Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc PCTN, Hội đồng thẩm định dự án BLHS 2015 (sửa đổi) đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định các tội phạm về tham nhũng thành một chương riêng nhằm thể hiện tập trung và rõ ràng hơn về cấu thành của loại tội này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thẩm phán trong quá trình xét xử và nâng cao hiệu quả trong đấu tranh PCTN. Đồng thời, đề nghị mở rộng phạm vi của các tội phạm tham nhũng đối với lĩnh vực tư nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.1
Theo Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về dự án BLHS (sửa đổi), đã khẳng định BLHS hiện hành được ban hành từ năm 1999 trong bối cảnh nước ta chưa hội nhập sâu vào thế giới, nhiều điều ước quốc tế chúng ta chưa có điều kiện gia nhập, do vậy, chưa phản ánh được những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngày nay, xu thế chủ động hội nhập quốc tế đã trở thành nhu cầu nội tại của Việt Nam. Trên thực tế, nước ta đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương, trong đó có Công ước về chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, nước ta cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các tội phạm do người nước ngoài thực hiện. Điều này, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung BLHS để nội luật hóa các quy định về hình sự trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên và tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.2
Từ những phân tích ở trên cho thấy yêu cầu nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế có lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam vẫn đang được tích cực nghiên cứu áp dụng trong quá trình xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong nước của Việt Nam, trong đó có các quy định về PCTN, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp.Đồng thời với giải pháp nội luật hóa các điều ước quốc tế, một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp cũng cần được quan tâm xem xét, có thể kể đến như:
Một là, sử dụng chính xác thuật ngữ miêu tả hành vi của người sở hữu khối tài sản tăng lên đáng kể một cách bất hợp pháp: Thuật ngữ “làm giàu bất hợp pháp”, “làm giàu bất minh” hoặc “làm giàu không giải thích được” được dịch từ các cụm từ tiếng Anh tương ứng, tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có hướng dẫn khái niệm “giàu”, hoặc “chuẩn giàu”, mới chỉ có chuẩn nghèo3 nên nếu dùng thuật ngữ “giàu” hoặc “làm giàu bất hợp pháp” có thể sẽ có nhiều quan điểm và khó khăn cho việc triển khai áp dụng trên thực tế, trong khi đó nguồn thu nhập hợp pháp là nguồn có thể có cơ sở kiểm soát nếu hoàn thiện pháp luật về chính sách tiền lương, thu nhập, quản lý sử dụng tiền mặt, đăng ký giao dịch bảo đảm, … Nếu hoàn thiện công cụ kiểm soát được đầy đủ các nguồn thu nhập hợp pháp hoặc được công nhận thì phần còn lại sẽ là bất hợp pháp và cần giải trình, đưa ra lý do chính đáng. Để bảo đảm tính thống nhất giữa tên bài viết và nội nghiên cứu, thuận lợi cho việc theo dõi của độc giả, trong bài viết này, chúng tôi thống nhất dùng thuật ngữ quen dùng là “hành vi làm giàu bất hợp pháp”.
Vấn đề tiếp theo cũng cần quy định rõ để thuận lợp cho việc áp dụng, đó là “khối tài sản tăng lên bao nhiêu thì được gọi là đáng kể?”, vấn đề này cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm nước ngoài trên cơ sở phù hợp với thực tiễn Việt Nam và nên quy định linh hoạt, phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước ở từng giai đoạn.
Hai là, xác định đầy đủ mục tiêu của việc xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp: Chúng tôi cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng khi nghiên cứu bổ sung quy định của pháp luật về hành vi làm giàu bất hợp pháp là “bảo đảm sự công bằng xã hội”. Nguồn tài sản bất hợp pháp tăng lên đáng kể phần lớn là tài sản do phạm các tội có hành vi liên quan đến tham nhũng; tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; ... là nguồn tài sản không được hình thành bằng con đường hợp pháp theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Tài sản hình thành bằng con đường hợp pháp theo quy định của pháp luật như do được tuyển dụng, bổ nhiệm, thừa kế, lao động, sản xuất, kinh doanh, tặng, cho,... cần được khuyến khích phát triển để làm giàu cho cá nhân và tăng nguồn lực cho đất nước, ngược lại tài sản hình thành bằng con đường bất hợp phápnên được tịch thu và sung công quỹ nhà nước, phân bổ trở lại phục vụ chính sách phúc lợi, công bằng xã hội thông qua các cơ chế, chế tài của pháp luật. Ngoài ra, công bằng xã hội cũng là một trong những mục tiêu đã được quy định tại Điều 3 Hiến pháp năm 2013, đó là: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Các biện pháp xử lý chủ thể sở hữu khối tài sản tăng lên đáng kể ngoài nguồn thu nhập hợp pháp cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn sự làm giàu bất hợp pháp, khuyến khích làm giàu hợp pháp, giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, góp phần bảo đảm quyền con người theo quy định của Hiến pháp.
Ba là, mở rộng phạm vi chủ thể là đối tượng của hành vi làm giàu bất hợp pháp: Theo khuyến nghị của UNCAC thì chủ thể của hành vi này chủ yếu là công chức. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tổng thể các đối tượng có thể là chủ thể của hành vi làm giàu bất hợp pháp theo pháp luật Việt Nam, có thể bao gồm công chức, viên chức, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, nước ngoài, liên doanh) có thể trở thành chủ thể của tội phạm này nếu họ có nguồn tài sản tăng thêm đáng kể ngoài thu nhập hợp pháp mà không giải trình được lý do hợp lý.
Bốn là, xác định đúng lộ trình thực hiện chủ trương “xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp”. Chúng tôi nhất trí với nhiều quan điểm cho rằng xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp trong giai đoạn hiện nay là chưa bảo đảm tính khả thi và cần có lộ trình hợp lý.4Có quan điểm đề xuất 03 phương án xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, gồm (1) Phương án 1: Quy định tội danh làm giàu bất chính trong BLHS. Nếu lựa chọn phương án này, thì Việt Nam cần có lộ trình cho quá trình thực hiện. (2) Phương án 2: Quy định tội làm giàu bất chính thông qua việc hình sự hoá hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình. (3) Phương án 3: Trước mắt chưa quy định tội làm giàu bất chính trong BLHS mà chỉ xử lý về tài sản bất chính theo trình tự TTDS. Trường hợp các biện pháp đảm bảo thực hiện không mang tính khả thi hoặc nhận thức giữa các cơ quan còn nhiều khác biệt, đặc biệt là trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS, thì trước mắt chưa quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất chính.5
Chia sẻ với nhiều quan điểm nêu trên, chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp ở Việt Nam nên được thực hiện theo lộ trình cụ thể như sau: (1) Nghiên cứu tổng thể lý luận, pháp luật thực định trong nước có liên quan và kinh nghiệm nước ngoài; thực hiện việc đánh giá tác động khi chủ trương nêu trên được ban hành và được áp dụng trong thực tiễn (chú trọng nhóm đối tượng bị tác động là chủ thể của nhóm tội phạm này); (2) Hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung liên quan đến hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý dữ liệu về tài sản đăng ký; quy định về các biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt và đảm bảo việc thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế và quản lý thông tin về người nộp thuế; tăng cường quản trị hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy định về bí mật ngân hàng… Đồng thời, lộ trình cũng cần đủ dài để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu hoặc áp dụng các biện pháp đảm bảo quyền sở hữu của mình đối với các tài sản hiện có và với khẳng định không áp dụng quy định này đối với những tài sản được hình thành trước khi BLHS (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật. (3) Đồng thời hoàn thiện quy định về thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật, tịch thu tài sản là nguồn tài sản tăng lên đáng kể ngoài nguồn thu nhập hợp pháp. (4) Sau khoảng thời gian thích hợp thực hiện các nội dung nêu trên, nghiên cứu áp dụng các chế tài, quy trình tố tụng dân sự, hành chính để tịch thu tài sản tăng lên đáng kể ngoài thu nhập hợp pháp. Tuy nhiên, cần xem xét nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ thể được giao thực hiện quyền đại diện cho nhà nước khởi kiện tịch thu nguồn tài sản tăng lên đáng kể này, đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát xã hội, bảo đảm việc thực hiện khách quan, công bằng với mọi đối tượng. Khi mà hệ thống pháp luật nói chung, công cụ pháp lý kiểm soát nguồn thu nhập hợp pháp nói riêng của công chức được hoàn thiện, sẽ tổng kết, đánh giá và quy định tội danh sở hữu khối tài sản bất hợp pháp tăng lên đáng kể vào BLHS để áp dụng vào thực tiễn.
Năm là, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự: Thi hành án dân sự là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Công ước UNCAC, đặc biệt liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng và vấn đề hợp tác quốc tế vì mục đích tịch thu và các cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu. Ví dụ, Điều 51 Chương V Công ước UNCAC quy định: “Hoàn trả tài sản theo quy định tại Chương này là nguyên tắc căn bản của Công ước này, và theo đó, các quốc gia thành viên cung cấp cho nhau các biện pháp hợp tác và trợ giúp rộng rãi nhất”. Trên cơ sở đó, Công ước quy định các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản có được do hành vi tham nhũng.
Điều 55 Công ước UNCAC quy định các quốc gia thành viên Công ước khi nhận được yêu cầu tịch thu tài sản, công cụ, phương tiện liên quan đến tội phạm tham nhũng quy định tại Công ước từ một quốc gia thành viên khác có quyền tài phán đối với tội phạm đó, trong phạm vi rộng nhất mà pháp luật quốc gia cho phép, phải: xem xét yêu cầu để cấp lệnh tịch thu và thi hành lệnh tịch thu; xem xét công nhận hiệu lực thi hành của lệnh tịch thu do toà án của quốc gia yêu cầu ban hành. Để thực hiện quy định này, Điều 54 Công ước đề ra các biện pháp mà quốc gia thành viên cần áp dụng, trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc gia: áp dụng các biện pháp cần thiết cho phép công nhận hiệu lực thi hành của lệnh tịch thu ban hành bởi quốc gia thành viên khác; phong toả hoặc thu giữ tài sản theo lệnh tịch thu của toà án, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu hoặc theo đề nghị của quốc gia yêu cầu; và các biện pháp cần thiết khác.
Để từng bước nội luật hóa các quy định của Công ước trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Quyết định số 445/QĐ-TTG ngày 07/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã đặt ra yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật, bổ sung quy định pháp luật thi hành án dân sự; để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng cần phải nghiên cứu, đề xuất bổ sung thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự của toà án nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản do tham nhũng. Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về thi hành án dân sự cần bổ sung thẩm quyền của Chấp hành viên đề xuất cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục tịch thu nguồn tài sản tăng lên đáng kể ngoài thu nhập hợp pháp của đương sự nếu quá trình kê biên tài sản thi hành án và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thi hành án mà Chấp hành viên phát hiện có sự chênh lệnh lớn về tài sản hiện có của đương sự so với mức thu nhập hợp pháp của họ.
Ngoài ra, mới đây, ngày 02/6/2021, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị này cũng là bước tiếp theo đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Công ước UNCAC tại Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu: rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hoá tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng”. Đây là chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự về xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp ở Việt Nam trong thời gian tới.
Mặc dù khi ký phê chuẩn Công ước, Việt nam đã đề nghị loại trừ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhưng khi điều kiện trong nước cho phép, BLHS 2015 cũng đã hình sự hóa tội phạm này, thậm chí đã mở rộng phạm vi xử lý tội tham nhũng ra cả khu vực tư nhân. Hy vọng rằng hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp cũng sẽ được xem xét, bổ sung vào BLHS ở thời điểm thích hợp trong thời gian tới nhằm hoàn thiện công cụ pháp lý, khuyến khích người dân, công chức làm giàu hợp pháp, ngăn chặn và đẩy lùi hành vi làm giàu bất hợp pháp, bảo đảm sự tiến bộ và công bằng xã hội theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
1 Báo cáo số 33/BC-HĐTĐ ngày 10/02/2015 của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp về dự án BLHS (sửa đổi).
2 Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về dự án BLHS (sửa đổi).
3Về chuẩn nghèo mới xem Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
5Hà Thanh, Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính - kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Namhttps://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201601/hinh-su-hoa-hanh-vi-lam-giau-bat-chinh-kinh-nghiem-quoc-te-va-kha-nang-van-dung-cho-viet-nam-299780/, truy cập 23/02/2021.