Giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc trong các cơ quan Thi hành án dân sự

09/12/2014
Hoạt động công chức, công vụ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nên những nền tảng cơ bản thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hóa, đưa nước ta ngày càng hội nhập chủ động hơn, sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới để từ đó không ngừng nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng cũng như thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó cũng chính là lý do vì sao Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính nhà nước, cải cách Tư pháp.


Đặc biệt, trong thời gian gần đây, ngành Thi hành án dân sự đã thật sự quan tâm đến chất lượng công chức, công vụ và đưa ra nhiều biện pháp tổng quát và cụ thể nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính để ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm nhất của công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính là việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc trong cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương bằng một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt, thiết thực, đảm bảo hiệu quả cao hướng đến xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự có đức, có tài một cách toàn diện và luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Các giải pháp cơ bản cần thực hiện để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc trong cơ quan Thi hành án dân sự bao gồm:

Một là, quán triệt sâu rộng và triển khai có hiệu quả các văn bản có nội dung liên quan đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc đến từng cán bộ, công chức trong ngành Thi hành án dân sự bao gồm.

Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25/3/2013 của Bộ Tư pháp về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc; Công văn số 1026/TCTHADS-VP ngày 16/4/2014 của Tổng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với các cán bộ, công chức Thi hành án dân sự cũng như các quy định về nội quy làm việc trong cơ quan đơn vị đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú (bằng các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp giao ban, các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi tập huấn nghiệp vụ, các cuộc thi tìm hiểu,….) để dần dần mỗi một cán bộ, công chức khắc sâu những quy định này trong tâm trí, trong suy nghĩ và thể hiện ra trong từng hành động, việc làm cụ thể. Đặc biệt, để những quy định này thật sự có sự ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhận thức của cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự, bên cạnh việc quán triệt các nội dung văn bản này cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, bởi đây sẽ là tiền đề quan trọng, là nền tảng cơ bản góp phần nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị cũng như nâng cao đạo đức công vụ của mỗi người cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự.

Hai là, cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động, xây dựng và phát huy tốt vai trò của văn hóa công sở trong cơ quan, đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc thì trước hết bản thân mỗi cán bộ, công chức cần ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc đối với xã hội, đối với cơ quan, đơn vị nói chung và đối với chính bản thân mình nói riêng, đồng thời cần phải nhận thức rõ ràng rằng việc sử dụng giờ làm việc một cách hiệu quả bên cạnh là nghĩa vụ còn là quyền lợi của mỗi người cán bộ, công chức, có như thế thì tự bản thân mỗi người mới có động lực và ý chí cố gắng phấn đấu, ngày càng làm việc hiệu quả hơn, hăng say hơn và sử dụng giờ làm việc đúng mục đích, đúng yêu cầu hơn. Đây chính là nhiệm vụ mà công tác giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức cần phải làm được. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan Thi hành án dân sự cũng cần xây dựng môi trường văn hóa công sở nhằm hình thành thói quen, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức.

Ba là, phát huy tốt vai trò, tác dụng của công tác thi đua khen thưởng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc của cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự.

Công tác thi đua khen thưởng sẽ là công cụ quản lý hữu hiệu nói chung và việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc nói riêng nếu chúng ta biết cách sử dụng và phát huy tốt vai trò, tác dụng của nó, cụ thể:

- Gắn liền việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc với phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong từng cơ quan Thi hành án dân sự bởi chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng về cách thức làm việc khoa học, nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo đúng giờ giấc quy định;

- Tổ chức các đợt thi đua chuyên đề liên quan đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc trên cơ sở sự kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân nhằm tạo nên không khí thi đua phấn khởi giữa tập thể này với tập thể khác, giữa cá nhân này với cá nhân khác trong việc nâng cao năng suất, chất lượng lao động, ngày càng làm việc chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Kết thúc mỗi đợt thi đua, cần phân tích, nhìn nhận những kết quả đã đạt được, những hạn chế còn tồn tại và đề ra hướng khắc phục hiệu quả;

- Tổ chức cho các cán bộ, công chức ký bản cam kết làm việc có chất lượng, hiệu quả ngay từ đầu năm với những nội dung, tiêu chí cụ thể như: cam kết chấp hành tốt nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị; cam kết đi làm đúng giờ; cam kết làm việc có hiệu quả, có chất lượng; cam kết không làm việc riêng trong giờ làm việc;… để mỗi người tự có ý thức cố gắng, phấn đấu và có kế hoạch làm việc năng suất hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc trong từng cơ quan, đơn vị;

- Đưa nội dung “Sử dụng thời giờ làm việc có chất lượng, hiệu quả” trở thành một trong những tiêu chí cơ bản để bình xét thi đua khen thưởng cuối năm. Trong đó cần có biện pháp khuyến khích, khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức, người lao động (kể cả bảo vệ, tạo vụ, lái xe trong cơ quan, đơn vị), những tập thể nghiêm túc chấp hành thời gian làm việc, kỷ luật lao động, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đạt thành tích cao; đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp làm việc chưa nghiêm túc, chưa hiệu quả như: Còn đi trễ, về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc, uống rượu bia trước và trong giờ làm việc khiến chất lượng công việc bị ảnh hưởng, chất lượng công việc còn nhiều hạn chế,… việc thưởng – phạt phân minh như thế sẽ tạo động lực cho cán bộ, công chức, người lao động luôn luôn cố gắng, phấn đấu làm việc có hiệu quả hơn, năng suất hơn, chất lượng hơn rất nhiều.

Bốn là, cần phát huy tốt vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc.

Bởi đây chính là điều kiện có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến thái độ, tinh thần, ý chí phấn đấu của cán bộ, công chức trong việc sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc nhằm nâng cao chất lượng, nâng suất lao động. Do đó, để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc trong cơ quan Thi hành án dân sự thì bản thân những người đứng đầu, những người lãnh đạo như Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Chi cục, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn, Ban Chấp hành Công đoàn cần gương mẫu thực hiện tốt, có hiệu quả thì mới có thể noi gương cho những cán bộ, công chức khác trong cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, Lãnh đạo các đơn vị cần biết cách ghi nhận sự cố gắng và những thành tích của cấp dưới, biết cách động viên, khích lệ tinh thần hợp lý nhằm tạo động lực cho các cán bộ, công chức cố gắng hơn, phấn đấu tốt hơn, làm việc hiệu quả và năng suất hơn.

Năm là, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong đơn vị.

Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện đang có nhiều sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời các vụ việc phải thi hành cũng ngày một phức tạp hơn, khó khăn hơn, chính vì vậy việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết công việc của các cán bộ, công chức là hết sức cần thiết. Đặc biệt, một khi có trình độ, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao thì mỗi người cán bộ, công chức sẽ làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn, tránh được tình trạng chán nản khi làm việc, nhờ đó mà hiệu quả sử dụng giờ làm việc cũng sẽ được nâng cao một cách rõ nét.

Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần nắm bắt rõ những ưu điểm, những thế mạnh cũng như những mặt còn hạn chế của mỗi cán bộ, công chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phù hợp, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết công việc của các cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị nói chung và cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự nói riêng.

Sáu là, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc.

Môi trường làm việc chính là điều kiện quan trọng để các cán bộ, công chức cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cống hiến hết mình để ngày một nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, bên cạnh xây dựng môi trường văn hóa công sở, tạo các điều kiện vật chất để các cán bộ, công chức hoàn thành tốt công việc thì môi trường làm việc hiệu quả cần phải có không khí vui vẻ, cởi mở, thân thiện, hòa đồng, mọi người cùng thi đua, cùng cố gắng phấn đấu, cùng giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có thể nói, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn quyết tâm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhất, cơ bản nhất của các cơ quan Thi hành án dân sự thì việc siết chặt kỷ cương kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc, hướng đến xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự mẫu mực, có thái độ tận tụy với công việc, có tác phong làm việc nghiêm túc, chuyên cần, hăng say, chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao cũng đã, đang và sẽ trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và cũng là điều kiện cơ bản để ngày càng nâng tầm vị thế của ngành Thi hành án dân sự trước những yêu cầu mới của tình hình nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của các cơ quan Thi hành án dân sự còn rất nặng nề, số lượng các vụ việc đòi hỏi phải giải quyết ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp hơn, cam go hơn đã đặt ra những áp lực và thử thách không nhỏ đến toàn thể cán bộ, công chức của Ngành. Chính vì vậy việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc bằng một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt nêu trên vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện quan trọng, vừa là tiền đề cơ bản để ngành Thi hành án dân sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, hướng đến xây dựng một nhà nước Việt Nam hiện đại với các mục tiêu cơ bản là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hạnh Nguyên