Bộ luật TTDS năm 2015 được Quốc hội thông qua cùng với bộ luật, luật lớn khác như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015 … tạo ra một hệ thống văn bản QPPL về nội dung và hình thức đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ đất nước đổi mới, tham gia sâu rộng vào các quan hệ pháp lý quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Có thể khẳng định rằng đến thời điểm hiện nay, về mặt thể chế các nội dung lớn của Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW đặt ra cơ bản đã hoàn thành.
Đối với công tác THADS, công tác THADS được hiểu là việc cơ quan, người có thẩm quyền đưa các bản án, quyết định của các thiết chế tài phán thi hành trên thực tế theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Bộ luật TTDS năm 2015 được thông qua, khi phát sinh hiệu lực (ngày 01/7/2016) nhiều quy định mới sẽ giúp cho công tác THADS khắc phục được những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn đặt ra. Qua nghiên cứu Bộ luật TTDS năm 2015, rút ra được một số quy định mới tác động đối với công tác THADS như sau:
1. Quy định mới những tranh chấp và yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
Bộ luật TTDS năm 2015 đã tiếp thu, kế thừa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 bổ sung quy định những tranh chấp và yêu cầu dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án tạo hành lang pháp lý theo hướng mở rộng phạm vi các tranh chấp, yêu cầu dân sự phát sinh trong quá trình tổ chức THADS thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, từ đó cơ quan THADS có thể yêu cầu hoặc hướng dẫn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thi hành án quyền khởi kiện, yêu cầu Toà án giải quyết, phục vụ cho công tác THADS, cụ thể:
- Khoản 12, 13 Điều 26 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định về Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
“12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS.
13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về THADS.”
Tranh chấp liên quan đến tài sản cưỡng chế trên thực tế thường phát sinh dưới các dạng sau: Tranh chấp với bên thứ ba về quyền sử hữu tài sản hoặc tài sản cưỡng chế bị đưa vào tham gia các giao dịch dân sự với bên thứ ba (như bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, tặng cho …) nhằm mục đích tẩu tán, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của bên phải thi hành án. Quy định này hoàn toàn phù hợp và hỗ trợ cho Điều 75 Luật THADS về Giải quyết tranh chấp, yêu cầu huỷ giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án.
Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật THADS, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản quy định tài sản bán đấu giá thành sẽ được nhà nước đảm bảo giao cho người trúng đấu giá; kể cả trong trường hợp sau đó bản án, quyết định của Toà án bị tuyên huỷ, sửa đổi (theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm) hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế để giao tài sản cho người trúng bán đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.
Tranh chấp về phí tổn trong bán đấu giá thuộc phạm vi giải quyết việc dân sự của Toà án hoàn toàn phù hợp và hỗ trợ cho Khoản 5 Điều 101 Luật THADS quy định về Bán tài sản kê biên.
- Khoản 9 Điều 27 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định về Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
“9. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật THADS.”
Quy định này thường được áp dụng trong trường hợp cơ quan THADS xử lý tài sản mà người phải thi hành án có quyền sở hữu chung với người khác như tài sản chung vợ chồng, vốn góp tại doanh nghiệp ... Quy định này hoàn toàn phù hợp và hỗ trợ cho Khoản 1 Điều 74 Luật THADS về Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án.
2. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Song song với việc mở rộng phạm vi các tranh chấp, yêu cầu về dân sự phát sinh trong quá trình THADS thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, Bộ luật TTDS năm 2015 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án để cơ quan THADS, đương sự thực hiện quyền khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết, Điểm n Khoản 2 Điều 39 Bộ luật TTDS năm 2015 quy đinh
:
“2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
n) Tòa án nơi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật THADS;”
3. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Quy định nhiều biện pháp mới từ Khoản 13 đến Khoản 16 Điều 114, theo đó, bổ sung Khoản 13 Điều 114 Bộ luật TTDS năm 2015 quy đinh:
“13. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.”
Điều 128 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định cụ thể về cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ:
“Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.”
Biện pháp khẩn cấp tạm thời có ý nghĩa với việc công tác thi hành án, vì thông qua áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng người có nghĩa vụ trong giai đoạn xét xử, khi bản án, quyết định có hiệu lực thường trở thành người phải thi hành án trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, qua đó, tăng cường ý thức, trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ và làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án sau này.
4. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Khi Toà án xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Toà có thẩm quyền Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án; Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (quy định tại Điều 344, 346, 347 và 357 của Bộ luật TTDS năm 2015).
Số lượng bản án, quyết định của Toà án qua giám đốc thẩm, tái thẩm bị huỷ, sửa tuy không nhiều nhưng trên cơ sở bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, đảm bảo công bằng xã hội, cần quy định rõ trách nhiệm của Toà án phải giải quyết đối với vụ việc đang thi hành hoặc đã thi hành xong bản án, quyết định nhưng sau đó bị huỷ, sửa là rất cần thiết. Theo đó, Bộ luật TTDS năm 2015 quy định trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết
hậu quả của việc thi hành án. Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan THADS tiếp tục tổ chức thi hành vụ việc theo phán quyết của Toà án.
5. Thủ tục giải quyết việc dân sự
Luật THADS ghi nhận Chấp hành viên, đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, pháp luật về TTDS trước đây chưa có quy định cụ thể, rõ ràng trình tự thủ tục thực hiện, nên Chấp hành viên, đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi yêu cầu Toà án thụ lý và giải quyết.
Bộ luật TTDS năm 2015 bổ sung một số quy định
mới tại Chương XXIII từ Điều 361 đến Điều 375 như thủ tục như nhận đơn và xử lý đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
[1], các trường hợp trả lại đơn, thông báo thụ lý đơn, chuẩn bị xét xử, gửi quyết định giải quyết việc dân sự, thủ tục kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự. Các quy định này chưa được quy định tại Luật TTDS trước đây. Với quy định mới tại Chương XXIII Bộ luật TTDS năm 2015 trình tự, thủ tục, thời hạn yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự và thủ tục tố tụng tại Toà án được quy định cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên, đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.
6. Thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, tại Điều 5 về Thoả thuận thi hành án quy định đương sự có thể thoả thuận việc thi hành án khi bản án, quyết định có hiệu lực; sau khi cơ quan THADS ra quyết định thi hành án để tổ chức thi hành, đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến thoả thuận và tổ chức thi hành theo nội dung thoả thuận nếu thoả thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án (trong quy trình giải quyết tranh chấp về đất đai thì thủ tục hoà giải tại UBND cấp xã phải được thực hiện, nếu hoà giải không thành mới đưa tranh chấp ra Toà án giải quyết).
Bộ luật TTDS năm 2015 đã bổ sung quy định mới có tác dụng hỗ trợ cho công tác THADS, Điều 416 về Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án quy định:
“Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải.”
Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được quy định rất cụ thể tại Điều 419 Bộ luật TTDS năm 2015, theo đó:
“1. Thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thực hiện theo quy định tại các điều 363, 364 và 365 của Bộ luật này.
2. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở phiên họp.
3. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công xét đơn có quyền sau đây:
a) Yêu cầu bên tham gia hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến về yêu cầu của người có đơn đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành; làm rõ nội dung yêu cầu hoặc bổ sung tài liệu, nếu xét thấy cần thiết;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền tiến hành hòa giải cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của đương sự, nếu xét thấy cần thiết.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
4. Những người tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu, thủ tục tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Điều 367 và Điều 369 của Bộ luật này.
5. Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này. Quyết định của Tòa án phải có các nội dung quy định tại Điều 370 của Bộ luật này.
6. Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đối với trường hợp không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này.
Việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài Tòa án.
7. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.
8. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
9. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.”
Trong nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, Chấp hành viên nhận thấy các bên đương sự thoả thuận thi hành án chứa đựng nhiều nội dung vượt quá khả năng của mình khi đánh giá tính chất pháp lý của thoả thuận, trong trường hợp này Chấp hành viên có thể hướng dẫn cho đương sự quyền yêu cầu Toà án thực hiện thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án làm cơ sở cho việc tiếp tục tổ chức thi hành án, ví dụ như trong lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao dây chuyền máy móc, công nghệ cao, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có thể chịu sự điều chỉnh pháp luật nước ngoài (dẫn chiếu pháp luật nước ngoài điều chỉnh) ….
7. Một số hạn chế, tồn tại của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đối với công tác THADS
7.1. Khoản 1 Điều 362 Bộ luât TTDS năm 2015 quy định:
“1. ….
Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật THADS thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”
Quy định này bộc lộ một số hạn chế sau:
Thứ nhất, Bộ luật TTDS năm 2015 chưa quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự như đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (quyền và nghĩa vụ được quy định từ Điều 70 đến Điều 73). Điều này sẽ tạo khó khăn cho Chấp hành viên, người yêu cầu giải quyết việc dân sự trong quá trình tham gia tố tụng.
Thứ hai, quy định địa vị pháp lý của Chấp hành viên khi yêu cầu giải quyết việc dân sự giống với người yêu cầu giải quyết việc dân sự khác
hoàn toàn không phù hợp, vì Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định, công tác của Chấp hành viên mang tính chất quyền lực nhà nước (thực thi công vụ). Vì vậy, phải có cơ chế pháp lý phù hợp hơn, hiệu quả hơn khi Chấp hành viên yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự liên quan đến công tác thi hành án.
7.2. Một số quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật THADS cùng quy định về một vấn đề còn khác nhau
- Quy định về trường hợp những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị tại Khoản 2 Điều 2 của Luật THADS và Khoản 2 Điều 482 Bộ luật TTDS năm 2015. Bộ luật TTDS năm 2015 bổ sung thêm một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị gồm: khoản về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công.
- Thời hạn Toà án trả lời kiến nghị của cơ quan THADS theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Khoản 2 Điều 170 của Luật THADS (không quá 90 ngày) và Điều 487 Bộ luật TTDS năm 2015 (không quá 3 tháng, trường hợp phức tạp không quá 4 tháng).
Điều 363. Thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu
1. Thủ tục nhận đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật này.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
2. Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người yêu cầu thực hiện đầy đủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự.
Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ.
4. Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện như sau:
a) Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
b) Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự;
c) Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý việc dân sự kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
ThS. Đinh Phạm Văn Minh
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình