Một số lưu ý về tạm đình chỉ công tác đối với công chức hệ thống Thi hành án dân sự

26/11/2024


Trong thời gian qua, công tác tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự (THADS) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS, khẳng định vị thế, vai trò của hệ thống THADS trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian này cũng đã phát sinh nhiều trường hợp công chức hệ thống THADS vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, có hành vi tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hình ảnh của người công chức, người đảng viên hệ thống THADS nói chung, hình ảnh, uy tín của cơ quan, đơn vị công chức đang công tác nói riêng. Công chức, đảng viên có hành vi vi phạm chắc chắn sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, nếu việc công chức vi phạm tiếp tục công tác có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý trách nhiệm hoặc để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử…thì cơ quan có thẩm quyền phải ra Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức. Tạm đình chỉ công tác không phải là hình thức xử lý kỷ luật, nó là biện pháp buộc công chức dừng thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời hạn nhất định, tuy nhiên, việc tạm đình chỉ công tác phải được thực hiện theo đúng quy định.
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019;
- Luật Phòng, chống tham nhũng;
- Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, được sửa đổi, bổ sung ngày 20/9/2023 (gọi tắt là Nghị định số 112/2020/NĐ-CP sửa đổi);
- Quy định 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; đã sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 (gọi tắt là Nghị định số 138/2020/NĐ-CP sửa đổi)[1].
2. Căn cứ tạm đình chỉ công tác
Các trường hợp công chức có thể bị tạm đình chỉ công tác được quy định tại khoản 1 Điều 68a Nghị định số 138/2020/NĐ-CP sửa đổi, cụ thể:
-  Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân;
-  Có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ;
- Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
-  Đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý hoặc nếu để tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật;
-  Đã bị xử lý kỷ luật đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
-  Có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền;
-  Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Nếu công chức thuộc các trường hợp nêu trên, thì cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý đối với trường hợp tạm đình chỉ khi bị tạm giam, tạm giữ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP sửa đổi thì “Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì đương nhiên bị tạm đình chỉ công tác, tạm đình chỉ chức vụ (nếu có); hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà được tại ngoại thì việc tạm đình chỉ công tác thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp giữ chức vụ thì tiếp tục bị tạm đình chỉ chức vụ cho đến khi có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền”. Như vậy, trường hợp công chức trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì đương nhiên bị tạm đình chỉ công tác, tạm đình chỉ chức vụ (nếu là công chức lãnh đạo quản lý), cấp có thẩm quyền sẽ không phải ra Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với các trường hợp này. 
3. Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác
Khoản 1 Điều 68a Nghị định số 138/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về thẩm quyền tạm đình chỉ công tác như sau:
- Đối với công chức lãnh đạo, quản lý do người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và quản lý thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
- Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức quyết định.
4.Quy trình xem xét tạm đình chỉ công tác
Quy trình xem xét việc tạm đình chỉ công tác đối với công chức được thực hiện như sau[2]:
- Chậm nhất là 02 ngày làm việc kể từ khi xác định có căn cứ tạm đình chỉ, cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ có trách nhiệm báo cáo, đề xuất người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ.
- Chậm nhất là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ, người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức.
5. Một số lưu ý khi xem xét tạm đình chỉ công tác
Thứ nhất, thời hạn tạm đình chỉ công tác là không quá 15 ngày làm việc,  trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài thêm thời gian tạm đình chỉ nhưng không quá 15 ngày làm việc.
Tuy nhiên, nếu việc tạm đình công tác được thực hiện theo văn bản đề nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền thì thời hạn tạm đình chỉ được thực hiện theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Quyết định tạm đình chỉ công tác sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác.
Thứ hai, trong trường hợp nếu tạm đình chỉ công tác không đúng quy định hoặc khi có kết luận công chức không vi phạm, chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày có đủ cơ sở, người đứng đầu phải ra Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý công chức. Các Quyết định tạm đình chỉ công tác và Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm đình chỉnh công tác (nếu có) phải được công bố trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức và gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ ba,  hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu công chức không bị xử lý kỷ luật thì công chức được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
Thứ tư, trong thời gian tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại; nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại. Trường hợp cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị tạm đình chỉ chức vụ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý[3].
Thứ năm, Quyết định tạm đình chỉ công tác là căn cứ để xem xét, xếp loại công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm công tác đó. Đây là quy định mới cần hết sức lưu ý liên quan đến việc đánh giá công chức.
Quá trình tham mưu thực hiện công tác quản lý cán bộ, công chức, khi nhận thấy có căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với công chức, Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Cục THADS, công chức thuộc Chi cục THADS được giao tham mưu về công tác tổ chức cán bộ phải kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức, bảo đảm đúng thời hạn, thủ tục theo quy định./. 
 

[1] Nghị định số 138/2020/NĐ-CP sửa đổi đã có riêng một Điều 68a để quy định về tạm đình chỉ công tác đối với công chức
[2] Khoản 4 Điều Điều 68a Nghị định số 138/2020/NĐ-CP sửa đổi
[3] Điều 41 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP sửa đổi