Trình tự thủ tục thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm - Những khó khăn và bất cập

17/08/2020


Tóm tắt: Việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thi hành án thì các bản án, quyết định này có thê được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nên một số trường hợp gặp phải khó khăn, bất cập. Nguyên nhân của những khó khăn, bất cập này chủ yếu xuất phát từ các quy định pháp luật về thi hành án dân sự chưa sát với thực tế và một phần do nó không còn phù hợp với các quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Chính vì vậy, đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) và làm giảm hiệu quả của công tác THADS. Do đó, cần có những nghiên cứu sâu về vấn đề này để kịp thời sửa đổi, bổ sung pháp luật về thi hành án dân sự.
Theo quy định của Pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay về việc thi hành đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định khá cụ thể tại khoản 2 Điều 48, khoản 1 Điều 49, điểm d khoản 1 Điều 50 và tại mục 3 Chương 5 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS). Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định trên vào thực tế thì đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thi hành án. Nguyên nhân chính của những bất cập này xuất phát từ một số quy định của Luật THADS không phù hợp thực tế và một phần là do sự không tương thích với các quy định về giám đốc thẩm, tái thẩm của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
1. Thủ tục thi hành án trước khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
1.1. Hoãn thi hành án khi có yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:
Tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS quy định:“Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan THADS nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.
Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.
Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án”
Về thẩm quyền kháng nghị thì theo quy định tại Điều 331 và Điều 354 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 332 và khoản 3 Điều 354 BLTTDS 2015 thì:Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
Như vậy, đối với những bản án, quyết định của Tòa án mà cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành thì sẽ bị hoãn thi hành án, ngừng các tác nghiệp liên quan đến hồ sơ kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có văn bản yêu cầu hoãn. Vụ việc sẽ được giải quyết tiếp như thế nào thì phải chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, đối với trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án biết kết quả của việc tổ chức thi hành án.Việc thi hành án sẽ được tiếp tục tổ chức thi hành trở lại hoặc sẽ tiếp tục bị đình chỉ thi hành khi có các căn cứ theo quy định.
1.2.Tiếp tục tổ chức thi hành án:
Kể từ khi hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định tiếp tục thi hành án. Trong trường hợp này thì kết quả những khoản phải thi hành án đã thi hành được trước khi có yêu cầu hoãn thi hành án được tiếp tục công nhận và cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiếp tục thi hành những khoản còn lại chưa thi hành được.
1.3. Tạm đình chỉ thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm:
Việc thi hành án có thể bị tạm đình chỉ thi hành theo quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm sau khi đã bị hoãn thi hành án theo yêu cầu của người này hoặc bị tạm đình chỉ theo quyết định của người có thẩm quyền tái thẩm khi việc thi hành án đang tổ chức thi hành, cụ thể tại khoản 1 Điều 49 LTHADS quy định “Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị.
Trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án do có kháng nghị thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án”
Như vậy, hồ sơ thi hành án sẽ tiếp tục bị kéo dài thời gian tạm ngừng giải quyết (lần thứ 2) nếu trước đây nó đã bị hoãn thi hành theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Còn đối với trường hợp tạm đình chỉ thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì đây là lần ngừng thi hành án thứ nhất.
Theo quy định trên thì cho dù trước đây khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, cơ quan thi hành án đã có thông báo kết quả thi hành án cho người yêu cầu hoãn thi hành án biết và việc thi hành án vẫn đang bị tạm ngừng giải quyết, thì nay khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án, cơ quan thi hành án lại tiếp tục “phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị”. Quy định như vậy cho thấy nhà làm luật đã nhận thức kết quả thi hành án đã thực hiện được có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự trong quá trình xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Việc thi hành án sẽ được tiếp tục tổ chức thi hành án khi nhận được một trong các quyết định sau đây:
Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị. Trong các trường hợp này thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các quyết định trên.
1.4. Đình chỉ thi hành án.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 50 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này. Như vậy, trường hợp bản án, quyết định cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành mà quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy hoặc sửa một phần thì việc thi hành án bị đình chỉ thi hành. Đến đây thì việc thi hành án xem như đã kết thúc, việc thi hành tiếp theo sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc bản án, quyết định xét xử lại của Tòa án.
2. Thủ tục thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc bản án, quyết định xét xử lại của Tòa án.
2.1. Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.
Việc thi hành án quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa được thực hiện theo quy định tại Điều 135 Luật THADS, cụ thể điều luật quy định như sau:
“1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa thì việc thi hành được thực hiện theo quyết định giám đốc thẩm và bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.
2. Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới không bị hủy, bị sửa mà chưa được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tiếp tục thi hành án; nếu đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo cho Tòa án đã ra quyết định giám đốc thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.
3. Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật”.
2.1.1. Khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thi hành phần bản án, quyết định của Tòa cấp dưới không bị hủy, bị sửa
Theo quy định tại khoản 1 Điều 135, về nguyên tắc khi quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa thì việc thi hành được thực hiện theo quyết định giám đốc thẩm và bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.Quy định này đúng với tinh thần của bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, tại khoản 2 của Điều 135 lại quy định “Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới không bị hủy, bị sửa mà chưa được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tiếp tục thi hành án; nếu đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo cho Tòa án đã ra quyết định giám đốc thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự” Ở đây chúng ta thấy quy định như vậy là không hợp lý, vì:
Thứ nhất, đối với bản án quyết định mà cơ quan THADS đang tổ chức thi hành (bản án quyết định phúc thẩm) nhưng đã bị hủy bởi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Do vậy, cơ quan thi hành án không có căn cứ để ra quyết định tiếp tục thi hành án đối với bản án bản án, quyết định đã bị hủy này được. Trong trường hợp này khi nhận được quyết định giám đốc thẩm thì cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật mà cơ quan thi hành án dân sự trước đây đang tổ chức thi hành. Đồng thời, ra quyết định thi hành án mới căn cứ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và bản án của cấp dưới đã bị hủy bị sửa nhưng hiện nay được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên hiệu lực của bản án, quyết định đó.
Thứ hai, việc thông báo cho Tòa án đã ra quyết định giám đốc thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự trong trường hợp bản án đã thi hành xong cũng không cần thiết, bởi vì trước khi có quyết định giám đốc thẩm, cơ quan THADS đã thông báo kết quả tổ chức thi hành án cho cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm tái thẩm theo quy định tại Điều 49 Luật THADS (như đã nêu tại mục 1.3).
2.1.2. Khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong
Theo quy định tại khoản 3 Điều 135 LTHADS thì việc thi hành án sẽ được thực hiện như sau:
+ Trước hết CHV cần phải thông báo, giải thích cho đương sự biết quyền thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
+ Nếu các bên đương sự không thể thỏa thuận được thì xử lý như sau:
Trường hợp tài sản THA là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
+ Trường hợp tài sản đã chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
Về vấn đề bồi hoàn, Điều 36 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) đã quy định: Giá trị tài sản được bồi hoàn cho chủ sở hữu ban đầu trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa một phần hoặc toàn bộ theo quy định tại khoản 3 Điều 135 Luật THADS là giá tài sản trên thị trường ở địa phương tại thời điểm giải quyết việc bồi hoàn.
Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá trong trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy, Điều 103 Luật THADS có quy định: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”. Quy định này phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Hiện nay, quy định về cách thức thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa mà cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong theo quy định tại khoản 3 như trên không còn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự, vì theo quy định tại điều Điều 344, Bộ luật dân sự 2015, thì:
“Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới xét xử đúng pháp luật nhưng đã bị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi một phần hay toàn bộ.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án”.
Như vậy, căn cứ vào thông báo kết quả thi hành án của cơ quan THADS khi có kháng nghị thì Hội đồng xét xử phải xem xét một cách toàn diện để đối trừ các khoản nghĩa vụ đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong và đưa vào trong quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Do đó, cơ quan THADS chỉ phải căn cứ vào quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và phần nghĩa vụ chưa thi hành trong bản ánquyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa để tổ chức thi hành. Cho nên, quy định tại khoản 3 Điều 134 cho “đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản” hoặc “Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu…” là không cần thiết và làm khó cho cơ quan THADS.
2.2. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Theo quy định tại Điều 136 Luật Thi hành án dân sự thì việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện như sau:
“1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
2. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 135 của Luật này”
- Như vậy, theo quy định tại khoản 1, thì khi cơ quan thi hành án dân sự nhận được quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại mà vụ việc đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành thì theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 50 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật THADS. Việc THA tiếp theo sẽ được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
- Đối với việc tổ chức thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 136.
“2. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 135 của Luật này”.
Có thể nói, đây là một quy định không phù hợp, gây nhiều khó khăn cho các cơ qua thi hành án dân sự vì không thể thực hiện được trên thực tế. Để thấy được sự khó khăn, không phù hợp đó, chúng ta có thể xem xét một vụ việc thi hành án sau:
Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2009/DSST ngày 16/01/2009 và Bản án phúc thẩm số 72/2010/DSPT về tranh chấp quyền sử dụng đất đã tuyên: buộc ông Trần Minh Hải phải giao cho ông Phạm Hồng Đức quyền sử dụng 2.800 m2 đất.
Sau khi có bản án phúc thẩm ông Đức đã yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý thi hành. Do ông Hải không tự nguyện thi hành án do vậy cơ quan thi hành án dân sự đã cưỡng chế giao đất cho ông Đức theo đúng quy định.
Ngày 04/03/2013 Tòa án nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị số 83/2013/KN-DS. Ngày 17/04/2013 Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 170/2013/DS-GĐT, quyết định “…Hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm … giao hồ sơ thi hành án cho Tòa án nhân dân huyện xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Khi tòa án huyện thụ lý xét xử sơ thẩm thì ông Đức rút đơn yêu cầu khởi kiện. Vì vậy, Tòa án đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 27/2013/GĐST-DS ngày 15/8/2013.
Ông Hải cho rằng đất ông đang canh tác ổn định từ trước thì bị cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế giao cho ông Đức, nay Tòa án đã đình chỉ xét xử vụ án do vậy yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phải khôi phục lại quyền lợi cho ông.
Đây là một vụ việc có thật mà đến nay cơ quan THADS vẫn không thi hành được vì các lý do sau:
Thứ nhất, khi có quyết định giám đốc thẩm thì cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong bản án phúc thẩm (trong trường hợp chưa thi hành xong thì cơ quan thi hành án cũng phải ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 50 LTHADS). Do vậy, khi nhận được quyết định đình chỉ thi hành án của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án thì cơ quan thi hành án dân sự không còn tổ chức thi hành vụ việc liên quan đến tranh chấp này (vì đã thi hành xong hoặc đã đình chỉ thi hành). Vì thế cơ quan THADS không có căn cứ để tiến hành cho các bên đương sự thỏa thuận hoàn trả tài sản, khôi phục quyền, nghĩa vụ của mình được.
Thứ hai, cơ quan THADS cũng không có căn cứ để ra quyết định cưỡng chế trả lại tài sản vì vụ việc đã được cơ quan thi hành án dân sự thi hành xong hoặc đã bị đình chỉ thi hành. Đồng thời trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cũng không đề cập đến việc giải quyết kết quả mà cơ quan THADS đã tổ chức thi hành. Vì vậy, khi nhận được quyết định đình chỉ thi hành án của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án thì cơ quan THADS không có căn cứ để ra quyết định tiếp tục thi hành án. Trong khi đó vụ việc trước đây đã bị đình chỉ thi hành kể từ khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Do vậy, việc ra quyết định để cưỡng chế giao lại tài sản cho người đã thi hành án là không có căn cứ theo quy định tại Điều 70 Luật THADS (căn cứ ra quyết định cưỡng chế thi hành án là bản án, quyết định của Tòa án; quyết định thi hành án). Điều này đồng nghĩa với việc quy định tại khoản 2 Điều 136 Luật THADS là không có ý nghĩa trong thực tiễn.
Những vụ việc tương tự như ví dụ trên là tình trạng khá phổ biến đã diễn ra trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực.Vì trước đây pháp luật về tố tụng dân sự không có quy định cụ thể về việc buộc Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc Tòa án xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án phải xem xét giải quyết hậu quả của việc thi hành án. Có thể nói đây là một khoảng trống trong thủ tục tố tụng, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh có một vụ việc điển hình cho thực trạng Hội đồng xét xử không xem xét đến kết quả thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện là “Kỳ án” liên quan đến tranh chấp căn nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, vụ án này đã hơn 15 năm vẫn chưa thi hành án xong mà nguyên nhân chủ yếu là do bản án bị xét xử đi, xét xử lại quá nhiều lần (có hơn 12 bản án, quyết định của các cấp Tòa). Nhưng trong các lần xét xử sau thì cơ quan có thẩm quyền đã không xem xét đến kết quả mà cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện đối với bản án đã có hiệu lực trước đó, mặc dù cơ quan thi hành án dân sự đã nhiều lần có văn bản thông báo kết quả thi hành án, đồng thời đề nghị các cấp xét xử xem xét một cách toàn diện, giải quyết đối với phần bản án quyết định đã thi hành. Tuy nhiên, mãi đến gần đây, sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực thì những đề nghị của cơ quan THADS mới được chấp nhận, lúc này thì thiệt hại xảy ra cho các bên liên quan đã rất lớn.
Để khắc phục tình trạng trên thì Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đã có những sửa đổi bổ sung kịp thời, cụ thể:
Tại khoản 4 Điều 217 về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã quy định “đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Đồng thời, tại Điều 346 về hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án và khoản 2 Điều 347 về sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cũng đã có quy định “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án”.
Chúng tôi cho rằng, đây là những quy định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sự gắn kết giữa quá trình xét xử của Tòa án và quá trình tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đã được đưa ra thi hành, nhưng có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời, nó cũng đảm bảo cho việc xem xét, giải quyết của Tòa án được khách quan, toàn diện và đặc biệt là đảm bảo cho quá trình tổ chức thi hành án được kịp thời hiệu quả.
3. Kiến nghị:
Với những sửa đổi, bổ sung kịp thời của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm như đã nêu trên, thì hiện nay sẽ không còn tình trạng giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà Hội đồng xét xử lại không xem xét đến kết quả thi hành án. Trừ trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không thông báo kết quả cho Tòa án biết.
Do vậy, nếu có quyết định, bản án xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà Hội đồng xét xử không xem xét đến kết quả thi hành án thì chỉ có hai trường hợp xảy ra: trường hợp thứ nhất, cơ quan thi hành án dân sự đã không thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án biết, trong trường hợp này trách nhiệm thuộc về cơ qua thi hành án dân sự, mà trực tiếp là Chấp hành viên đang trực tiếp thi hành vụ việc; trường hợp thứ hai, nếu cơ quan thi hành án dân sự đã không thông báo kết quả thi hành án bản án cho Tòa án biết mà Hội đồng xét xử không xem xét thì Hội đồng xét xử đã vi phạm thủ tục tố tụng.
Đối với trường hợp thứ nhất thì phải xem xét trách nhiệm của cơ quan THADS và những người liên quan để xử lý theo quy định. Đối với trường hợp thứ hai thì phải xem xét lại bản án, quyết định của cơ quan xét xử.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay thì việc tổ chức thi hành án đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc bản án, quyết định xét xử lại sau khi đã có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay sẽ phải thi hành đúng nội dung của các bản án, quyết định đó. Vì nội dung, kết quả của việc thi hành án đã được Hội đồng xem xét một cách toàn diện trong quá trình xét xử. Chính vì vậy, các quy định tại khoản 3 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 Luật THADS không còn phù hợp với thực tiễn.
Do vậy, chúng tôi đề nghị cần bỏ quy định tại khoản 3 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 Luật Thi hành án dân sự, đồng thời, bổ sung quy định “Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới hoặc quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong mà trong quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không xem xét đến kết quản thi hành án đã thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định của tòa án”. Tuy nhiên, để sửa đổi, bổ sung những quy định tại Luật THADS cần có thời gian. Vì vậy, trước mắt cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cho cơ quan thi hành án dân sự thi hành các quy định tại Điều 135, 136 phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để tránh tình trạng cơ quan thi hành án dân sự vẫn áp dụng các quy định tại các điều luật trên để thi hành, gây khó khăn, phức tạp cho quá trình tổ chức thi hành án.
Hồ Quân Chính – GV Học Viện Tư pháp