Bàn về vấn đề thỏa thuận thi hành án dân sự ảnh hưởng đến quyền, lợi ịch hợp pháp của người thứ ba

09/09/2016
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã quy định: Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp: “Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Đồng thời, Khoản 4 Điều 54 Luật THADS đã quy định việc thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho người thứ  ba. Theo đó, việc xác định người thứ ba trong các trường hợp trên đã có một số ý kiến và quan điểm khác nhau. 


1.Về nội dung một số vụ việc
Trên địa bàn tỉnh Q hiện có nhiều vụ việc khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc vợ chồng ông V và bà D vừa là người được thi hành án, vừa là người phải thi hành án đang do nhiều cơ quan THADS tổ chức thi hành, cụ thể:
(1). Vụ việc thứ nhất:
 Ông V và bà D là người được thi hành án trong vụ việc tại Chi cục THADS huyện G, theo đó ông H phải trả ông V và bà D số tiền 450 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án.
Tuy nhiên, tại Chi cục THADS huyện Đ thì ông V và bà D là người phải thi hành án  tại  04 vụ việc khác với số tiền phải thi hành án trả những người khác là: 1.744.109.000 đồng.  
Ngày 01/7/2016, ông V và bà D đề nghị xóa nợ cho ông H và yêu cầu đình chỉ thi hành án số tiền 450 triệu đồng và lãi chậm thi hành án và cam kết không khiếu nại gì.
Vấn đề đặt ra khi áp dụng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật THADS về đình chỉ thi hành án: Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp: “Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Như vậy, việc xác định người thứ ba theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật THADS có nhiều quan điểm khác nhau: người thứ ba có phải là người có quyền lợi trong cùng một vụ việc hay người thứ ba có thể là bất kỳ ai, có thể là người khác tại bản án khác hay không?
(2). Vụ việc thứ hai:
Bà D là người được thi hành án trong vụ việc tại Chi cục THADS thành phố H đang thụ lý giải quyết, theo đó Công ty TNHH MTV phải trả bà D số tiền 7.631.850.000 đồng.
Hiện tại Công ty TNHH MTV không có điều kiện thi hành án.
Tương tự vụ việc của Chi cục THADS huyện G như trên, Công ty TNHH MTV và bà D có thỏa thuận xóa nợ cho nhau số tiền 7.631.850.000 đồng và đề nghị Cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ, không thi hành Bản án này.
Trong khi đó, tại Chi cục thành phố H, bà D đang là người phải thi hành án tại 22 vụ việc khác, số tiền phải thi hành án là: 25.598.447.000 đồng (gồm án phí và trả nợ cho các cá nhân, tổ chức); đồng thời, vợ chồng bà D và ông V là người phải thi hành án tại 04 việc khác, với số tiền là: 1.744.109.000 đồng.
Tương tự như vụ việc thứ nhất, trường hợp cơ quan thi hành án chấp nhận việc người được thi hành án không yêu cầu thi hành bản án, đình chỉ thi hành việc thi hành án thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và cá nhân, tổ chức (bao gồm 27 cá nhân và tổ chức, kể cả án phí thu cho ngân sách Nhà nước) mà bà D phải có nghĩa vụ thực hiện đang được Chi cục THADS thành phố H tổ chức thi hành.
(3) Vụ việc thứ ba:
Vợ chồng ông V, bà D là người phải thi hành án trả cho ông Nguyễn Quang H số tiền 1.560.000.000 đồng, hiện đang do Chi cục thành phố H thụ lý giải quyết.
Qua xác minh được biết, hiện nay, vợ chồng ông V, bà D chưa có tài sản để đảm bảo thi hành án. Ông Nguyễn Quang H không phải là người phải thi hành án tại một bản án nào khác.
Tuy nhiên, tại Chi cục THADS huyện C có 01 vụ việc mà ông V, bà D là bên được THADS: Ông Trần T và bà Trần N phải trả cho ông ông V, bà D số tiền 900.000.000 đồng. Hiện nay, cơ quan THADS đang kê biên tài sản tại huyện C của ông Trần T và bà Trần N để đảm bảo thi hành án.
Ngày 09/6/2016, ông Nguyễn Quang H gửi văn bản đến Chi cục thành phố Đ yêu cầu chuyển giao quyền được thi hành án của ông cho ông Trần T và bà Trần N với mục đích để trừ vào số nợ 900.000.000 đồng mà ông Trần T và bà Trần N phải trả cho ông V, bà D như nêu ở trên.
Ông Trần T và bà Trần N đã có văn bản yêu cầu đối trừ khoản nợ hiện đang do hai Chi cục THADS huyện C và Chi cục THADS thành phố Đ thụ lý giải quyết.
Trong vụ việc này thì ông Nguyễn Quang H có đủ cơ sở pháp lý chuyển quyền được thi hành án cho ông Trần T và bà Trần N không và việc các bên đương sự đối trừ nghĩa vụ thi hành án cho nhau thì có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là những người được thi hành án mà ông Vc, bà D phải trả tiền hay không?
2. Một số ý kiến và quan điểm khác nhau:
2.1. Về việc đình chỉ thi hành án theo Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật THADS:
- Quan điểm 1: Việc đình chỉ thi hành án trong các trường hợp nói trên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là người được thi hành án trong mối quan hệ với ông Quốc, bà Dung tại các bản án khác. Người thứ ba ở đây được xác định là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà khi cơ quan THADS đình chỉ thi hành án thì ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ, quyền và lợi ích hợp pháp này phải được pháp luật bảo vệ. Do đó, không chấp nhận đình chỉ thi hành án trong trường hợp nói trên. Khi việc thi hành án chưa đình chỉ thì việc tổ chức thi hành và cưỡng chế thi hành án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
- Quan điểm 2: Căn cứ vào Điều 6, Điều 50 Luật THADS và Điều 122 của Bộ Luật Dân sự thì đương sự có quyền tự định đoạt và thỏa thuận với nhau về việc thi hành án. Vì vậy, đối với các vụ việc mà đương sự có văn bản thỏa thuận xóa nợ cho nhau và yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục thi hành án, thì trong trường hợp này, cơ quan THADS cần chấp nhận yêu cầu của đương sự và ra quyết định đình chỉ thi hành án. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định đình chỉ thi hành án cần phải xác minh rõ việc người phải thi hành án không có điều kiện thi hành và việc thoả thuận đó không trái pháp luật; Việc xác định người thứ ba theo Điều 50, Luật THADS phải là người có quyền lợi liên quan đến người được thi hành án trong cùng một vụ việc; Số tiền mà người phải thi hành án đã nộp cho cơ quan THADS mà người được thi hành án phải thực hiện một nghĩa vụ trả nợ khác trong một vụ việc khác, khi có đơn yêu cầu thì cơ quan THADS phải tạm giữ số tiền này để thực hiện nghĩa vụ thi hành án cho người thứ ba bất kỳ có đơn.
2.2. Về việc chuyển giao và đối trừ nghĩa vụ thi hành án:
- Quan điểm 1: Theo Khoản 4 Điều 54 Luật THADS, Khoản 2 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự được thực hiện theo quy định của BLDS về chuyển giao quyền và nghĩa vụ nhưng không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Trong trường hợp nói trên, việc ông Nguyễn Quang H và vợ chồng ông Trần T, bà Trần N chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho nhau trong khi vợ chồng ông Trần T, bà Trần N có điều kiện thi hành án và cơ quan thi hành án đang kê biên tài sản của vợ chồng ông Trần T, bà Trần N để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được thi hành án trong mối quan hệ với ông V, bà D tại các bản án khác. Do đó, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự trong trường hợp nói trên chưa phù hợp.
- Quan điểm 2: Việc chuyển giao quyền và đối trừ nghĩa vụ thi hành án cho nhau là sự thỏa thuận của đương sự cần được chấp nhận. Hơn nữa, nếu trong trường hợp không đình chỉ vì xác định những người được thi hành án trong những bản án khác mà ông V, bà D là người phải thi hành án là người thứ ba hoặc không chấp nhận việc đối trừ nghĩa vụ thi hành án vì việc đối trừ này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba khi các đương sự có văn bản yêu cầu đối trừ nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án khó cưỡng chế được tài sản của người phải thi hành án để trả cho bà D (khi bà D đã có văn bản xóa nợ cho người phải thi hành án; khi ông Trần T, bà Trần N và bà D, ông V có văn bản yêu cầu đối trừ) để trả các khoản mà bà D phải trả trong các bản án khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; do đó, trong trường hợp xử lý tài sản của họ thì có thể  đương sự khiếu nại và cho rằng họ đã xóa nợ cho nhau hoặc đã đối trừ nghĩa vụ thi hành án với nhau.
Như vậy, hai nội dung thỏa thuận nói trên đều có những quan điểm xử lý khác nhau. Do đó, Tổng cục THADS, TANDTC, Viện KSNDTC đã tổ chức cuộc họp liên ngành để thống nhất hướng giải quyết. Kết quả cuộc họp đã thống nhất:
Thứ nhất, về việc đình chỉ thi hành án theo Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật THADS: Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh Q, qua xác minh cho thấy ông V và bà D là người phải thi hành án cho nhiều người và ngân sách nhà nước khoảng trên 28 tỷ đồng nhưng đến nay không có tài sản để thi hành án. Vì vậy, việc đình chỉ thi hành án theo Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật THADS là không có cơ sở và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba là những người được thi hành án trong mối quan hệ với ông V và bà D tại các bản án trong cùng thời điểm mà cơ quan thi hành án đã xác định. Khi chưa có quyết định đình chỉ thì việc tổ chức thi hành và cưỡng chế thi hành án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc chuyển giao quyền và đối trừ nghĩa vụ thi hành án: Về nguyên tắc, pháp luật dân sự cho phép bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận. Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự, Khoản 4 Điều 54 Luật THADS, ông Nguyễn Quang H được chuyển giao quyền cho ông Trần T, bà Trần N. Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 47 Luật THADS về việc thanh toán cho nhiều người thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án thì ông H được hưởng một phần tài sản mà ông V, bà D được thi hành án từ khoản xử lý tài sản kê biên của ông Trần T, bà Trần N. Do đó, khoản đối trừ nghĩa vụ thi hành án của ông Trần T, bà Trần N với ông H được tính theo tỷ lệ số tiền được thi hành án mà ông H được thanh toán. Vì vậy, giao Cục THADS tỉnh Q khi nhận đơn đề nghị chuyển giao quyền của đương sự thì căn cứ trên cơ sở đề nghị của những người được thi hành án tại các bản án, quyết định đã được xác định để tính tỷ lệ và đối trừ nghĩa vụ của ông Trần T, bà Trần N theo tỷ lệ số tiền mà ông H được nhận. Trên cơ sở đó, cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Nhàn
Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự