Ủy thác Tư pháp trong bối cảnh dịch Covid-19

10/08/2020
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...; GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, trong đó có các hoạt động ủy thác tư pháp.


Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch covid-19 ngày 25/5/2020, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã có Công văn số 2229/BĐVN-DVBC tạm dừng chấp nhận dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện tới 82 nước trên thế giới; ngày 10/6/2020 Bộ Tư pháp có Công văn số 2088/BTP-PLQT về việc thực hiện ủy thác tư pháp đề nghị Tóa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp xem xét kéo dài thời hạn giải quyết vụ việc để đảm bảo tính khả thi; tạm dừng gửi Bộ Tư pháp hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự đến khi có thông báo tiếp theo, trừ một số quốc gia/vùng lãnh thổ chấp nhận yêu cầu qua thư điện tử hoặc hệ thống thư điện tử cơ quan trung ương gồm: Hoa Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc, Bỉ, Tây Ban Nha, Australia (trừ bang Victorya, Tây Úc), Thụy sỹ (việc gửi hồ sơ chỉ áp dụng với bang Aargau và bang Vaud), Campuchia. Các hồ sơ Bộ Tư pháp đã tiếp nhận không thể gửi trả lại các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ.
Hoàng Thế Anh