Vấn đề ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản?

12/04/2018


Liên quan đến việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản tại Điều 119 Luật Phá sản năm 2014 quy định thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, pháp luật về thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự quy định về việc tổ chức thi hành các quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản tại 02 Điều (Điều 36 và 137).
Theo đó, điểm e khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định thẩm quyền ra quyết định thi hành án án đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản; Điều 137 Luật Thi hành án dân sự quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ và khôi phục thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản. Như vậy, Luật Thi hành án dân sự đã có quy định rõ về thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan thi hành án dân sự có ý kiến khác nhau khi ra quyết định thi hành án trong trường hợp quyết định tuyên bố phá sản tuyên nghĩa vụ bảo đảm của bên thứ ba đã được xác định ở bản án, quyết định khác của Tòa án có hiệu lực trước đó được tiếp tục thi hành. Xin nêu ví dụ sau để trao đổi:
1. Nội dung vụ việc
Theo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2014/KDTM-ST ngày 30/12/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh H, quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 07/2016/QĐ-TA ngày 09/11/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh H; Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 171/2016/KDTM-PT ngày 20/10/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có nội dung: Công ty cổ phần H.T phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tổng số tiền gốc và lãi là 22.217.688.778 đồng. Trường hợp Công ty cổ phần H.T không thanh toán số tiền trên thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành phát mại tài sản đã thế chấp để thi hành án gồm:
- Một (01) máy cắt tôn Model: QC 12Y- 12x6000 và 01 máy uốn tôn Model WCY-500/6000 (do Trung quốc sản xuất lắp ráp) theo hợp đồng thế chấp số LN 1109048/KCNHD ngày 9/7/2009 để đảm bảo hợp đồng tín dụng số: LN 1109048/KCN.HD ngày 8/7/2009;
- Toàn bộ dây chuyền sản xuất cứu hộ và Bộ gá dùng sản xuất cẩu theo hợp đồng thế chấp số LN1912011/KCN.HD ngày 11/02/2012 để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng số: LN 1912011/KCN.HD ngày 13/02/2012;
- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của bên thứ 3 là nhà biệt thự và 04 quyền sử dụng đất số BA860872, BA860873, BA860874, BA860875 do Ủy ban nhân dân H cấp ngày 15/4/2010 tổng diện tích đất 442,2 mtên ông MT và bà H; Quyền sử dụng đất số BA631710 diện tích 80m2 tại thửa đất số Lô 3 - D do UBND thành phố H cấp ngày 26/11/2010 mang tên ông MT và bà H theo hợp đồng thế chấp số LN 1912011/KCN.HD ngày 11/02/2012 để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng hạn mức số: LN 1912066/KCN.HD ngày 28/4/2012.
Căn cứ bản án có hiệu lực và đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh H ban hành Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 25/QĐ-CTHADS ngày 14/11/2016 cho thi hành các khoản nêu trên.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, ngày 09/5/2016 Tòa án nhân dân tỉnh H Thông báo thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản số 03/2016/TB-TA đối với Công ty cổ phần H.T. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự ban hành Quyết định về việc tạm đình chỉ thi hành án số 01/QĐ-CTHADS ngày 09/12/2016 đối với bản án nêu trên.
Ngày 19/12/2016, Tòa án nhân dân tỉnh H đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2016/QĐ-MTTTPS đối với Công ty cổ phần H.T. Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh H đã ban hành Quyết định về việc đình chỉ thi hành án số 02/QĐ-CTHADS ngày 03/01/2017 đình chỉ thi hành bản án nêu trên; đồng thời thông báo và gửi hồ sơ để Tòa án nhân dân tỉnh H giải quyết theo quy định của Luật Phá sản.
Ngày 08/9/2017 Tòa án nhân dân tỉnh H ra Quyết định tuyên bố phá sản số 01/2017/QĐ-TBPS đối với Công ty cổ phần H.T. Theo đó Tòa án đã tuyên bố:
Công ty cổ phần H.T; đại diện theo pháp luật: bà Nguyễn Thị P. H  bị phá sản. 
1.1. Chấm dứt hoạt động của Công ty cổ phần H.T từ ngày 08/9/2017. Chấm dứt hoạt động của người đại diện theo pháp luật đối với bà Nguyễn Thị P. H – Chức vụ: Tổng giám đốc Công ty cổ phần H.T từ ngày 08/9/2017….
1.5. Về tài sản bảo đảm của người thứ ba đối với khoản nợ có bảo đảm của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Khu Công nghiệp HD không là tài sản của Công ty cổ phần H.T được thực hiện theo các Quyết định hoặc Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp”.
2. Khó khăn vướng mắc của cơ quan thi hành án ?
Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản nói trên, cơ quan thi hành án dân sự đã gặp khó khăn trong việc ra quyết định thi hành án đối với mục 1.5 của Quyết định tuyên bố phá sản. Cụ thể là đối với nội dung “Về tài sản bảo đảm của người thứ ba đối với khoản nợ có bảo đảm của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Khu Công nghiệp HD không là tài sản của Công ty cổ phần H.T được thực hiện theo các Quyết định hoặc Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp” đã có ý kiến khác nhau:
Ý kiến thứ nhất, trong trường hợp này Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. 
Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ chủ động ra Quyết định thi hành án dân sự đối với Quyết định tuyên bố phá sản nêu trên. Tuy nhiên, trường hợp cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án chủ động với khoản tài sản bảo đảm là các quyền sử dụng đất của ông MT và bà H thực hiện Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2014/KDTM-ST ngày 30/12/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh H thì việc thi hành án cũng không có tính khả thi. Bởi vì:
+ Trong quá trình giải quyết việc tuyên bố phá sản liên quan đến tài sản của bên thứ ba (các quyền sử dụng đất của ông M.T và bà H) bảo lãnh cho Công ty cổ phần H.T không được kiểm kê theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Phá sản. Do đó, Quản tài viên không thể tiến hành thanh lý tài sản để thu hồi nợ cho ngân hàng vì tài sản hiện nay vẫn do ông ông M.T và bà H quản lý và sử dụng.
+ Tại khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản quy định: “Tài sản mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật”. Như vậy, phải sau thời hạn 02 năm Chấp hành viên mới tiến kê biên, xử lý tài sản của bên thứ ba (các quyền sử dụng đất của ông M.T và bà H) để thu hồi các khoản nợ cho ngân hàng.
Ý kiến thứ hai, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành theo yêu cầu thi hành án của ngân hàng đối với khoản xử lý tài sản bảo đảm.
Về ý kiến này cũng không có tính khả thi bởi vì trước đó cơ quan thi hành án dân sư đã ra Quyết định về việc đình chỉ thi hành án số 02/QĐ-CTHADS ngày 03/01/2017 đình chỉ việc thi hành bản án. Do đó cơ quan thi hành án dân sự không thể ra quyết định thi hành án đối với vụ việc đã bị đình chỉ.
Ý kiến của tác giả
Trong vụ việc này Quyết định tuyên bố phá sản đã công nhận việc xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba được thực hiện theo Bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào Quyết định tuyên bố phá sản nêu trên để ra quyết định thu hồi Quyết định đình chỉ thi hành án và Quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phần xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba để thu hồi nợ cho ngân hàng. Khi thực hiện việc thu hồi một phần Quyết định đình chỉ thi hành án và Quyết định tạm đình chỉ thi hành án sẽ có ý kiến cho rằng hiện nay Công ty cổ phần H.T đã bị phá sản nên trên thực tế công ty không tồn tại nữa do đó không thể là người phải thi hành án, như vậy trong trường hợp này  không có người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án như thế nào.
Về vấn đề ai là người phải thi hành án trong trường hợp Công ty cổ phần H.T bị tuyên bố phá sản thì theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định “người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành”. Như vậy, trong trường hợp này ông MT và bà H là người phải thi hành án trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh của ông, bà đối với Công ty cổ phần H.T.
3. Kiến nghị
Với mục đích nhằm tối đa hóa tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản phá sản và ngăn chặn việc tẩu tán tài sản hoặc cố ý làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản, từ Điều 59 đến Điều 74 Luật Phá sản 2014 quy định các biện pháp bảo toàn tài sản, trong đó có tạm đình chỉ thi hành án dân sự hoặc đình chỉ thi hành án đối với các bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực thi hành mà người phải thi hành án bị thụ lý hoặc mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm. Do đó, các cơ quan trung ương cần sớm hướng dẫn việc thi hành án trong những trường hợp nêu trên để sớm thu hồi các khoản nợ cho bên nhận bảo đảm theo tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về lâu dài kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thi hành án liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án về phá sản cho phù hợp với quy định của Luật Phá sản.
Văn Thị Tâm Hồng