1. Tập quyền là nguyên tắc trung ương nắm giữ mọi quyền hành, là cơ quan duy nhất quyết định và điều hành mọi công việc quốc gia; cơ quan hành chính nhà nước trung ương điều khiển, kiểm soát cấp dưới.
Ưu điểm: (1) Bộ máy hành chính trung ương - đại diện và bênh vực cho quyền lợi quốc gia, không bị ảnh hưởng bởi quyền lợi địa phương, không có bè phái, mâu thuẫn giữa trung ương và địa phương, (2) Thống nhất được các biện pháp quản lý hành chính trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia để kiểm soát và điều khiển các bộ máy hành chính địa phương, (3) Có đầy đủ phương tiện hoạt động hơn các địa phương về mặt tài chính, kỹ thuật và nhân lực, (4) Trong những tình huống khẩn cấp (chiến tranh, khủng hoảng…), tập trung mọi quyền lực trong tay bảo vệ lợi ích chung của quốc gia, phối hợp được hoạt động của các địa phương ở tầm chiến lược, thích hợp để bảo vệ quyền lợi tối cao của tổ quốc và tránh được các xung đột quyền lợi giữa các địa phương.
Nhược điểm: Chế độ quản lý này có thể dẫn đến một nền hành chính cai trị, cai quản, thiếu dân chủ do (1) Xa địa phương nên các cơ quan trung ương không lưu ý đến và ít hiểu biết đặc điểm của mỗi địa phương, không kịp thời nắm tình hình địa phương, tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân địa phương, do đó, một số chính sách của trung ương ban hành hoặc không khả thi ở địa phương hoặc không được nhân dân địa phương ủng hộ, (2) Do phải quản lý nhiều công việc nên bộ máy hành chính trung ương cồng kềnh, nhiều tầng nấc, bận rộn, quá tải. Vì tập trung quá nhiều việc, các cơ quan hành chính nhà nước trung ương không thể theo dõi và giải quyết kịp thời mọi vấn đề của địa phương, làm thiệt hại quyền lợi của địa phương và cả trung ương, (3) Thiếu dân chủ, ít tạo điều kiện để phát huy tính tự quản và sáng tạo của địa phương trong việc phát huy thế mạnh của từng địa phương, nhân dân địa phương không được hoặc rất ít được tham gia vào công việc quốc gia.
2. Phân quyền lãnh thổ (địa phương) là sự phân giao quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm, phương tiện vật chất, tài chính, nhân sự… cho chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương công nhận quyền tự quản trong phạm vi và mức độ khác nhau của các đơn vị hành chính địa phương các cấp. Tại địa phương, nhân dân được bầu người thay mặt mình để đảm đương công việc hành chính địa phương. Các chính quyền địa phương trở thành các đơn vị tự quản, được tự chủ quyết định các vấn đề thuộc quyền địa phương.
Ưu điểm: (1) Bảo vệ và phát triển quyền lợi, nhu cầu của địa phương, tôn trọng những đặc điểm đặc thù của từng địa phương, các công việc được quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, (2) Hợp với tinh thần dân chủ vì khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công việc quản lý địa phương. Nhân dân địa phương thực hiện quyền dân chủ trong hành chính bằng cách bầu ra cơ quan hành chính nhà nước địa phương, như vậy là khuyến khích nhân dân địa phương tham gia vào công việc quốc gia, (3) Chính quyền địa phương có quyền tự quản, tự trị nên có thể bênh vực quyền lợi địa phương hữu hiệu hơn, (4) Là hình thức tổ chức thuận lợi nhất cho người dân kiểm tra chính quyền, hạn chế nạn tham nhũng, lãng phí, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật ở địa phương, (5) Giảm bớt khối lượng công việc của bộ máy hành chính nói chung và chính quyền trung ương nói riêng. Vai trò của chính quyền trung ương thu hẹp, tập trung vào công việc quốc gia mang tầm chiến lược quan trọng.
Nhược điểm: (1) Các nhà chức trách địa phương do nhân dân địa phương bầu ra có thể không đủ khả năng chuyên môn để đảm đương công việc hành chính, (2) Các nhà hành chính địa phương được bầu ra là lãnh tụ của các nhóm xã hội (dòng họ, tôn giáo…) nên có thể không hoàn toàn vô tư trong công việc, (3) Do sự kiểm soát của trung ương lỏng lẻo nên có xu hướng lạm chi công quỹ hoặc sử dụng không có hiệu quả ngân sách địa phương, (4) Có thể xảy ra trường hợp các nhà chức trách địa phương do quá chú trọng vào quyền lợi địa phương mà sao nhãng quyền lợi quốc gia.
3. Tản quyền là biện pháp vừa khắc phục những khuynh hướng sai lệch của tập quyền sinh ra tập trung quan liên, vừa khắc phục khuynh hướng sai lệch phân tán, địa phương chủ nghĩa. Để công việc địa phương được giải quyết nhanh hơn, chính quyền trung ương chuyển một phần quyền lực của mình cho chính quyền địa phương và bổ nhiệm các công chức địa phương đại diện cho các cơ quan trung ương sử dụng quyền hành chính, chịu trách nhiệm trước chính quyền trung ương.
Tản quyền là chính sách thông qua đó các công chức nhà nước trung ương tại địa phương, do nhà nước trung ương cử xuống địa phương, được giao những thẩm quyền mà trước kia do các bộ trực tiếp nắm giữ. Theo nguyên tắc này, quyền lực nhà nước vẫn được tập trung vào trung ương, nhưng nhà nước trung ương cử, bổ nhiệm đại diện của mình về các đơn vi hành chính - lãnh thổ trực thuộc để tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Các đại diện của trung ương không những thực hiện quyền giám sát địa phương mà còn trực tiếp thực hiện quyền lực ngay tại địa phương thông qua các nhân viên, các cơ quan do mình bổ nhiệm, thành lập. Theo nguyên tắc tản quyền, quyền quyết định được phân chia cho nhiều cơ quan và cá nhân. Trong số những cơ quan này, có một cơ quan đứng đầu, các cơ quan còn lại trực thuộc cơ quan cấp trên, như vậy, cơ quan đứng đầu là trung tâm của các cơ quan tản quyền trực thuộc. Chính vì vậy, tản quyền cũng là tập trung quyền lực, nhưng các cơ quan tản quyền được tổ chức theo thứ bậc cả về văn bản và về nhân sự.
Tản quyền về bản chất chỉ là sự biểu hiện của tập trung, nhưng để hạn chế những nhược điểm của tập quyền, giảm mật độ tập trung của chính quyền trung ương tại thủ phủ của nó, hạn chế tình trạng quan liêu của chính quyền trung ương trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại các cộng đồng lãnh thổ, để thực hiện các công việc của mình chính quyền trung ương đặt các bộ phận cơ cấu của mình tại các địa phương để giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trung ương. Các cơ cấu tản quyền thực chất là “người” đại diện của chính quyền trung ương, cấp trên trong quan hệ với cấp dưới để giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương thuộc thẩm quyền của cấp trên. Mô hình hành chính tản quyền có thể được thực hiện mang tính tổng thể cho mọi lĩnh vực hoạt động quản lý. Nhưng cũng có thể chính phủ trung ương tập trung chỉ một số lĩnh vực và thực hiện mô hình tản quyền xuống địa phương.
Nói cách khác, tản quyền thực chất là một hình thức của tập quyền. Theo nguyên tắc này, quyền lực nhà nước vẫn được tập trung ở trung ương, nhưng chính quyền trung ương cử (bổ nhiệm) đại diện của mình về các lãnh thổ trực thuộc để tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Như vậy, tản quyền là sự uyển chuyển của hành chính tập quyền nhằm giảm bớt công việc của chính phủ trung ương và đưa về các vùng lãnh thổ. Chính phủ trung ương thiết lập ở mỗi vùng (có thể là một tỉnh, có thể là liên tỉnh) một thể chế đại diện có thẩm quyền thay mặt chính phủ trung ương giải quyết tại chỗ một số công việc của chính phủ với sự phối hợp cùng chính quyền địa phương.
Như vậy, hành chính tản quyền có ưu điểm là giảm công việc của chính phủ đang bị ứ đọng ở trung ương và trong chừng mực nhất định có tính toán đến các đặc điểm địa phương, lợi ích địa phương khi giải quyết công việc của trung ương. Người đại diện chính phủ trung ương trong mô hình hành chính tản quyền là người có khả năng giải quyết tốt các mối quan hệ lợi ích giữa trung ương với địa phương trong một số công việc nhất định. Về bản chất, tản quyền khác với phân cấp quản lý ở chỗ đây không phải là quá trình chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong hệ thống mà chỉ xảy ra trong nội bộ của một cơ quan hành chính nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính không thay đổi, chỉ thay đổi cách thức triển khai và thực hiện. Trước đây, cơ quan thực hiện các công vụ có trụ sở ở trung ương, nay chuyển các cơ quan đó về đóng tại địa phương để thực thi nhiệm vụ. Đó thực chất là phân công công việc và chịu trách nhiệm cho các bộ phận, các đơn vị con. Các đơn vị của chính phủ đặt tại địa phương được gọi là đơn vị ngoại nhiệm. Tản quyền chỉ là sự phân định thẩm quyền trong một cơ quan hành chính nhà nước, không phải là sự phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền như phân cấp.
Nguyên tắc tản quyền trong có những đặc điểm sau: Đặc điểm: (1) Quyền lực nhà nước vẫn được tập trung vào trung ương; (2) Nhà nước trung ương không những thực hiện quyền giám sát địa phương mà còn trực tiếp thực hiện quyền lực ngay tại địa phương thông qua các nhân viên, các cơ quan do mình bổ nhiệm, thành lập; (3) Các cơ quan tản quyền chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do chính phủ giao, không có quyền can thiệp vào công việc của chính quyền địa phương; (4) Các cơ quan tản quyền cấp dưới có thẩm quyền, nhưng là thẩm quyền là do được uỷ quyền chứ không phải là thẩm quyền độc lập; (6) Các cơ quan tản quyền được tổ chức theo thứ bậc hành chính cả về văn bản (văn bản cấp trên hiệu lực cao hơn cấp dưới, cấp dưới phải chấp hành văn bản cấp trên, trái thì bị cưỡng chế) và về nhân sự; (7) Sự kiểm tra thực hiện bởi cấp trên trực tiếp theo thứ bậc hành chính, có hiệu lực hành chính (có quyền huỷ bỏ, đình chỉ, sửa đổi, thay thế văn bản của cơ quan cấp dưới cả vì lý dó bất hợp pháp và bất hợp lý);...
Ưu điểm: (1) Bảo đảm lợi ích trung ương; (2) Do cơ quan tản quyền gần dân, hiểu được quyền lợi cũng như tâm tư và nguyện vọng của nhân dân địa phương nên một số vấn đề của trung ương được giải quyết ở địa phương bảo đảm tính kịp thời, sát thực với tình hình địa phương, đảm bảo được quyền lợi địa phương; (3) Đơn giản hoá tổ chức và điều hành của bộ máy hành chính trung ương, đồng thời tăng cường hiệu năng của bộ máy hành chính địa phương. Các nhà chức trách địa phương "gánh vác" công việc đỡ trung ương, tạo điều kiện để chính quyền trung ương tập trung giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược tầm quốc gia; (4) Các cơ quan tản quyền đóng ngay ở địa phương nên gần dân hơn, có thể dung hoà được quyền lợi giữa trung ương và địa phương, tạo được uy tín của trung ương đối với nhân dân địa phương.
4. Khái niệm ngành dọc ở Việt Nam là một kiểu mô hình hành chính tập trung nhưng tản quyền về các địa phương. Hiện nay ở nước ta các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc theo ngành dọc có thể hiểu thuộc cơ cấu “tản quyền” như: Hải quan, Thống kê, Kho bạc, Ngân hàng nhà nước, Kiểm toán nhà nước... Theo Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014, Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức theo mô hình tản quyền, thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung thống nhất gồm Tổng cục thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện.
5. Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung thống nhất trong Hệ thống ngành dọc trong Hệ thống THADS, trong thời gian tới, đề nghị Tổng cục quan tâm, tập trung đổi mới một số nội dung sau:
5.1. Trong chế độ tản quyền, các công chức nhà nước trung ương đặt tại địa phương là do nhà nước trung ương cử xuống địa phương. Vì vậy, Tổng cục THADS cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài để xây dựng đội ngũ công chức này, đồng thời tăng cường, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, tập trung hơn đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực để giữ gìn hình ảnh, uy tín của cơ quan trung ương đặt tại địa phương.
5.2. Bản chất, tản quyền chỉ là sự phân định thẩm quyền trong một cơ quan hành chính nhà nước, không phải là sự phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền như phân cấp. Các đơn vị con, các Cục, Chi cục đặt tại địa phương là đơn vị ngoại nhiệm. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp, Tổng cục cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của các Cục, Chi cục trước những chỉ đạo của Bộ, Tổng cục.
Bên cạnh đó, do các Cục, Chi cục đặt xa Trung ương nên thiếu sự kiểm soát nên có xu hướng ly tâm, thậm chí là nhũng nhiễu, tiêu cực, tha hóa quyền lực. Chính vì vậy, Tổng cục cần khẩn trương đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ. Cơ chế, quy trình kiểm tra nghiệp vụ nội bộ trước đây đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trước yêu cầu quản lý trong tình hình hiện nay như thiếu cơ chế huy động các Chấp hành viên, Thẩm tra viên có trình độ, kinh nghiệm tham gia Đoàn kiểm tra của Tổng cục tại các địa phương khác. Ngoài ra, chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả kiểm tra của các Cục THADS đối với Chi cục và của Cục, Chi cục đối với từng Chấp hành viên. Cơ chế hậu kiểm, theo dõi, đôn đốc các đơn vị được kiểm tra thực hiện Kết luận còn là khâu yếu.
5.3. Hành chính tản quyền có ưu điểm là trong chừng mực nhất định có tính toán đến các đặc điểm địa phương, lợi ích địa phương khi giải quyết công việc của trung ương. Vì vậy, người đại diện chính phủ trung ương trong mô hình hành chính tản quyền là người có khả năng giải quyết tốt các mối quan hệ lợi ích giữa trung ương với địa phương trong một số công việc nhất định. Ở khía cạnh này, Bộ Tư pháp, Tổng cục cần tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho các Cục, Chi cục giải quyết tốt mối quan hệ với chính quyền địa phương.
Xuân Bách