Kê biên tài sản đang cầm cố thế chấp để thi hành án và một số vấn đề từ thực tiễn

26/04/2021
Theo quy định Điều 90 Luật Thi hành án dân sự (Luật THADS), trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Theo đó, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp hợp pháp trước khi có bản án, Quyết định của Tòa án để thi hành án khi tài sản đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.


1. Một số nội dung cần lưu ý khi kê biên, xử lý tài sản đối với tài sản đang cầm cố, thế chấp:
Bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, khi kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành án, cần lưu ý một số nội dung sau:
Một là: Về điều kiện xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên   tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC thì trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp đủ điều kiện để kê biên, xử lý theo quy  định tại Điều 90 Luật THADS mà người nhận cầm cố, thế chấp   đang tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm thì Chấp hành viên không thực hiện việc kê biên, xử   lý đối với tài sản đó nhưng phải có văn bản yêu cầu người xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ  quan THADS, giữ lại số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan THADS  giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hai là: Trường hợp giá trị tài sản kê biên bị giảm thấp hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế
Trường hợp Chấp hành viên đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo Điều 90 Luật THADS nhưng sau khi giảm giá theo quy định pháp luật mà giá của tài sản sau khi giảm giá không lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án thì người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án có trách nhiệm ra ngay quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật THADS đồng thời có văn bản yêu cầu người nhận cầm cố, nhận thế chấp thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan THADS, giữ lại số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan THADS giải quyết theo quy định của pháp luật[1].
Về việc thanh toán chi phí cưỡng chế, theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật THADS và điểm b khoản 1 Điều  43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì tài sản cưỡng chế theo Điều 90 Luật THADS nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm; tài sản bị cưỡng chế không còn hoặc bị mất giá trị sử dụng thì chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.
Ba là: Về thanh toán tiền thi hành án
Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS: “Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được THA thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại  Điều này. Như vậy, trong trường hợp người nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án, Chấp hành viên cần ưu tiên thanh toán cho người nhận cầm cố, thế chấp trước sau đó mới thanh toán các khoản theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 47 Luật THADS.

Bốn là: Về  thu phí thi hành án

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật THADS, phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định. Do đó, khi tiến hành thanh toán tiền cho người    nhận cầm cố, thế chấp mà không phải là người được thi hành án, cần lưu ý không thu phí thi hành án đối với người nhận cầm cố, thế chấp. Bởi vì, mặc dù người nhận cầm cố, thế chấp được nhận tiền nhưng người nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án, hơn nữa, người nhận cầm cố, thế chấp nhận khoản tiền này không phải là khoản tiền theo bản án, quyết định.
2. Một số khó khăn khi kê biên, xử lý xử lý tài sản đang cầm cố thế chấp để thi hành án
Mặc dù các quy đinh pháp luật về THADS đã có quy định về việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố thế chấp. Tuy nhiên, việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố , thế chấp để thi hành án trong thực tiễn vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Một là: Về điều kiện để kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp
Theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 thì: Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật THADS, trừ trường hợp thi hành Bản án, Quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Theo đó, cơ quan THADS chỉ kê biên tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Điều 90 Luật THADS khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Để thi hành bản án, quyết định của Tòa án về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; (ii) Có sự đồng ý kê biên bằng văn bản của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về việc tài sản đang cầm cố, thế chấp để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ cho khoản nợ xấu. Điều kiện này cũng hạn chế phần nào các trường hợp kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp trong thực tế.
Hai là: Sự phối hợp của người nhận cầm cố, thế chấp
Theo quy định pháp luật thì việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp hợp pháp để thi hành án, không bắt buộc phải có sự đồng ý của người nhận cầm cố, thế chấp. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp. Tuy nhiên, trong thực tế, để kê biên, xử lý tài sản trong khi người đang nhận cầm cố, thế chấp không phối hợp với cơ quan THADS cũng là một rào cản rất lớn khi áp dụng các quy định của pháp luật. Mặc dù khoản 2, Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP  của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có quy định về hành vi : “Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng” với mức phạt từ 1.000.000đ  đến 3.000.000đ. Tuy nhiên việc xử lý đối với các trường hợp này còn rất hạn chế. Do đó cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự thủ tục thực hiện đối với các trường hợp này cũng như các chế tài pháp lý hiệu quả hơn đối với các trường hợp tài sản đáp ứng đủ điều kiện để xử lý theo quy định của pháp luật nhưng không có sự phối hợp từ phía người nhận cầm cố, thế chấp, gây khó khăn, cản trở quá trình tổ chức thi hành án.
Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng quy định: Đối với tài sản đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp mà kết quả xác minh tại thời điểm thi hành án cho thấy tài sản có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng cầm cố, thế chấp thì Chấp hành viên phải thông báo bằng văn bản cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án và yêu cầu khi thanh toán hết nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp phải thông báo cho cơ quan THADS biết. Cơ quan THADS kê biên tài sản sau khi đã được giải chấp hoặc thu phần tiền còn lại sau khi xử lý tài sản để thanh toán hợp đồng đã ký, nếu có. Trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp đủ điều kiện để kê biên, xử lý theo quy định nhưng người nhận cầm cố, thế chấp đang tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm thì chấp hành viên không thực hiện việc kê biên, xử lý đối với tài sản đó nhưng phải có văn bản yêu cầu người xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan THADS, giữ lại số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan THADS giải quyết theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC).
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có những trường hợp sau khi xử lý nợ vay, người nhận cầm cố thế chấp không thực hiện việc thông báo cho cơ quan thi hành án về kết quả xử lý nợ vay. Mặc dù khoản 3 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có quy định: Nếu người nhận cầm cố, thế chấp không thông báo hoặc chậm thông báo mà gây thiệt hại cho người được thi hành án thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, tuy nhiên để xử lý các trường hợp này trong thực tiễn còn rất nhiều khó khăn.
Do đó, cần xem xét bổ sung các quy định pháp luật về trách nhiệm phối hợp của người nhận cầm cố, thế chấp trong việc thi hành án và bổ sung các chế tài pháp lý hữu hiệu hơn để xử lý đối với các trường hợp người cầm cố thế chấp không phối hợp với cơ quan THADS trong việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành án khi tài sản đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ba là: Về  trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản trước khi tiến hành kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành án.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật THADS và điểm c khoản 1 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì chi phí cho việc Chấp hành viên xác minh, xác định giá trị tài sản trước khi cưỡng chế để áp dụng biện pháp cưỡng chế tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án, chi phí cần thiết để áp dụng theo Điều 90 Luật THADS sẽ do Ngân sách nhà nước chi trả. Tuy nhiên, pháp luật THADS lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục thực hiện việc xác định giá trị tài sản đối với các trường hợp này, dẫn đến các cơ quan THADS còn nhiều lúng túng khi áp dụng pháp luật. Do đó cần tiếp tục có những quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thực hiện khi kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành án, góp phần phát huy hiệu quả quy định pháp luật này trong thực tiễn.
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 

[1] Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên   tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC