Có thu phí thi hành án hay không?

24/02/2009
Việc ban hành Thông tư 68/2008/TTLT-BTP-BTC ngày 21/7/2008 hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án ( sau đây được viết tắt là Thông tư 68) đã giúp các cơ quan THADS giải quyết một lượng lớn hồ sơ tồn đọng do việc phải chờ xử lý khoản tạm thu phí thi hành án theo hướng dẫn tại công văn 135/TP-THA ngày 27/7/2004 và Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 hướng dẫn một số nghiệp vấn đề nghiệp vụ thi hành án của Bộ Tư pháp. Đồng thời đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án khi chỉ phải nộp số tiền phí đúng với luật định.


Tuy nhiên, việc áp dụng Thông tư 68 trong thực tiễn đang làm cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn do một số bất cập về việc thu phí thi hành án của Thông tư. Điều này có thể thấy qua ví dụ sau:

Để thi hành bản án số 43/KDTM-ST cơ quan THADS đã ra quyết định THA số 53/THA-QĐ theo đơn yêu cầu của nguyên đơn. Với nội dung: “ Buộc Công ty TNHH A phải trả cho Công ty TNHH B  01 tỷ đồng và khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do ngân hàng nhà nước  quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án”.

Chấp hành viên được giao giải quyết hồ sơ đã thực hiện các thủ tục tống đạt quyết định THA và giấy báo tự nguyện cho người phải THA. Hết thời hạn tự nguyện, chấp hành viên được người phải THA cung cấp các chứng từ chứng minh việc họ đã thanh toán toàn bộ tiền gốc theo bản án và văn bản thoả thuận giữa người phải THA và người được THA với nội dung bên phải THA phải thanh toán toàn bộ số tiền gốc theo bản án và được miễn số tiền lãi chậm thi hành án và bên được THA phải làm văn bản rút đơn yêu cầu thi hành án cũng như từ bỏ quyền và lợi ích được hưởng theo bản án. Ngay sau đó, chấp hành viên nhận được đơn xin rút đơn yêu cầu thi hành án và xin từ bỏ toàn bộ quyền và lợi ích mà người được THA được hưởng theo bản án trên và đề nghị cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ theo Điều 5 Nghị đình 173/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự (NĐ 173)

Với vụ việc trên, cơ quan THADS có thực hiện thu phí THA đối với bên được THA trên số tiền gốc họ đã nhận hay không?

Quan điểm thứ nhất: sẽ không tiến hành thu phí và ra quyết định đình chỉ theo đúng quy định Điều 5 NĐ 173 quy định về thoả thuận THA và hướng dẫn tại điểm d khoản 2 phần 2 của Thông tư 68. Tuy nhiên việc áp dụng các quy định trên sẽ gây điều bất cập.

Vì trên thực tế, bên được THA không hề từ bỏ toàn bộ quyền và lợi ích được hưởng theo bản án vì họ đã nhận tiền từ phía người phải THA. Như vậy, văn bản rút đơn yêu cầu THA và từ bỏ quyền và lợi ích trên phải được coi là giao dịch giả tạo và theo quy định của Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2005 : “ Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực..”, tức là văn bản từ bỏ trên không có giá trị pháp lý. Nên việc chuyển trả tiền gốc của người phải THA phải được coi là việc thực hiện quyết định THA số 53/THA-QĐ.

Với lập luận trên sẽ là cơ sở cho sự tồn tại quan điểm thứ hai là sẽ phải thu phí khoản tiền mà người được THA đã nhận từ phía người phải THA và ra quyết định đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 28 PLTHADS; khoản 2 Điều 5 NĐ 173 quy định về thoả thuận thi hành án1 để kết thúc vụ việc.

Trước hết, căn cứ để ra quyết định thu phí THA là dựa trên kết quả thi hành các khoản được tuyên trong bản án và quyết định THA, thế nhưng việc ra Quyết định đình chỉ lại được hiểu là việc cơ quan THADS kết thúc việc thi hành các khoản đã đình chỉ được nêu trong Quyết định THA. Điều này tất yếu dẫn tới việc xoá bỏ căn cứ để ra quyết định thu phí THA vì cơ quan THADS không còn thẩm quyền thi hành mà lại có kết quả. Như vậy, xét về mặt lý luận thi việc thu phí cũng không đúng.

Đồng thời việc ra quyết định và thực hiện việc thu phí sẽ vấp phải sự phản đối từ phía người được THA vì cho rằng họ đã thực hiện đúng theo quy định của khoản 3 Điều 28 PL THADS; khoản 2 Điều 5 NĐ 173 cũng như điểm d khoản 2 phần 2 của Thông tư 68. Và việc xác định văn bản từ bỏ quyền và lợi ích được hưởng theo bản án giao dịch vô hiệu hay không là thẩm quyền của Toà án theo đúng quy định của BLDS chứ không phải là cơ quan THADS. Do vậy, họ không tự nguyện nộp tiền phí thi hành án. Lập luận này của người được THA là không sai.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng tiến thoái lưỡng lan mà cơ quan THADS đang gặp phải. Có thể tạm gọi là : “ Sự khúc xạ luật bởi quyền lập quy” 2.

Rất mong các văn bản hướng dẫn việc thi hành Luật Thi hành án sẽ khắc phục điểm mâu thuẫn này để các quy định về thi hành án ngày một hoàn thiện hơn.

Trên đây, là quan điểm của chúng tôi trong hoạt động thực tiễn thi hành án dân sự, rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi để giúp cho hoạt động THADS  ngày càng tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

1.    Phạm Quang Dũng - Tự nguyện thi hành án- Tạp chí Dân chủ & Pháp luật số tháng 8 năm 2006

2.    Bùi Ngọc Sơn&Nguyễn Thị Phượng – Sự khúc xạ luật bởi quyền lập quy –Tạp chí Dân chủ & Pháp luật số tháng 7 năm 2006.

- Lê Thị Kim Dung – Phí thi hành án – một cách tiếp cận mới về quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án- Số chuyên đề về nghiệp vụ thi hành án năm 2005.

Lê Đình Nam - Thi hành án dân sự TP Hà Nội