Giải quyết án tồn đọng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Tăng cường công tác tuyên truyền

02/06/2008

Không phải là địa bàn nhiều án nhưng với tình hình vi phạm pháp luật ngày càng có xu hướng gia tăng nên các việc phải thi hành án (THADS) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng ngày một dày thêm. Làm thế nào để giải quyết án tồn đọng? Đó là câu hỏi đặt ra với các cơ quan THA trên cả nước, và Bắc Giang đã có cách làm của riêng mình…



Án tồn đọng lớn

Theo THADS Bắc Giang, bình quân hàng năm các cơ quan THADS tỉnh này phải đưa ra thi hành gần 7 ngàn việc, trong đó số việc tồn đọng do chưa có điều kiện thi hành dồn từ năm này qua năm khác chiếm tỷ lệ khá cao. Năm 2004 tổng số việc phải thi hành của toàn tỉnh là 6334 việc, số chưa có điều kiện thi hành là 2852 việc, chiếm tỷ lệ 45%. Năm 2005, số việc tồn đọng là 2876/6518 việc; năm 2006 số việc chưa có điều kiện thi hành lên tới gần 3 ngàn việc. Và đến 2007 là 3185/7316 việc phải thi hành với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong số việc có điều kiện thi hành vẫn còn đến gần 1 ngàn việc chưa thi hành xong do một số việc phải thi hành định kỳ, kéo dài trong nhiều năm (án cấp dưỡng, án thi hành đều), một số vụ đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên nhưng tài sản chưa xử lý được; một số vụ khác đương sự không nhận tiền vì cho rằng đồng tiền trượt giá…Đặc biệt trong số án tồn đọng nêu trên, có đến 50% số vụ là thi hành cho ngân sách nhà nước (án phí, tiền phạt..), chủ yếu là các loại án về ma tuý với mức tiền phạt tương đối lớn. Phân loại số việc chưa có điều kiện thi hành xin xem biểu đồ minh hoạ.

Án tồn đọng, ngoài nguyên nhân về cơ chế còn nhiều bất cập thì vấn đề nổi lên được THADS Bắc Giang đề cập đến đó là sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc THA. Cụ thể là cùng một bản án nhưng cơ quan THA hình sự chịu trách nhiệm thi hành hình phạt, còn cơ quan THADS chịu trách nhiệm phần án phí, tiền phạt và phần dân sự trong các bản án hình sự. Tuy nhiên các cơ quan này lại không sự phối hợp chặt chẽ với nhau nên rất khó khăn cho cơ quan THADS. Đơn cử chỉ là việc tống đạt các loại giấy báo, hay xác minh điều kiện THA của đương sự khi họ đang ở trại giam (mà trại giam lại ở xa) đã là cả một vấn đề nan giải. Nhiều trường hợp trong quá trình điều tra, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng chưa áp dụng kịp thời các biện pháp phong toả, kê biên tài sản nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản để sau đó đến giai đoạn THA thì không còn tài sản nữa. Ngoài ra, việc án tuyên lơ lửng, tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho THA. Và trên thực tế có nhiều vụ tồn đọng, dây dưa vì lý do này.

Những nguyên nhân khách quan – tựu chung xuất phát từ nhận thức của chính đội ngũ những người làm công tác pháp luật (trong đó không loại trừ cả một số nguyên nhân chủ quan về phía chấp hành viên) và một bộ phận nhân dân về công tác THA. Do đó Bắc Giang chọn đây là khâu đột phá để “cải thiện” tình hình án tồn đọng đang rất khó thanh lý hiện nay.

Mũi nhọn là công tác tuyên truyền.

Những năm qua, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua giải thích pháp luật về THA cho công dân tại trụ sở, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đặc biệt qua các cuộc cưỡng chế tại cơ sở, cơ quan THA còn thường xuyên phối hợp với Phòng Văn bản – tuyên truyền của Sở Tư pháp tổ chức phổ biến pháp luật về THA cho nhân dân, thông qua các cuộc hội nghị, tập huấn, giải đáp pháp luật về THA. Tham gia cùng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang trong các chuyên mục nhằm nêu gương người tốt việc tốt, hoặc những đối tượng chây ỳ, chống đối trong công tác THA để làm gương. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trẻ của các cơ quan THA thường xuyên tham gia với Trung tâm trợ giúp pháp lý về cơ sở trợ giúp pháp lý cho bà con tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Bên cạnh đó, hàng năm THA cũng đã tổ chức các chiến dịch THA theo mùa (chọn những thời điểm đương sự có điều kiện như thu hoạch mùa vụ) để tập trung lực lượng giải quyết án, đặc biệt những vụ dây dưa, kéo dài. Thông qua các đợt cao điểm về THA để tuyên truyền giải thích pháp luật cho người dân.

Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên mặc dù xác định tuyên truyền pháp luật là khâu đột phá để giải quyết án tồn đọng nhưng công việc này được thực hiện chưa nhiều, chưa có chiều sâu và trên phạm vi rộng. Đặc biệt các đối tượng là cán bộ công chức trong các cơ quan có trách nhiệm phối hợp THA thì hầu như chưa có điều kiện để phổ biến pháp luật về THA, và khi họ không thực hiện đúng phận sự của mình thì cũng chưa có chế tài để xử lý. Do đó, không chỉ cần có biện pháp (kể cả hình sự) đối với các đối tượng chây ỳ, chống đối mà phải xử lý cả những người có trách nhiệm trong cơ quan nhà nước nếu có điều kiện mà không hợp tác với cơ quan THA.

                                                                                Thu Hằng