Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự (Phần IV)

08/10/2009

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên phải thông qua Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Trên cơ sở Tờ trình của Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên, hồ sơ bổ nhiệm và các tài liệu khác có liên quan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ xem xét quyết định việc bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định. Theo đó, Chấp hành viên sẽ được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm và việc bổ nhiệm chấp hành viên chưa được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển.



Thực tế việc bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn nhất định, ảnh hưởng phần nào đến kết qủa hoạt động của công tác thi hành án dân sự. Do đó, để từng bước khắc phục những bất cập này, góp phần nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm chấp hành viên, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”; “nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh tư pháp”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã có nhiều quy định hoàn toàn mới về trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự, cụ thể:

1. Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên

Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định việc bổ nhiệm vào ngạch chấp hành viên phải qua kỳ thi tuyển, trừ trường hợp quy định tại Điều 48 của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP[1]. Việc thi tuyển Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương sẽ do Bộ Tư pháp tổ chức và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ quy định nội dung và hình thức thi tuyển Chấp hành viên.

Để tham gia thi tuyển chấp hành viên, người dự thi phải có đủ tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên[2] quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật nhưng chưa có kết luận và quyết định cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trình tự, thủ tục thi tuyển và bổ nhiệm chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự sẽ được thực hiện như sau:

Một là, việc sơ tuyển và cử người tham dự thi tuyển Chấp hành viên:

 - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện cử người của đơn vị mình tham dự thi tuyển Chấp hành viên.

- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cử người tham dự thi tuyển Chấp hành viên đối với các trường hợp sau đây: công chức thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh; công chức thuộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện nhưng được đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh hoặc tham dự thi tuyển Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện khác trong phạm vi địa bàn tỉnh.

- Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện sơ tuyển đối với những người được đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên.

Đối với người không phải là cán bộ, công chức tham gia thi tuyển Chấp hành viên và trường hợp công chức từ các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh này tham gia thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự tỉnh khác thì điều kiện, việc sơ tuyển, hồ sơ thi tuyển sẽ do Bộ Tư pháp quy định.

Hai là, hồ sơ đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên bao gồm:

- Đơn tham dự thi tuyển của người dự thi.

- Sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành, có dán ảnh (4 x 6 cm), có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ.

- Bản kê khai tài sản.

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ.

- Bản nhận xét, đánh giá của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức của người được đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên về quá trình công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của người đó.

- Văn bản đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Ba là, việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ thi tuyển Chấp hành viên được thực hiện như sau: Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp nhận và xét hồ sơ dự thi; thông báo danh sách những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự thi đối với việc thi tuyển Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Bốn là, về Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên:

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Danh sách người tham gia Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cử theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển Chấp hành viên và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Thông báo kế hoạch thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên; thể lệ, quy chế thi; môn thi, hình thức thi, thời gian thi, địa điểm thi.

- Tổ chức việc ra đề thi; thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi.

- Chỉ đạo và tổ chức thi; báo cáo kết quả thi lên cơ quan có thẩm quyền để xem xét và ra quyết định công nhận kết quả kỳ thi.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dự thi.

Năm là, bổ nhiệm Chấp hành viên:

Căn cứ kết quả kỳ thi, Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên gửi kết quả kỳ thi về Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định.

2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên

Điều 19 Luật Thi hành án dân sự quy định việc miễn nhiệm Chấp hành viên được thực hiện như sau:

- Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:

+ Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;

+ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.

Trên cơ sở Luật Thi hành án dân sự, Điều 23 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên được thực hiện như sau:

- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh chuẩn bị hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

- Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên gồm có:

+ Đơn xin miễn nhiệm Chấp hành viên (nếu có), trong đó nêu rõ lý do của việc xin miễn nhiệm Chấp hành viên;

+ Các tài liệu chứng minh lý do xin miễn nhiệm Chấp hành viên: giấy chứng nhận sức khỏe do bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên cấp (còn trong thời hạn 6 tháng), giấy chứng nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc các giấy tờ phù hợp khác (nếu có);

+ Văn bản đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh đối với Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

3. Quy định mới về cách chức chức danh Chấp hành viên

Điều 24 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Chấp hành viên có thể bị cách chức chức danh Chấp hành viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án chưa đến mức bị buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy cần phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức chức danh Chấp hành viên.

- Vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 21[3] Luật Thi hành án dân sự mà xét thấy cần thiết phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức chức danh Chấp hành viên.

Trình tự, thủ tục xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cách chức chức danh Chấp hành viên thực hiện theo quy định hiện hành về kỷ luật đối với cán bộ, công chức[4].

4. Quy định mới về việc điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên

Việc điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên hiện đang giữ các chức vụ Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh từ tỉnh này đến tỉnh khác.

- Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương từ tỉnh này đến tỉnh khác. (Còn nữa).

Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Cục Thi hành án dân sự


[1]Điều 48. Tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển

“1. Chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo;

b) Người được tuyển chọn để bổ nhiệm Chấp hành viên có đơn cam kết tình nguyện công tác tại cơ quan thi hành án dân sự nêu tại khoản 1 Điều này từ 05 năm trở lên;

c) Thời gian áp dụng quy định trên kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp quy định tại Điều này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên.

2. Căn cứ khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách các cơ quan thi hành án dân sự được tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển”.

[2] Xem Phần III. Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự.

[3]Điều 21. Những việc Chấp hành viên không được làm

“1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.

2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.

3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.

4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.

5. Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:

a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;

c) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

6. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.

8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật”.

[4]Xem thêm Chương II từ Điều 15 đến Điều 19 và Điều 24 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.