hoà giải, nếu các đương sự không yêu cầu toà án hoà giải về cách thức thanh toán thì Toà án không có cơ sở để ra quyết định về cách thức thanh toán;

Thứ tư, QĐCNTT có giá trị như một bản án nên cơ quan Thi hành án phải đưa ra thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự; không thể coi quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự là việc của các đương sự, không thể coi là đương sự tự thực hiện thoả thuận đó với nhau. 

 Thứ năm, quyết định của Toà án ghi nhận thoả thuận của các đương sự với nhau về số lượng, số tiền, tài sản..., còn cách thức thanh toán có thể được  các đương sự thoả thuận với nhau hoặc do cơ quan Thi hành án xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

  Quan điểm thứ hai cho rằng Toà án phải hoà giải cả về số lượng lẫn cách thức thanh toán bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19.6.1997 đã có loại trừ “trường hợp pháp luật có quy định khác” và Thông tư đó ra đời nhằm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khi đó Bộ luật TTDS chưa ban hành.

Thứ hai, QĐCNTT có giá trị như một bản án nhưng không phải là một bản án. Bản án do Toà án tuyên buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ, thể hiện tính quyền lực nhà nước, trong khi QĐCNTT lại là sự tự nguyện thoả thuận của các bên;

Thứ ba, mặc dù Bộ luật tố tụng dân sự  và Nghị quyết số  02/2006/NQ-HĐTP ngày 12.5.2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự không nêu rõ “toàn bộ vụ án” bao gồm những nội dung gì nhưng nếu Toà án chỉ hoà giải về số lượng mà không hoà giải về cách thức thì chưa thật  sự giải quyết được trọn vẹn toàn bộ vụ án. Bên cạnh đó, việc hoà giải ở cơ sở (tuy tính chất khác với hoà giải ở Toà án) do những người dân tổ chức cũng hoà giải được và phải hoà giải được về cách thức thanh toán mới được xem là hoà giải thành;

Thứ tư, thực chất, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án không có quyền quyết định cách thức thanh toán. Cơ quan Thi hành án chỉ can thiệp khi đương sự không thực hiện đúng cam kết thoả thuận của mình đã được toà án ghi nhận. Nếu QĐCNTT không có thoả thuận về cách thức thì không có căn cứ pháp lý vững chắc để cơ quan Thi hành án xác định đương sự không tự nguyện thi hành, từ đó làm cơ sở cho việc cưỡng chế.

Thứ năm, trong quá trình hoà giải, vì nhiều lý do khác nhau, đương sự không thể hiểu biết được hết các quy định của pháp luật có liên quan. Do đó, Toà án phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho các đương sự thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quyền và nghĩa vụ của mình.

Từ hai quan điểm khác nhau như trên, chúng tôi đồng tình với  quan điểm thứ hai. Bởi quan điểm này bảo đảm rằng các QĐCNTT sẽ thực sự là sự thoả thuận một cách tự nguyện, đầy đủ và minh bạch của các đương sự, góp phần làm tăng hiệu quả hoà giải của Toà án và sẽ làm giảm đáng kể lượng án đầu vào của các cơ quan Thi hành án cấp huyện, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều và Toà án cũng đã thụ lý giải quyết các tranh chấp về hụi, họ, biêu, phường. Giảm lượng án đầu vào (tức là nếu không hòa giải được về hụih thức thanh toán, toà án phải đưa vụ án ra xét xử) cũng góp phần đáng kể vào việc giảm lượng án tồn đọng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Trần Hoài Linh,  Năm Căn, Cà Mau