Tọa đàm Việt Nam - Lào về công tác thi hành án dân sự

12/03/2012
Chiều 8/3/2012, theo chương trình làm việc của đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam tại Bộ Tư pháp Lào, hai Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về Thi hành án dân sự dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Cha-Lơn Nhia-Pao-Hơ với sự tham dự của đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam, cán bộ Vụ quản lý Thi hành án (Bộ Tư pháp Lào), đại diện các Sở Tư pháp tỉnh Bu-Li-Khăm-Xay, Thủ đô Viêng-Chăn và tỉnh Viêng-Chăn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp Việt Nam) Nguyễn Thanh Thủy đã giới thiệu về hoạt động và tổ chức thi hành án dân sự Việt Nam trước và sau khi có Luật Thi hành án dân sự năm 2008, cùng kết quả, khó khăn, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự của Việt Nam. Trước sự quan tâm của các bạn Lào Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy căn cứ theo qui định của pháp luật và thực tiễn thi hành án dân sự ở Việt Nam để lần lượt giải đáp những vấn đề về điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại, nguồn ngân sách cho công tác thi hành án dân sự..., tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án như thế nào vì ở Lào, người dân không muốn mua tài sản thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự ở Bộ Tư pháp có tổ chức thi hành án hay chỉ làm công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, giải quyết trường hợp người phải thi hành án trốn thi hành án như trường hợp công dân Lào phải thi hành án tại Việt Nam nhưng trốn về Lào và ngược lại…

 

Làm rõ thêm vấn đề giải quyết các trường hợp công dân Lào phải thi hành án tại Việt Nam nhưng trốn về Lào và ngược lại, ông Nguyễn Khánh Ngọc – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tư pháp Việt Nam) khẳng định, Việt Nam và Lào đã có cơ chế để giải quyết những trường hợp này thông qua Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự (năm 1998). Song vì nhiều lý do, Hiệp định này chưa được thực hiện hiệu quả khiến nhiều vụ việc cần thi hành bị tồn đọng (theo số liệu thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự còn 74 việc liên quan đến đến công dân Lào chưa được thi hành). Do vậy, hai Bộ Tư pháp cần trao đổi để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Trước những thông tin về thực tiễn trong hoạt động và tổ chức thi hành án dân sự của Việt Nam, Bộ trưởng Cha - Lơn Nhia - Pao - Hơ cho rằng đó là những thông tin và kinh nghiệm quí báu cho Lào giải quyết những vấn đề đang “vướng” trong quá trình hoàn thiện tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự. Bộ trưởng cũng mong rằng, sẽ ngày càng tăng cường chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa hai Bộ Tư pháp và hai ngành Thi hành án dân sự Việt Nam – Lào./.

H.Giang