Cụ thể là đối với vụ việc tổ chức thi hành án đối với người được thi hành án bà Nguyễn Thị Hóa (Mẹ Việt Nam anh hùng) và ông Trần Văn Tứ (thân nhân gia đình anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) tại ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng ta sẽ thấy rõ việc kiến nghị của thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đối với bản án có vi phạm pháp luật là một quá trình phức tạp, phải đối mặt với nhiều áp lực và diễn ra trong một thời gian tương đối dài mới được cấp có thẩm quyền chấp nhận.
1. NỘI DUNG VỤ VIỆC:
1.1. Phát sinh tranh chấp và giải quyết của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền:
Ông Trần Văn Tứ (là người có công với cách mạng, anh trai của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) và gia đình có khai khẩn, canh tác một lô đất có diện tích trên 8000m2 tại ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc từ trước năm 1990;
Ngày 04/6/2002 bà Võ Thị Thôi có đơn gửi Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận tranh chấp với ông Trần Văn Tứ phần diện tích đất 2000m2 tại ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc do ông Trần Văn Tứ khai khẩn, quản lý, sử dụng.
Ngày 25/6/2002, Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận lập phiếu chuyển số 01/2002/PC-UBX chuyển vụ việc về Ban quản lý rừng dự án 327 giải quyết với lý do Ủy ban nhân dân xã không quản lý đất rừng dự án 327 đồng thời ban hành thông báo chuyển đơn của hai bên đương sự về chủ dự án 327 - Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu giải quyết theo thẩm quyền.
Song song với việc khiếu kiện ông Trần Văn Tứ tại Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận như trên, cũng trong năm 2002, bà Võ Thị Thôi bán cho bà Nguyễn Thị Hóa (90 tuổi, là mẹ Việt Nam anh hùng) lô đất có diện tích 6.500m2 (đo đạc thực tế lại thì diện tích đất này là 8.114 m2) tại ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong đó có diện tích 2000m2 đất hiện đang tranh chấp với ông Trần Văn Tứ. Việc mua bán chỉ bằng miệng, không lập giấy tờ và bà Thôi cũng không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng đối với lô đất đã bán. Sau đó, bà Thôi và bà Hóa nhờ ông Tống Văn Thanh (là hàng xóm, có đất sát bên lô đất mà bà Thôi bán cho bà Hoá) đăng ký diện tích đất mà bà Thôi đã bán cho bà Hóa để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2003, ông Tống Văn Thanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 29.554m2 (trong đó có 6.500m2 đất bà Thôi đã bán cho bà Hóa nhờ ông Thanh đứng tên và hiện đang có tranh chấp) theo Quyết định số 2651/QĐ-UB ngày 22/8/2003 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc.
Năm 2006, do thấy đất của mình đang khai khẩn, sử dụng (6.500m2) được Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh (trong khi đất này bà Thôi đang tranh chấp với ông Tứ), ông Trần Văn Tứ đã có đơn khiếu nại Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 29.554m2 cho ông Tống Văn Thanh là sai vì đất đang có tranh chấp chưa được giải quyết.
Sau khi nhận đơn khiếu nại của ông Trần Văn Tứ, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc giao cho Thanh tra huyện tổ chức thanh tra toàn bộ quá trình cấp đất cho ông Tống Văn Thanh. Ngày 05/12/2006, Thanh tra huyện Xuyên Mộc có báo cáo số 216/BC-TTra gửi Ủy ban nhân dân huyện khảng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh khi đất có tranh chấp là sai, cần phải thu hồi và giải quyết lại từ đầu.
Trên cơ sở báo cáo của Thanh tra huyện, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã có công văn số 53/UBND-VP ngày 18/01/2007 chỉ đạo: Giao phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện làm thủ tục thu hồi phần diện tích 0,2 ha (2000m2) đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận hướng dẫn và thực hiện giải quyết tranh chấp lại từ đầu đối với diện tích 0,2 ha giữa ông Trần Văn Tứ và bà Võ Thị Thôi; giải quyết tranh chấp đất đai đối với diện tích tranh chấp 0,45 ha giữa ông Trần Văn Tứ với ông Tống Văn Thanh.
Trong khi Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc và Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận đang giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền, tháng 8/2007, bà Nguyễn Thị Hoá uỷ quyền cho con trai là ông Nguyễn Văn Nếp khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp đất đai đối với bị đơn là ông Trần Văn Tứ và ông Trần Văn Dững (con ruột ông Tứ) tại Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc.
Ngày 18/9/2007, Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc có thông báo thụ lý giải quyết vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Hóa (do ông Nguyễn Văn Nếp là đại diện theo uỷ quyền) - Nguyên đơn với ông ông Trần Văn Tứ và Trần Văn Dững - Bị đơn.
Ngày 15/8/2008, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc có Công văn số 828/UBND - VP thu hồi hủy bỏ Công văn số 53/UBND-VP ngày 18/01/2007 với lý do: Việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Tứ và bà Nguyễn Thị Hóa đã được Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc thụ lý giải quyết.
1.2. Quá trình xét xử của Toà án 02 cấp sơ thẩm và phúc thẩm:
Quá trình xét xử trải qua 02 cấp trong đó Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc xét xử sơ thẩm (theo bản án dân sự sơ thẩm số 12/2008/DSST ngày 31/7/2008) và Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử phúc thẩm (theo bản án dân sự phúc thẩm số 125/2008/DSPT ngày 29/9/2008). Quá trình xét xử toà án 02 cấp đều nhận định và tuyên xử:
- Việc ông Tứ, ông Dững cho rằng năm 2002, bà Thôi đang tranh chấp 2000m2 đất với ông Tứ nhưng chưa được giải quyết mà Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc lại cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất này cho ông Tống Văn Thanh trong khi đất đang tranh chấp là không đúng, xét thấy lời trình bày này của ông Tứ là có căn cứ, tuy nhiên Hội đồng xét xử thấy rằng ông Tứ, ông Dững cũng không có quyền sử dụng đất đối với diện tích 2000m2 mà trước kia bà Thôi tranh chấp với ông Tứ và ông Dững. Vì vậy không cần phải kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho ông Thanh.
- Năm 2002, ông Tống Văn Thanh và bà Võ Thị Thôi chưa được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Việc mua bán đất giữa bà Thôi và bà Nguyễn Thị Hóa (lúc đó bà Hóa đã 90 tuổi) chỉ bằng miệng, không làm giấy tờ.
- Xác định toàn bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh lưu trữ ở phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuyên Mộc và ở Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận bị thất lạc không rõ nguyên nhân trong bản án.
- Khi bà Hóa mua đất của ông Thanh và bà Thôi vào năm 2002 thì ông Thanh và bà Thôi chưa được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; bà Thôi nhờ ông Thanh đứng ra làm thủ tục, năm 2003 ông Thanh được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với phần đất bà Thôi bán cho bà Hóa.
- Quá trình ông Thanh được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với thửa số 164, diện tích 29.554m2 được thực hiện công khai, qua các thủ tục xét duyệt từ xã lên huyện từ năm 2003 nhưng không ai khiếu nại gì nên Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với diện tích đang tranh chấp.
- Bản án khảng định trong Sổ Mục kê đất thể hiện ông Tống Văn Thanh là người kê khai thửa số 164 với diện tích 29.554m2.
Trên cơ sở nhận định như trên tại bản án phúc thẩm số 125/2008/DSPT ngày 29/9/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Toà án tỉnh đã tuyên xử tại phần Quyết định của bản án này như sau:
“ … Buộc ông Trần Văn Tứ và Trần Văn Dững trả lại cho bà Nguyễn Thị Hóa 8.114m2 thuộc thửa 164 tờ bản đồ số 23, ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vị trí, kích thước đất được xác định tại lô C, phần đất thuộc thửa số 164, theo sơ đồ vị trí do Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập ngày 25/7/2007 (kèm theo bản án);
…Buộc ông Trần văn Tứ và ông Trần Văn Dững liên đới bồi thường cho bà Nguyễn Thị Hóa 8.820.000đ (tám triệu, tám trăm hai mươi ngàn đồng) tiền chi phí để khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu;
…Ông Tứ và ông Dững mỗi người phải hoàn lại cho bà Hóa 1.729.500đ…”.
1.3. Quá trình tổ chức thi hành án:
Sau khi án có hiệu lực pháp luật, bà Nguyễn Thị Hoá có đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Xuyên Mộc ra Quyết định thi hành án và tổ chức thi hành. Tuy nhiên, do ông Trần Văn Tứ và Trần Văn Dững có khiếu nại gay gắt nên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải ban hành quyết định rút hồ sơ về Cục để thụ lý giải quyết.
Ngày 05/6/2009, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc ban hành Báo cáo số 53/BC-UBND lại xác định một nội dung hoàn toàn mới và nêu: Ông Tống Văn Thanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất trên từ năm 2000, còn năm 2003, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc chỉ thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ông Thanh trên cơ sở giấy cũ đã cấp năm 2000 (trong đó có diện tích đất mà ông Tứ và bà Thôi đang tranh chấp).
Trên cơ sở báo cáo số số 53/BC-UBND ngày 05/6/2009 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc; Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xác minh tại phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuyên Mộc; Kết quả xác minh tại biên bản lập ngày 01/7/2009 như sau:
- Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của ông Tống Văn Thanh năm 2000 bị mất ở cả cấp xã và cấp huyện, không rõ nguyên do.
- Hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Tống Văn Thanh năm 2003, ở cấp xã không có, ở cấp huyện chỉ có 03 loại giấy tờ sau:
+ Quyết định số 2651/QĐ-UB ngày 22/8/2003 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc về việc thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Tờ trình số 293/TT-ĐC-NN ngày 15/8/2003 của phòng Địa chính - Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc;
+ Danh sách cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 30/7/2003 kèm theo tờ trình số 293/TT-ĐC-NN ngày 15/8/2003 của phòng Địa chính - Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc.
- Về hồ sơ xin cấp đổi này, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuyên Mộc cho biết theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 được sửa đổi, bổ sung năm 1998 và năm 2001; Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục Địa chính về việc hướng dẫn đăng ký đất đai thì thủ tục thiếu 03 loại giấy tờ bắc buộc sau đây:
+ Đơn xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Tống Văn Thanh;
+ Bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 2000;
+ Biên bản họp xét đủ điều kiện cấp đổi của Hội đồng đăng ký đất đai xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
- Đối với diện tích đất 6.500m2 mà bà Võ Thị Thôi bán cho bà Nguyễn Thị Hoá - bản án phúc thẩm xác định có nguồn gốc do bà Thôi khai phá nhưng hiện tại phòng Tài nguyên và môi trường huyện cho biết không quản lý, lưu giữ bất cứ tài liệu, giấy tờ nào chứng minh việc này .
- Xác minh Sổ mục kê đất, Sổ Địa chính:
Qua xác minh của Cục Thi hành án dân sự tỉnh vào các ngày 26/10/2009 và 28/10/2009 tại Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản cung cấp thông tin số 74/VPĐK-PLT ngày 03/11/2009 thì Sổ mục kê đất từ năm 2000 đến năm 2005 đối với diện tích 29.554m2 thửa số 164, tờ bản đồ số 23, xã Phước Thuận đứng tên người sử dụng đất là Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu chứ không phải đứng tên ông Tống Văn Thanh, còn trên Sổ Địa chính các năm 2000 và 2005 không có tên người đăng ký sử dụng đất đối với thửa này.
- Trong quá trình tổ chức thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh ban hành công văn số 238/THA ngày 28/4/2009 và công văn số 518/THA ngày 06/8/2009 để báo cáo và kiến nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 125/2008/DSPT ngày 29/9/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Ngày 08/10/2009, Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp (nay là Tổng cục thi hành án dân sự) đã có công văn số 1987/BTP-THA gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem xét kiến nghị của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Ngày 16/12/2009, Vụ 10 - Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao có Công văn số 4053/VKSTC-V10 gửi Vụ 5 - Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao nghiên cứu giải quyết kiến nghị của Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. CHỈ ĐẠO CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG ĐỐI VỚI VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN:
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: có Công văn số 165/VKSTC-V5 ngày 22/4/2010; công văn số 189/VKSTC-V5 ngày 24/5/2010 và Công văn số 299/VKSTC ngày 16/7/2010 về việc yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cơ quan thường trực Tòa án nhân dân tối cao tại phía nam chuyển hồ sơ xét xử vụ án của bà Nguyễn Thị Hóa và ông Trần Văn Dững để giải quyết kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội: Có Công văn số 3749/UBTP12 ngày 20/4/2010 gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc đề nghị xem xét giải quyết kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Tổng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp:
+ Ngày 09/6/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự có thông báo số 1491/THA-TB về việc thông báo kết luận của lãnh đạo Tổng cục Thi hành án tại cuộc họp ngày 06/6/2010 về việc giải quyết các vụ việc có khó khăn vướng mắc của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau: Vụ Bà Nguyễn Thị Hóa, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản và rút hồ sơ để xem xét theo quy định nên cần làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để biết kết quả. Do đó, tuần tới lãnh đạo Tổng cục mời đại diện Vụ 5 - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sang làm việc, đồng thời có văn bản gửi Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh về nội dung nêu trên. Sau khi có kết quả làm việc sẽ chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thi hành vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”.
+ Ngày 09/6/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự có công văn số 1537/TCTHA-NV1 gửi Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trao đổi ý kiến đối với vụ việc trên có nêu: “ Sau khi có kết quả làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thi hành vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”.
+ Ngày 14/6/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự có Công văn số 1590/TCTHA-NV1 gửi Tòa dân sự - Tòa án nhân dân tối cao và Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để trao đổi ý kiến, để có cơ sở chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức thi hành án.
Trong tài liệu phục vụ Hội nghị Tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2010 - Chuyên đề giải quyết khiếu nại - tố cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự xác định việc tổ chức thi hành án đối với bà Nguyễn Thị Hóa và ông Trần Văn Tứ ở Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những việc có khiếu nại phức tạp, việc có nhiều ý kiến, quan điểm trái ngược nhau.
- Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Có Công văn 457.UBND-VP ngày 02/11/2010 kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét giải quyết kiến nghị của Cục Thi hành án theo hướng kháng nghị giám đốc thẩm lại bản án, cụ thể:
+ Kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương xem xét giải quyết kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
+ Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, phối hợp báo cáo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng để chỉ đạo.
3. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRONG QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN:
Đây là tình huống thực tế phức tạp diễn ra trong hoạt động tổ chức thi hành án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi nhận thấy đối với vụ việc này cần đứng trên lập trường quan điểm xem xét lại toàn bộ thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc và thẩm quyền thụ lý vụ án của Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc, chính sự chồng chéo, ách tắc giữa 02 cơ quan này làm cho nội dung vụ việc không được xác minh rõ ràng, giải quyết không hợp tình hợp lý dẫn đến khi án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan Thi hành án dân sự không tổ chức thi hành được trên thực tế.
3.1. Phân tích sự chồng chéo không xác định rõ thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính (Ủy ban nhân dân) và cơ quan tố tụng (Toà án nhân dân) và việc đánh giá chứng cứ của Toà án trong quá trình xét xử:
3.1.1. Việc tranh chấp đất đai đang có khiếu nại và Ủy ban nhân dân đang giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền và chưa có Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng Toà án vẫn thụ lý vụ án là vi phạm pháp luật:
Năm 2006, ông Trần Văn Tứ phát hiện diện tích 6.500m2 của gia đình ông đang sử dụng ổn định từ trước năm 2002 được Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh theo Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2651/QĐ-UB ngày 22/8/2003 với diện tích được cấp là 29.554m2 nên ông đã khiếu nại đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc xem xét lại Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh là phù hợp với quy định của Luật giải quyết Khiếu nại, tố cáo.
Việc khiếu nại của ông Tống Văn Thanh là khiếu nại Quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã được Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc thụ lý giải quyết theo đúng quy định của Luật Khiếu nại tố cáo, cụ thể:
Ngày 17/10/2006, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc có Công văn số 847/UBND-VP giao Thanh tra huyện giải quyết khiến nại trên. Ngày 05/12/2006, Thanh tra huyện Xuyên Mộc có báo cáo số 126/BC-Ttra xác định: “Việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh đối với diện tích 0,2 ha khi đất còn đang tranh chấp là trái quy định của pháp luật đất đai và Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục Địa chính về hướng dẫn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”
Ngày 18/01/2007, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc có văn bản số 53/UBND-VP chỉ đạo giải quyết khiếu nại với nội dung: Giao Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện lập thủ tục thu hồi 2.000 m2 trong tổng diện tích 29.554m2 đã cấp cho ông Tống Văn Thanh theo Quyết định số 2651/QĐ-UB ngày 22/8/2003 của Ủy ban nhân dân huyện. Giao chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xã Phước Thuận hướng dẫn và thực hiện thụ tục giải quyết tranh chấp đất đai lại từ đầu đối với diện tích 2000m2 giữa ông Trần Văn Tứ và bà Võ Thị Thôi và giải quyết tranh chấp đất đai đối với diện tịch 4.500 m2 giữa ông Trần Văn Tứ với ông Tống Văn Thanh đã được Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 2651/QĐ-UB ngày 22/8/2003.
Như vậy, việc giải quyết khiếu nại của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc là phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tranh chấp của các bên.
Tuy nhiên, mặc dù Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đang thụ lý giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Tứ và chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhưng năm 2008, bà Nguyễn Thị Hóa ủy quyền cho con trai là Nguyễn Văn Nếp khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc tranh chấp diện tích 6.500m2 với ông Trần Văn Tứ và Trần Văn Dững nhưng Tòa án vẫn thụ lý vụ kiện.
Ngày 15/7/2008, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc có văn bản số 828/UBND-VP thu hồi, hủy bỏ Công văn số 53/UBND-VP ngày 18/01/2007 với lý do việc tranh chấp đất giữa ông Trần Văn Dững (con ông Trần Văn Tứ) và bà Nguyễn Thị Hóa đang được Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc giải quyết.
* Đối chiếu quy định tại điều 138 - Luật Đất đai năm 2003 quy định về giải quyết khiếu nại về đất đai, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện Công văn số 53/UBND-VP ngày 18/01/2007, đồng thời ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với ông Trần Văn Tứ. Nếu ông Tứ không đồng ý với nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện hoặc tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
* Đối chiếu quy định tại điều 136 - Luật Đất đai năm 2003, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án thì khi Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đang thụ lý giải quyết khiếu nại mà Tòa án lại thụ lý đơn khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự là chưa tuân thủ đầy đủ trình tự giải quyết đất đai khi có tranh chấp. Chính việc thụ lý của Tòa án, nên Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc xác định vụ việc đã được Tòa án thụ lý nên Ủy ban nhân dân không xem xét giải quyết khiếu nại.
Như vậy, việc thụ lý vụ kiện của Tòa án đã tước bỏ quyền giải quyết khiếu nại và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của cơ quan quản lý hành chính nhà nước theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
3.1.2. Thẩm quyền thụ lý vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án chưa phù hợp quy định của pháp luật (tranh chấp đất chưa được hoà giải ở cơ sở):
Theo quy định tại Điều 135, Điều 136, Điều 138 - Luật Đất đai năm 2003 và nội dung Công văn số 116/2004/KHXX ngày 22/7/2004 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về việc “Thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân nhân dân theo quy định của Luật Đất đai năm 2003” thì Tòa án chỉ được thụ lý giải quyết vụ kiện tranh chấp đất đai của công dân theo thủ tục tố tụng khi việc tranh chấp đó đã được hòa giải tại cơ sở. Trong vụ việc này, ông Trần Văn Tứ có tranh chấp đất đai với bà Võ Thị Thôi đồng thời bà Nguyễn Thị Hóa tranh chấp đất đai với ông Trần Văn Tứ đều chưa được hòa giải ở cơ sở nhưng Tòa án vẫn thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai của ông Nguyễn Văn Nếp (người được bà Nguyễn Thị Hóa ủy quyền) là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai và chỉ đạo của Toà án nhân dân tối cao.
Như vậy, việc thụ lý vụ kiện của Tòa án đã tước bỏ quyền được hòa giải tại cơ sở của công dân được pháp luật quy định.
3.1.3. Việc đánh giá chứng cứ của Toà án không phù hợp căn cứ thực tế:
*. Ông Tống Văn Thanh không đứng tên trên Sổ mục kê, Sổ địa chính:
Bản án phúc thẩm nhận định: Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Tống Văn Thanh đối với diện tích đất 29.554m2 bị thất lạc ở hai cấp xã và huyện nhưng trong Sổ mục kê ông Thanh là người kê khai thửa đất số 164, diện tích là 29.554m2 (dòng 19, 20, 21, 22 trang 7 bản án phúc thẩm số 125/2008/DSPT ngày 29/9/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Qua xác minh của Cục Thi hành án dân sự tỉnh vào các ngày 26/10/2009 và 28/10/2009 tại Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản cung cấp thông tin số 74/VPĐK-PLT ngày 03/11/2009 thì Sổ mục kê đất từ năm 2000 đến năm 2005 đối với diện tích 29.554m2 thửa số 164, tờ bản đồ số 23, xã Phước Thuận đứng tên người sử dụng đất là Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu chứ không phải đứng tên ông Tống Văn Thanh, còn trên Sổ Địa chính các năm 2000 và 2005 không có tên người đăng ký sử dụng đất đối với thửa này.
Như vậy, Bản án xác định ông Tống Văn Thanh là người kê khai, đứng tên trên Sổ mục kê đất đối với diện tích 29.554m2 thuộc thửa số 164, tờ bản đồ số 23, xã Phước Thuận là không phù hợp với căn cứ trên sổ sách quản lý đất đai và không có trên thực tế.
Do vậy, vào năm 2002 - khi ông Trần Văn Tứ và bà Võ Thị Thôi có tranh chấp 2.000m2 (là một phần đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Thanh), ngày 25/6/2002, ông Nguyễn Văn Đấu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận đã ký Phiếu chuyển số 01/2002/PC-UBX chuyển vụ việc này đến Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu để giải quyết theo thẩm quyền là phù hợp với nội dung xác minh tại Sổ Mục kê năm 2002 và năm 2005 của cơ quan Thi hành án - Bởi đất này là đất do khu Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu quản lý.
*. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bên vi phạm pháp luật:
a. Bản án công nhận nội dung: Năm 2002, bà Võ Thị Thôi bán cho bà Nguyễn Thị Hóa lô đất có diện tích 6.500m2 việc mua bán chỉ bằng miệng, không lập giấy tờ và bà Thôi cũng không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng đối với lô đất đã bán. Sau đó, bà Thôi và bà Hóa nhờ ông Tống Văn Thanh đứng tên đăng ký diện tích đất mà bà Thôi đã bán cho bà Hóa (Thuật ngữ mua, bán đất là do Tòa án sử dụng trong bản án).
Căn cứ quy định tại điều 691, 692, 693 - Bộ luật dân sự năm 1995 (Bộ luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra mua bán năm 2002); Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục Địa chính về việc hướng dẫn đăng ký đất đai, Luật Đất đai năm 1993 được sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2001, Luật Đất đai năm 2003, thì Quyền sử dụng đất là loại tài sản đặc biệt do Nhà nước thống nhất quản lý nên việc xác lập và chuyển nhượng quyền sử đất phải tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ, nên việc Tòa án hai cấp tỉnh và huyện công nhận nội dung “mua bán đất” cần phải được xem xét lại, cụ thể:
- Việc mua bán đất bằng miệng, không làm giấy tờ (giữa bà Nguyễn Thị Hóa và bà Võ Thị Thôi);
- Người bán đất (bà Võ Thị Thôi) không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đã bán nhưng lại được quyền bán đất;
- Nhờ người khác (ông Tống Văn Thanh) đứng tên kê khai đất dùm để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ông Tống Văn Thanh trong đó có 2.000 m2 đất mà ông Trần Văn Tứ đang tranh chấp với bà Võ Thị Thôi và ông Tứ có khiếu nại nhưng chưa được giải quyết là không hợp lệ - điều này được Bản án phúc thẩm ghi nhận: Xét lời trình bày của ông Tứ và ông Dững về việc bà Thôi đang tranh chấp 2.000m2 đất với ông Tứ vào năm 2002 chưa được giải quyết nhưng Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh là có căn cứ nhưng cho rằng vì ông Tứ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2.000m2 đất đang tranh chấp với bà Thôi nên không giải quyết. Thực tế gia đình ông Tứ đã sử dụng, quản lý đất này ổn định từ trước năm 2002 còn bà Thôi không có tài liệu gì chứng minh quyền sử dụng đất nhưng được Tòa án công nhận cho mua bán, trong khi đó ông Tứ đang quản lý, sử dụng thì không giải quyết là điều không hợp lý.
b. Bản án phúc thẩm xác định việc mua bán đất giữa bà Võ Thị Thôi với bà Nguyễn Thị Hóa và việc tranh chấp đất giữa bà Võ Thị Thôi với ông Trần Văn Tứ xảy ra năm 2002; Năm 2003 ông Tống Văn Thanh mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 29.554m2 (trong đó có 6.500m2 đất bà Thôi đã bán cho bà Hóa nhờ ông Thanh đứng tên và hiện đang có tranh chấp) theo Quyết định số 2651/QĐ-UB ngày 22/8/2003 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc.
Nhưng theo báo cáo gần nhất của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc - Báo cáo số 53/BC-UBND ngày 05/6/2009 thì ông Tống Văn Thanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất trên từ năm 2000, còn năm 2003, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc chỉ thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ông Thanh trên cơ sở giấy cũ đã cấp năm 2000 (trong đó có diện tích đất mà ông Tứ và bà Thôi đang tranh chấp).
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh (trong đó có một phần diện tích đất đang tranh chấp) có trước sự việc mua bán và xảy ra tranh chấp - (Việc mua bán giữa bà Thôi và Bà Hóa xảy ra năm 2002; Việc tranh chấp đất giữa bà Thôi và ông Tứ cũng xảy ra năm 2002 nhưng Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc khảng định đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh vào năm 2000). Như vậy, Bản án đã đánh giá chứng cứ không phù hợp với căn cứ thực tế - Đây là tình tiết làm thay đổi toàn bộ nội dung nhận định của Bản án.
Một vấn đề cơ bản, đất được cấp cho ông Tống Văn Thanh là đất dự án 327, là đất bảo tồn thiên nhiên do Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu quản lý, không thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc và đất này đứng tên trên sổ mục kê đất của là Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thì làm sao Ủy ban nhân dân huyện được quyền cấp cho người khác.
3.2. Nguyên nhân xảy ra tình huống trên:
* Về khách quan:
- Do quá trình đô thị hoá nông thôn nên đất nông nghiệp, lâm nghiệp có giá trị, dẫn đến việc tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện gia tăng;
- Thủ tục hành chính còn rườm rà, khó hiểu, chưa công khai, minh bạch; việc tuyên truyền pháp luật ở cơ sở chưa tốt nên người dân chưa hiểu biết hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
* Về chủ quan:
- Cán bộ công chức là người thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng không phải tất cả đều biết vận dụng chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước một cách đúng đắn, phù hợp với chức trách được giao;
- Trong tình huống thực tiễn này, nhận thấy có sự đùn đẩy, thoái thác, né tránh trách nhiệm của cán bộ công chức tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện giải quyết khiếu nại làm cho tình hình trở nên phức tạp thêm;
- Trình độ của đội ngũ cán bộ Toà án có những hạn chế nhất định, dẫn đến nhận thức và thụ lý vụ án vi phạm thẩm quyền, đánh giá chứng cứ phiến diện, thiếu khách quan.
3.3. Hậu quả:
Do cách giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc và Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc như trên nên đã dẫn đến hậu quả:
- Từ việc khiếu nại tranh chấp quyền sử dụng đất đối với Quyết định hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước lại trở thành vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án;
- Đã làm phức tạp thêm tình hình, dẫn đến khiếu nại gay gắt vì án tuyên không phù hợp với chứng cứ khách quan, cụ thể:
* Đối với Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc:
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Trần Văn Tứ đã chỉ đạo giải quyết và ban hành các Công văn chỉ đạo là đúng quy định của pháp luật;
Tuy nhiên khi Bà Nguyễn Thị Hoá uỷ quyền cho con là Nguyễn Văn Nếp khởi kiện vụ án dân sự tại Toà án mà Ủy ban nhân dân huyện ngừng lại việc giải quyết khiếu nại và thu hồi các ý kiến chỉ đạo trước đây với lý do Toà án đang thụ lý vụ án nên Ủy ban nhân dân huyện không có thẩm quyền giải quyết là không phù hợp quy định của pháp luật. Lẽ ra Ủy ban nhân dân huyện phải tiếp tục giải quyết và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.
* Đối với Toà án nhân dân huyện Xuyên Mộc:
Việc Toà án thụ lý vụ án trong khi Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đang giải quyết khiếu nại, chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và đất tranh chấp chưa được hoà giải tại cơ sở là vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng.
Việc xét xử đánh giá chứng cứ không phù hợp với thực tế khách quan nên dẫn đến bản án sơ thẩm bị kháng cáo.
* Đối với Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
Khi xét xử phúc thẩm, Toà án tỉnh không thẩm tra đánh giá toàn diện chứng cứ, việc đánh giá chứng cứ phiến diện, mang tính chủ quan, nên dẫn đến việc tuyên án phúc thẩm (có hiệu lực pháp luật) chưa thấu tình, đạt lý nên bị đơn chống đối gay gắt, không tự nguyên thi hành bản án đã tuyên.
Bản án phúc thẩm không có khả năng tổ chức thi hành trên thực tế vì có nhiều tình tiết không đúng thực tế khách quan.
* Đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Án có vướng mắc không thể tổ chức thi hành trên thực tế nên phải ban hành văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án;
Bị áp lực gay gắt từ việc khiếu nại tố cáo của các đương sự và các thông tin trái chiều của các cơ quan thông tấn báo chí cụ thể:
- Bà Nguyễn Thị Hoá - là Mẹ Việt Nam anh hùng, liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp, có đơn gửi đến 21 nơi.
- Bên phải thi hành án là ông Trần Văn Tứ có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng xem xét giải quyết nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Ngày 01/6/2010, ông Trần Văn Tứ đã có Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng trình bày nếu Cục Thi hành án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế thì ông Tứ sẽ tự hủy hoại bản thân (chết để bảo vệ đất) nhằm chống đối việc cưỡng chế.
- Các cơ quan thông tấn báo chí đã đăng tải nội dung vụ việc với những thông tin trái chiều (có ủng hộ, có không ủng hộ) gây hiểu lầm tính chất vụ việc thi hành án trong dư luận, tạo áp lực trong quá trình tổ chức thi hành án, cụ thể:
+ Ngày 14/6/2010, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài “Mỏi mòn chờ kháng nghị giám đốc thẩm” (quan điểm ủng hộ việc cần phải xem xét giải quyết kiến nghị);
+ Ngày 30/6/2010, Báo Pháp luật Việt Nam có bài “Tuyên án… “làm khổ” thi hành án!” (quan điểm ủng hộ việc cần phải xem xét giải quyết kiến nghị);
+ Ngày 13/10/2010, Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh có bài “Ai tiếp tay cho việc chiếm đoạt tài sản của mẹ Việt Nam anh hùng?” (quan điểm không ủng hộ việc kiến nghị, cố tình kéo dài việc thi hành án);
+ Ngày 30/10/2010, Báo Đời sống và Pháp luật có bài “Vì sao bản án vẫn chưa được thi hành?” (Quan điểm không ủng hộ việc kiến nghị, cố tình kéo dài việc thi hành án);
+ Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, mục Điểm tin báo chí có điểm tin và trích dẫn nội dung của các báo: Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/10/2010 (“Ai tiếp tay cho việc chiếm đoạt tài sản của mẹ Việt Nam anh hùng?”); Báo Đời sống và Pháp luật ngày 30/10/2010 (“Vì sao bản án vẫn chưa được thi hành?”).
+ Ngày 02/9/2011, Tạp chí Pháp luật có bài : “Thi hành án bế tắc: Mỏi mòn chờ giám đốc thẩm” (Quan điểm ủng hộ việc xem xét giám đốc thẩm bản án).
4. KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TRÊN THỰC TẾ CỦA CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ:
Căn cứ nội dung bản án, chứng cứ thực tế khách quan, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh có văn bản kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị đối với bản án phúc thẩm số 125/2008/DSPT ngày 29/9/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về những điểm bất hợp lý của bản án này, cụ thể đã kiến nghị các vấn đề sau:
- Tòa án thụ lý vụ kiện chưa đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục Luật định, do tranh chấp đất đai của ông Trần Văn Tứ và bà Nguyễn Thị Hóa cũng như tranh chấp đất đai của ông Trần Văn Tứ và bà Võ Thị Thôi chưa được giải quyết hòa giải ở cơ sở, để có quyết định chấp nhận hay không chấp nhận khiếu nại của người có thẩm quyền trả lời đối với ông Tứ.
- Xem xét lại mốc thời gian các đương sự khai nhận “mua, bán đất” được Tòa án công nhận và thời gian cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh bởi hai việc này hoàn toàn mâu thuẩn nhau và không phù hợp thực tế khi các bên khai nhận tại Tòa và sau khi có xác nhận của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc.
- Căn cứ công nhận việc “mua, bán đất” bằng miệng, nhờ người khác đứng tên dùm trong khi sổ địa chính và sổ mục kê đất không thể hiện ông Tống Văn Thanh là người đứng tên sử dụng đất như bản án nhận định để công nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tống Văn Thanh.
- Cần đưa ông Tống Văn Thanh và bà Võ Thị Thôi vào diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, có trách nhiệm giao đất và thực hiện nghĩa vụ đầy đủ đối với bà Nguyễn Thị Hóa - Có như vậy mới bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị Hóa.
* Ưu điểm:
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức thi hành án dân sự;
- Bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
* Khuyết điểm:
- Cấp có thẩm quyền chậm giải quyết kiến nghị dẫn đến việc tổ chức thi hành án bị ảnh hưởng và đương sự sẽ khiếu nại việc chậm tổ chức thi hành án.
* Kết quả:
Do lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, phân tích đúng bản chất sự việc và đưa ra phương án giải quyết phù hợp, giữ vững niềm tin nội tâm trong quá trình áp dụng vào thực tiễn tổ chức thi hành án;
Ngày 12/9/2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định Kháng nghị số 576/2011/KN-DS để kháng nghị giám đốc thẩm bản án nói trên với nội dung như Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị xem xét giám đốc thẩm (Có phụ lục Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm gửi kèm).
Ngày 16/02/2012, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 46/2012/DS-GĐT quyết định hủy bản án dân sự phúc thẩm số 125/2008/DSPT ngày 29/9/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và bản án dân sự sơ thẩm số 12/2008/DSST ngày 31/7/2008 của Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hóa và bị đơn là ông Trần Văn Dững, giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. (Có phụ lục Quyết định giám đốc thẩm gửi kèm).
Như vậy với kết quả Quyết định giám đốc thẩm nói trên, từ vụ việc thi hành án dân sự khó khăn, phức tạp, có nhiều áp lực, khiếu nại gay gắt, kéo dài gần 05 năm nhưng do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhận định và đánh giá đúng tính chất sự việc và kiên trì bảo vệ kiến nghị giám đốc thẩm do bản án có vi phạm pháp luật trong đó phải đối diện trực tiếp với nhiều sức ép, thậm chí là cái nhìn phản cảm vì cho rằng đối xử tệ bạc với mẹ Việt Nam anh hùng nhưng công lý đã chứng minh việc kiên trì bảo vệ kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là đúng đắng và cần thiết, thể hiện trọn vẹn cái tâm và tinh thần trách nhiệm của Ngành Thi hành án dân sự và của công chức cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.
Châu Vũ