Những quy định mới về kỷ luật công chức trong Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ

08/11/2023


Ngày 20/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 71/2023/NĐ-CP). Theo đó, một số quy định về kỷ luật công chức đã được sửa đổi, bổ sung cần lưu ý:
1. Quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật (khoản 2 Điều 1)
Theo quy định mới, nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức gồm 11 nguyên tắc, trong đó có 04 nguyên tắc được sửa đổi và 03 nguyên tắc được bổ sung mới, theo đó:
- Đối với trường hợp cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu công chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận về từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm.
- Đối với trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng:
Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc công chức; nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì xem xét, quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định.
Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.
- Việc xác định hiệu lực quyết định xử lý kỷ luật:
Quyết định xử lý kỷ luật công chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp công chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức.
- Việc cử thành viên Hội đồng kỷ luật và chủ trì cuộc họp kiểm điểm: không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.
2. Quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (khoản 3 Điều 1)
Theo quy định mới, trường hợp người có hành vi vi phạm là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật sẽ không thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.
3. Quy định về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật (khoản 4 Điều 1)
Nghị định số 71/2023/NĐ-CP đã hướng dẫn quy định cụ thể về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng theo Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cụ thể:
- Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
- Xác định thời điểm có hành vi vi phạm: Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt. Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện. Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, giải quyết vướng mắc về việc xác định thời điểm có hành vi vi phạm, căn cứ để xác định thời hiệu xử lý kỷ luật mà Nghị định số 112/2020/NĐ-CP chưa quy định, hướng dẫn cụ thể.
- Trừ các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật (công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp), thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau: 05 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách (tăng 03 năm so với quy định cũ); 10 năm đối với hành vi vi phạm còn lại (tăng 05 năm so với quy định cũ).
- Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định (không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày). Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.
4. Quy định về các hành vi bị xử lý kỷ luật (khoản 5 Điều 1)
Theo quy định mới, bổ sung thêm quy định công chức có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính.
5. Quy định về áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với công chức (khoản 6 Điều 1)
Theo quy định mới, bổ sung thêm một số trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách: (1) Né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (2) Vi phạm quy định khác của Đảng liên quan đến cán bộ, công chức.
6. Quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức (khoản 10 Điều 1)
- Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp người đứng đầu, tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức thuộc một trong các trường hợp không được là thành viên Hội đồng kỷ luật.
- Đối với trường hợp công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật.
- Đối với công chức biệt phái, trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.
7. Quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức (khoản 11 Điều 1)
Theo quy định mới, bổ sung trường hợp công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật và trường hợp đã tổ chức kiểm điểm theo quy định của pháp luật và cá nhân đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình thì không tổ chức họp kiểm điểm.
Bổ sung trường hợp đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định; trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng (trừ trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất) thì không tổ chức họp kiểm điểm, không thành lập Hội đồng kỷ luật.
8. Quy định về tổ chức họp kiểm điểm đối với công chức (khoản 12 Điều 1)
Theo quy định mới, bổ sung trường hợp người có hành vi vi phạm vắng mặt nhưng có giấy đề nghị tổ chức cuộc họp vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành. Đồng thời, quy định cụ thể tại cuộc họp kiểm điểm không tiến hành biểu quyết, bỏ phiếu.
9. Quy định về thành phần Hội đồng kỷ luật công chức (khoản 13 Điều 1)
Theo quy định mới, các trường hợp theo quy định không được cử là thành viên Hội đồng kỷ luật công chức (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật) thì việc cử người thay thế sẽ thực hiện như sau:
- Trường hợp tất cả cấp ủy hoặc Ban chấp hành công đoàn thuộc một trong các trường hợp không được cử là thành viên Hội đồng kỷ luật thì cử 01 đại diện cơ quan cấp trên trực tiếp của cấp ủy hoặc 01 công chức của cơ quan trực tiếp sử dụng công chức có hành vi vi phạm thay thế.
- Trường hợp người đứng đầu hoặc tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức quy định là ủy viên Hội đồng kỷ luật thuộc một trong các trường hợp không được cử là thành viên Hội đồng kỷ luật thì cử 01 công chức của cơ quan trực tiếp sử dụng công chức có hành vi vi phạm thay thế.
- Trường hợp người đứng đầu, tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức quy định là Chủ tịch Hội đồng kỷ luật thuộc một trong các trường hợp không được cử là thành viên Hội đồng kỷ luật này thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó làm Chủ tịch Hội đồng.
10. Quy định về tổ chức họp Hội đồng kỷ luật công chức có hành vi vi phạm (khoản 14 Điều 1)
Theo quy định mới, chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập hợp phải được gửi tới công chức có hành vi vi phạm (giảm 02 ngày so với quy định cũ).
Hội đồng kỷ luật vẫn tiến hành họp đối với trường hợp: Công chức có hành vi vi phạm vắng mặt nhưng có giấy đề nghị tổ chức cuộc họp; Công chức có hành vi vi phạm vắng mặt ở cuộc họp theo giấy triệu tập lần thứ 2.
11. Quy định về điều khoản thi hành (Điều 2)
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm và đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày 15/11/2022 và trường hợp đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về hành vi vi phạm, đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng có hiệu lực trước ngày 15/11/2022 nhưng chưa xử lý kỷ luật hành chính thì áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 05 năm đối với hành vi vi phạm còn lại).
Đối với các hành vi vi phạm đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày 20/9/2023 thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện quy trình để xử lý; đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày 20/9/2023, còn trong thời hiệu nhưng chưa xử lý thì áp dụng quy định của Nghị định số 71/2023/NĐ-CP.
Không xem xét lại quyết định xử lý kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 20/9/2023, trừ trường hợp giải quyết khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật và quyết định khác về việc xử lý kỷ luật đã có hiệu lực trước ngày 20/9/2023.
Trên đây là những quy định mới về kỷ luật công chức trong Nghị định số 71/2023/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành). Có thể nói, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về kỷ luật công chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác kỷ luật công chức./.
 Lê Thị Thu Thảo, Thẩm tra viên, Vụ TCCB