Tuy nhiên, công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Cục hiện nay còn có những mặt hạn chế, do chưa có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể, nên công tác điều động, luân chuyển cán bộ mới thực hiện ở một số vị trí, chưa trở thành hoạt động thường xuyên. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa có nhận thức đúng về công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Có đồng chí khi luân chuyển còn suy tính cá nhân hoặc ngại khó, ngại khổ mà chưa nhận thức đúng về sự cần thiết và ý nghĩa của việc luân chuyển cán bộ.
Từ những kinh nghiệm trong luân chuyển, điều động cán bộ những năm qua, để tiếp tục chủ động về công tác cán bộ, đồng thời thực hiện việc phân công, sử dụng, đào tạo cán bộ hợp lý, hiệu quả, thực hiện khâu đột phá là công tác cán bộ, ngày 09/9/2011 Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch số 81/KH-CTHADS về công tác điều động, luân chuyển cán bộ công chức ngành thi hành án dân sự tỉnh.
Cục THADS xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký và các cán bộ, công chức khác trong ngành nhằm chủ động tạo nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, được rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng yêu cầu công.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ
1. Mục đích, yêu cầu
Điều động công chức là để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của lãnh đạo cơ quan hoặc để chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật.
Luân chuyển là để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng công chức của lãnh đạo cơ quan.
Tạo điều kiện để bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của ngành Thi hành án trong toàn tỉnh.
Từng bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là đơn vị có khó khăn về công tác cán bộ.
Đưa công tác điều động, luân chuyển cán bộ dần trở thành việc làm bình thường và thường xuyên, phá bỏ những quan điểm và thói quen lạc hậu trong công tác cán bộ hiện nay như: khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị; tâm lý thoả mãn, trì trệ của nhiều cán bộ chỉ muốn chọn nơi công tác dễ dàng, muốn ổn định chức vụ hoặc lên chức nhưng không chịu nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ và hiệu quả công tác.
Chủ động tạo nguồn cán bộ, thực hiện chuẩn hoá cán bộ lãnh đạo các cấp, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực trong những năm tiếp theo của ngành thi hành án tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Phương châm, nguyên tắc điều động, luân chuyển cán bộ
Việc điều động, luân chuyển cán bộ phải giải quyết tốt quan hệ giữa điều động, luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
Coi trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt về tư tưởng, thống nhất nhận thức để tự giác, quyết tâm thực hiện; vừa làm tốt công tác động viên, khuyến khích tính tự giác của cán bộ, vừa yêu cầu cán bộ, đảng viên nghiêm túc chấp hành quyết định điều động, luân chuyển.
Chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị, không muốn nhận người từ các đơn vị khác được điều động, luân chuyển đến; ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện không lành mạnh như cô lập, gây khó khăn, làm giảm uy tín người được điều động, luân chuyển tới, hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ để đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực, nhưng không hợp với mình đi nơi khác.
Chỉ thực hiện điều động, luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức nằm trong diện quy hoạch có triển vọng phát triển, có khả năng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đối với cán bộ công chức khác, tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ, lãnh đạo Cục sẽ quyết định điều động đến đơn vị mới để phù hợp với điều kiện công tác cũng như để đáp ứng tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức của ngành. Trong một số trường hợp đặc biệt như cán bộ, công chức có trình độ năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển thì điều động về những địa bàn có lượng án ít và đơn giản nhằm tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.
II. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN, HÌNH THỨC, ĐỘ TUỔI VÀ THỜI HẠN ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN
1. Đối tượng điều động, luân chuyển
Cán bộ, công chức là lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo các chi cục và cán bộ, công chức trong diện quy hoạch chức danh lãnh đạo.
Cán bộ, công chức khác thuộc diện quản lý của Cục Thi hành án dân sự.
Đối với việc điều động, luân chuyển có thể bổ nhiệm chức danh trước khi đến đơn vị mới hoặc giữ nguyên chức danh cũ để thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện thử thách cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển toàn diện hơn về các mặt công tác, nhất là cán bộ mới được bổ nhiệm.
2. Địa bàn điều động, luân chuyển
Căn cứ nhu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức các ngạch Chấp hành viên, thẩm tra viên và thư ký thi hành án của các đơn vị, đồng thời cân nhắc yếu tố đi lại từ nơi cư trú đến nơi làm việc, lãnh đạo Cục THADS thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị trực thuộc ( Trong nội bộ cơ quan văn phòng Cục; từ Cục về các Chi cục hoặc ngược lại; giữa các Chi cục với nhau ).
Cán bộ, công chức có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa trên 10 năm cần được xem xét để chuyển về các địa bàn đồng bằng ( nếu phù hợp với các điều kiện của cán bộ, công chức ).
Trước mắt tập trung lựa chọn một số đơn vị trọng điểm có nhiều án hoặc có án phức tạp; một số đơn vị còn yếu về công tác quản lý, điều hành và các đơn vị còn thiếu cán bộ để thực hiện việc điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ một cách hợp lý.
3. Độ tuổi điều động, luân chuyển
3.1. Điều động:
Căn cứ vào điều kiện, yêu cầu của nhiệm vụ công tác, lãnh đạo Cục sẽ quyết định điều động mà không phụ thuộc vào yếu tố tuổi tác.
3.2. Luân chuyển:
Đối với lãnh đạo các phòng chuyên môn, lãnh đạo các chi cục và trong diện quy hoạch chức danh cấp Trưởng độ tuổi không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ. Cấp Phó hoặc trong diện quy hoạch chức danh cấp Phó độ tuổi không quá 50 tuổi ( đối với cả Nam và Nữ ).
Đối với công chức khác, trên cơ sở năng lực của từng cá nhân và nhu cầu công việc cụ thể để có kế hoạch điều động, luân chuyển phù hợp.
4. Thời hạn luân chuyển
Thời hạn luân chuyển tối thiểu từ 3 (ba) năm trở lên.
Trường hợp cần thiết, do nhu cầu của việc sắp xếp, bố trí cán bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự sẽ quyết định việc rút ngắn thời gian luân chuyển sớm hơn thời hạn trên.
Cụ thể theo kế hoạch đến Quý IV năm 2011 Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện công tác điều động, luân chuyển một số cán bộ là lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo các Chi cục; một số Chấp hành viên, thư ký thi hành án. Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo, bồi dưỡng, phục vụ lâu dài với việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi, cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ đến năm 2020 theo Kết luận của Hội nghị TƯ 9 (khóa X), phải phấn đấu để công tác điều động, luân chuyển cán bộ trở thành nền nếp, thường xuyên và có chất lượng.
Thanh Hải