Một số vướng mắc trong công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước

20/03/2019
Công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS cho người phải thi hành án đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự . Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đã góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người phải thi hành án. Các quy định của pháp luật về việc xét miễn, giảm trong thi hành án dân sự được thể hiện cụ thể tại các Điều 61, 62, 63,64 Luật  THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 và  Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, TAND tối cao, VKSND tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.


Tuy nhiên,  trong thực tiễn áp dụng, cơ quan THADS vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng và điều kiện để được xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước, đòi hỏi sớm có giải pháp khắc phục.
Thứ nhất: Đối với quy định trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án:
Theo quy định của pháp luật về thi hành án thì người phải THA phải đáp ứng đủ các điều kiện về tài sản ( điểm a khoản 1 Điều 61): “không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng” và về thời  gian và số tiền phải THA ( điểm b, khoản 1; khoản 2,3,4 Điều 61) thì mới được xét làm thủ tục miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên đối với trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì việc xem xét miễn, giảm còn có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau và khó thực thi trong thực tiễn. Theo đó có quan điểm cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ ra quyết định về việc chưa có điều kiện về thi hành án theo Điều 44a Luật THADS năm 2014; đồng thời, không có cơ sở để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo Điều 61 Luật THADS năm 2014 do không xác định được nhân thân, tài sản của người phải thi hành án. Có quan điểm khác lại cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án.
Thứ hai: Đối với việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án có tuyên về lãi suất chậm thi hành án của khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC thì “các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án bao gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước …; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có)”. Từ quy định như vậy đã có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau trong việc áp dụng tiền lãi suất chậm thi hành án.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tiền lãi suất chậm thi hành án là một khoản được xem xét miễn, giảm độc lập với khoản phải thu, nộp ngân sách. Khi đề nghị xem xét miễn, giảm chỉ cần căn cứ vào tổng giá trị khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước (phần gốc) để xác định điều kiện, thời hạn được xét miễn, giảm không bao gồm phần lãi chậm thi hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tiền lãi chậm thi hành án là một khoản tiền còn phải thi hành của đương sự, vì vậy cần cộng với các khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước thành tổng giá trị khoản phải thu nộp ngân sách nhà nước. Khi xem xét miễn, giảm phải căn cứ vào tổng giá trị khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm cả phần lãi chậm thi hành án (phần gốc + phần lãi) để xác định điều kiện, thời hạn được xét miễn, giảm.
Ví dụ trong thực tiễn áp dụng tại địa phương:  Theo nội dung bản án số 62/2012/HSST ngày 29/6/2012 của TAND thị xã Chí Linh và quyết định THA số 495/QĐ-CCTHA ngày 10/8/2012 của Chi cục THADS thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương thì người phải THA là Nguyễn Văn Hùng phải có nghĩa vụ thi hành 200.000 đồng tiền án phí HSST; 3.000.000 đ tiền phạt và lãi suất chậm THA. Quá trình giải quyết việc thi hành án, người phải THA đã thi hành được 200.000 đồng tiền án phí và 200.000 đồng tiền phạt. Khoản tiền còn phải tiếp tục THA là 4.800.000 đồng + lãi suất chậm THA. Nếu tính theo quan điểm thứ nhất thì năm 2018, áp dụng K2Đ61Luật THADS 2014 người phải THA sẽ được xét miễn phần nghĩa vụ còn lại. Nhưng nếu tính theo quan điểm thứ hai thì khi tính phần lãi suất, người phải THA sẽ phải chờ đến năm 2022 mới được xét thủ tục xét miễn nghĩa vụ THA.  Hoặc trong trường hợp phần tiền lớn hơn thì phần lãi suất sẽ tăng lên the các năm, do vậy để người phải THA được xét miễn giảm nghĩa vụ là rất khó thi hành, dẫn đến tốn kém về chi phí xác minh, theo dõi hồ sơ, án tồn đọng kéo dài không có hiệu quả trong công tác thi hành án.
Như vậy, để công tác thi hành án dân sự có hiệu quả, nhằm giảm tải lượng án tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến kết quả thi hành án. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ trường hợp nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Cần sửa đổi và quy định cụ thể việc xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có tuyên về lãi suất chậm thi hành án của khoản thu nộp ngân sách nhà nước, khi xem xét miễn giảm chỉ căn cứ vào tổng giá trị khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước (phần gốc) để xác định điều kiện, thời hạn được xét miễn, giảm không bao gồm phần lãi chậm thi hành án. Đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể mang tính đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành và có tính thực thi trong thực tiễn áp dụng.
Nguyễn Thị Thái Linh
Chi cục THADS TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương