Sau 2 năm triển khai Luật THADS, TP. Hồ Chí Minh đã thi hành xong 86.740 việc, đạt tỷ lệ 87%, thu số tiền hơn 6320 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 70% trên số có điều kiện thi hành. Hiện nay tổ chức bộ máy đã cơ bản hoàn chỉnh với 1 Cục trưởng, 4 Phó Cục trưởng, các phòng chuyên môn, các chức danh tư pháp như Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp, thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thư ký THA và các chức danh khác.
Toàn thành phố hiện được giao 614 biên chế, hiện cò thiếu 11. Trong hai năm 2010, 2011 thành phố đã tổ chức 4 kỳ thi tuyển công chức đã tuyển được 125 công chức. Đồng thời tiếp nhận 15 trường hợp từ các đơn vị khác, giúp bổ sung lực lượng làm công tác THADS tại TP.
- Nhiều năm trước, TP. Hồ Chí Minh luôn “than” quá tải công việc. Với kiện toàn bộ máy như năm vừa qua, tình trạng này đã được khắc phục chưa, thưa ông?
Tình trạng quá tải công việc ở TP. Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn tồn tại. Mỗi năm 1 Chấp hành viên của chúng tôi phải giải quyết 350 hồ sơ với số tiền hơn 20 tỷ đồng. TPHCM đã áp dụng biệt phái chấp hành viên từ quận ít án đến quận nhiều án, thành lập các tổ công tác giải quyết án tồn đọng nhưng vẫn chưa dứt điểm tình trạng quá tải. Tôi cho rằng, cần có cơ chế biệt phái Chấp hành viên từ địa phương có lượng án ít đến nơi có án nhiều. Có thể điều vài chục Chấp hành viên từ các địa phương khác đến TP. Hồ Chí Minh trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm, việc biệt phái này một số ngành (như Tòa án) đã làm nhưng ta thì chưa.
- Nguyên nhân dẫn đến hạn chế của THADS, nhiều ý kiến cho rằng một phần do những bất cập của Luật THADS, ông có đồng quan điểm?
Đúng vậy. Luật THADS có hiệu lực trên 2 năm nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành đầy đủ, một số quy định thiếu rõ ràng, cần được hướng dẫn; Thủ tục THADS còn rườm rà, kéo dài; Các quy định cho phép người được THA thực hiện quyền xác minh điều kiện THA của người phải THA chưa khả thi do trình tự, thủ tục thực hiện chưa được quy định rõ và sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng còn hạn chế; Cơ chế thực hiện thỏa thuận trong THA còn nhiều nhưng lại ít hiệu quả, làm hạn chế tác dụng răn đe của việc cưỡng chế THA. Sửa đổi Luật THADS trong giai đoạn này là cần thiết
Nên có cơ chế khuyến khích chấp hành viên làm Thừa phát lại
- Chế định Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh theo đánh giá của Bộ Tư pháp bước đầu có hiệu quả, được xã hội đón nhận. Tuy nhiên, cái khó của thừa phát lại hiện nay là kinh nghiệm. Theo ông, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
THADS là công việc khó khăn, phức tạp, bản thân chế định thừa phát lại chúng ta cũng mới làm thí điểm nên việc thừa phát lại chưa có kinh nghiệm cũng là chuyện dễ hiểu. Tôi cho rằng, cần xây dựng một số người có đạo đức năng lực trong cơ quan THA, động viên, thuyết phục họ ra làm nòng cốt cho các Văn phòng thừa phát lại. Nếu chấp hành viên muốn ra hẳn để làm thừa phát lại thì cần tạo điều kiện cho họ ra. Còn nếu họ muốn quay về thì cũng cần có cơ chế để tiếp nhận. Ta giao nhiệm vụ trong thời gian thí điểm thì dứt khoát phải xây dựng đội ngũ thừa phát lại có năng lực, trình độ và kinh nghiệm như Chấp hành viên.
- Nhưng để ra làm thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm như hiện nay, chắc chắn đại đa số chấp hành viên sẽ không muốn?
Vì thế tôi mới nói phải có nhiều cơ chế động viên khuyến khích cả về vật chất lẫn tinh thần để họ vui vẻ đi. Với việc vận hành chế định thừa phát lại như hiện nay, nếu nhà nước đầu tư, chăm lo tôi cho rằng sẽ thành công
- Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng (thực hiện)