Vướng mắc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước trong THADS

21/06/2011
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 đã và đang đi vào thực tiễn  cuộc sống giải quyết nhiều bất cập khó khăn trước đây, góp phần đưa công tác Thi hành án dân sự ngày càng có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, qua thực tiễn vẫn còn những trường hợp cụ thể áp dụng pháp luật chưa có tính khả thi. Chúng tôi xin nêu vấn đề xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước trong hoạt động thi hành án hiện nay được quy định tại Điều 124 Luật Thi hành án dân sự; Điều 18 Nghị định 58/CP ngày 13/7/2009  Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Thông tư 166/BTC ngày 18/8/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn  xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sử hữu nhà nước.


Căn cứ Điều 124 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 “… Đối với vật chứng tài sản tạm giữ mà Bản án, quyết định tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước thì trong thời hạn 10 ngày  kể  từ ngày ra quyết định thi hành án cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản và tiến hành giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ đó cho cơ quan tài chính cùng cấp…”

Tại điều 18 Nghị định 58/CP ngày 13/7/2009 “… Cơ quan thi hành án thông báo và ấn định cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận vật chứng, tài sản thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo để tiếp nhận...”

Tất cả tài sản có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước được quản lý thống nhất theo quy định của Bộ Tài chính. Cơ quan tài chính nhà nước các cấp thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, bảo quản tài sản cho đến khi hoàn tất việc xử lý.

Song trong thực tiễn hoạt động thi hành án đối với tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước là các công cụ phương tiện phạm tội bị bản án tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước là đúng pháp luật nhưng lại không có tính khả thi trong quá trình thi hành án. Đó là những căn phòng mà bị cáo đã sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội (để chứa mại dâm) Bản án tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước giá trị 03 căn phòng ở tầng 5 của nhà nghỉ (19) của bị cáo.

Những tài sản này sau khi làm thủ tục bàn giao cho cơ quan tài chính. Cơ quan tài chính phải thành lập Hội đồng xác định giá khởi điểm và bán đấu giá theo quy định. Nhưng không có người đăng ký mua vì không có đường vào, mà cũng không thể tháo dỡ vật liệu mang đi được. Nếu để thi hành được bản án chỉ bằng cách thuyết phục người phải thi hành án (bị cáo) mua lại giá trị những căn phòng đó, mặt khác theo quy định của pháp luật thì khi định giá lại rất cao cho nên chính chủ nhà họ cũng không thể mua lại và họ cho rằng họ không mua lại thì không ai dám đến mua và cơ quan tài chính cũng không bán cho ai được. Như vậy quyết định bản án không có khả năng thực hiện được. Sau khi bàn giao tài sản cơ quan tài chính cũng không xử lý được và cũng không thu được chi phí cho việc bàn giao, định giá tài sản, thông báo bán tài sản…

Đây là một dạng việc cụ thể trong công tác thi hành án mà cơ quan thi hành án khó thi hành, mãi vẫn còn tồn đọng. Kết quả công tác thi hành án dân sự phụ thuộc rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó có những yếu tố mang tính chất quyết định đó là Quyết định bản án phải rõ ràng, dễ hiểu và có tính khả thi trong thực tế đời sống xã hội, trong khi khối lượng công việc thi hành án ngày càng tăng, do đó dẫn đến án tồn đọng kéo dài không giải quyết được. Trong nội dung bài viết này chúng tôi xin trao đổi với bạn đọc nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực góp phần làm giảm lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác thi hành án dân sự hiện nay.

 

Lê Thị Kim Dung