Công tác thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi năm 2007

09/11/2007

Theo số liệu báo cáo thống kê, chúng tôi được biết trong những năm qua, đặc biệt là năm 2007, công tác thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi luôn đạt và vượt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra



Cụ thể trong năm 2007 (từ ngày 01/10/2006 đến ngày 29/9/2007) các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã thi hành xong 2934 việc trên 4185 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 70% so với số việc có điều kiện thi hành (đạt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra); tương ứng với tổng số tiền đã thu được 26.536.813.000 đồng (thực thu) trên 43.553.336.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 68% so với số tiền có điều kiện thi hành (vượt 13% chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra). Bên cạnh đó, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi cũng tiếp tục đẩy mạnh việc Chuyển giao án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành đạt từ 70 – 80% cả tiền và việc, làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng ở các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn tỉnh.

Để tìm hiểu công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2007, chúng tôi đã gặp ông Phan Tấn Nộ – Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi và được ông cho biết: “phát huy những thành tích đạt được trong nhiều năm qua, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi ra sức khắc phục những khó khăn tồn tại; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự; Chỉ thị số 01/2007/CT-BTP ngày 23/01/2007 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007, trong đó có công tác thi hành án dân sự với quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp phát động. Để làm được điều đó, ngay từ đầu năm 2007 chúng tôi (lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh) tranh thủ sự quan tâm quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự; Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp – Phó ban trực Ban chỉ đạo Thi hành án và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh – Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thuộc tỉnh … và đã triển khai, quán triệt cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh xây dựng chương trình hành động, lập kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Chấp hành viên và công chức khác cơ quan Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và theo dõi tiến độ thực hiện với mục tiêu kiên quyết đưa ra thi hành 100% vụ việc có điều kiện thi hành, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án khó, phức tạp, kéo dài nhiều năm. Chính từ những hoạt động thiết thực đó, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh tăng lên đáng kể, luôn đạt và vượt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra; cụ thể trong năm 2007 (từ ngày 01/10/2006 đến ngày 29/9/2007) các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã thi hành xong 2934 việc trên 4185 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 70% so với số việc có điều kiện thi hành (đạt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra); tương ứng với tổng số tiền đã thu được 26.536.813.000 đồng (thực thu) trên 43.553.336.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 68% so với số tiền có điều kiện thi hành (vượt 13% chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra).

Như để diễn giải cho thành tích chung của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2007, ông Phan Tấn Nộ còn bộc bạch: “trong năm qua, những cơ quan Thi hành án dân sự đóng góp nhiều nhất vào thành tích chung của công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh có thể kể đến như: Thi hành án dân sự tỉnh; Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi; Thi hành án dân sự các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng, Nghĩa Hành… nhưng tiêu biểu nhất vẫn là Thi hành án dân sự tỉnh”. Nói đến đây, như thoáng thấy vẻ mặt khó hiểu của chúng tôi, ông Phan Tấn Nộ lại tiếp: “ở Thi hành án dân sự tỉnh, ngoài nhiệm vụ tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, chúng tôi còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: tổ chức áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự tại địa phương; chỉ đạo hoạt động thi hành án đối với Thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án cho chấp hành viên, công chức khác của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trên địa bàn tỉnh; hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, báo cáo Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên xem xét, tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương; tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo thi hành án dân sự trên địa bàn toàn tỉnh; quản lý cán bộ, công chức, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật và của Bộ Tư pháp; thực hiện chế độ, chính sách, công tác thi đua khen thưởng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, tập thể thuộc thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc theo quy định của pháp luật và của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp; giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; và nhiều nhiệm vụ khác nữa … rõ ràng, công việc nhiều, nhưng biên chế của chúng tôi chỉ có 20 người thì làm sao “kham nổi”. Vậy mà, chúng tôi đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong công tác tổ chức thi hành án, chúng tôi (Thi hành án dân sự tỉnh) đã thi hành xong 214 việc trên 267 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 80,2% so với số việc có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra là 10,2%); tương ứng với tổng số tiền đã thu được 18.550.443.000 đồng (thực thu) trên 22.045.357.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 84,2% so với số tiền có điều kiện thi hành (vượt 29,2% chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp đề ra); Bên cạnh đó, trong năm qua các mặt công tác khác luôn được chúng tôi chú trọng hoàn thành, như: Việc giải quyết khiếu nại tố cáo luôn đảm bảo đúng pháp luật, không để tình trạng khiếu nại bức xúc kéo dài, vượt cấp, gây mất lòng tin trong nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đối với những vụ việc phức tạp, chúng tôi tham mưu kịp thời cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh có những quyết sách đúng đắn giải quyết các vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, do vậy đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu nại phức tạp kéo dài; Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự luôn được thực hiện, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đã tổ chức các Hội nghị triển khai pháp luật thi hành án dân sự cho toàn thể cán bộ, chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự, cho cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn … Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông qua chuyên mục “ Giải đáp chế độ chính sách” để giải đáp những thắc mắc của nhân dân về pháp luật thi hành án dân sự. Thông qua Báo Quảng Ngãi, Đặc San Tư pháp… thường xuyên có những bài viết về pháp luật. Ngoài ra, trong năm 2007, chúng tôi đã phát động cho toàn thể Chấp hành viên và công chức khác của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động về quỹ đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt … đặc biệt thường xuyên quyên góp để gây quỹ nhằm giúp đỡ cán bộ, Chấp hành viên gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc bị tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo trong cuộc sống…”

Chia sẻ kinh nghiệm về thành quả đạt được, ông Phan Tấn Nộ thổ lộ: “Trước hết là công tác xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức cán bộ trong toàn tỉnh luôn được chúng tôi chú trọng cả về chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát từng hoạt động của Chấp hành viên và công chức khác để kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót trong hoạt động tác nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án; đồng thời, cũng phải kể đến tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của mỗi cán bộ công chức luôn vượt khó, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thái độ, điều kiện kinh tế và tình hình thu nhập của từng đối tượng thi hành án để có kế hoạch, biện pháp thi hành; Mặt khác, như tôi đã nói lúc đầu đó là chúng tôi đã tranh thủ được sự quan tâm quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự; Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp – Phó ban trực Ban chỉ đạo Thi hành án và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh – Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thuộc tỉnh trong quá trình tổ chức thi hành án; đồng thời quán triệt chủ trương chỉ đạo của Giám đốc Sở Tư pháp – Phó Ban trực ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh “án đã có hiệu lực pháp luật phải được tổ chức thi hành, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và quy trình giải quyết án; cần đôn đốc, động viên, giáo dục và thuyết phục để người thi hành án tự nguyện thi hành; nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng chây ỳ, không chịu thi hành án thì kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để buộc họ thực hiện nghĩa vụ của mình ”. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo đó, trong năm qua các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết xong nhiều vụ việc mà người phải thi hành án sau khi được Chấp hành viên cơ quan Thi hành án động viên, thuyết phục đã tự nguyện thi hành án, như: vụ ông Đào Văn Tần, Lê Văn Son; vụ Phan Ngọc Quang, Đỗ Thị Thuỷ; vụ Bùi Văn Nam … Tuy nhiên, các cơ quan Thi hành án cũng kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án và đã được động viên, thuyết phục nhưng vẫn không tự nguyện thi hành án, như: vụ cưỡng chế buộc bà Cao Thị Liên phải giao trả lại ngôi nhà số 61 Nguyễn Công Phương cho ông Tạ Thân (do bà Phan Thị Thiểu uỷ quyền); vụ cưỡng chế kê biên định giá và xử lý nhà và đất của ông Nguyễn Kim Khôi; vụ cưỡng chế kê biên định  giá và xử lý tài sản của Công ty cổ phần thương mại – sản xuất – xuất nhập khẩu Margarmex … giữ vững kỷ cương pháp luật, đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, tạo lòng tin đối với nhân dân trong việc chấp hành pháp luật…”

Nói về những thành tích đã được Hội đồng thi đua khen thưởng ghi nhận trong những năm qua và trong phong trào thi đua – khen thưởng năm 2007, ông Phan Tấùn Nộ còn cho biết thêm: “Từ những kết quả đạt được trong những năm qua, Thi hành án dân sự tỉnh và Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thuộc tỉnh luôn được Bộ Tư pháp; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể và cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đáng chú ý và trân trọng hơn cả là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc của ngành tư pháp năm 2005; tập thể cơ quan Thi hành án dân sự huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc của ngành tư pháp năm 2006. Với những thành tích đã đạt được trong năm 2007, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã được Hội đồng thi đua khen thưởng Thi hành án dân sự tỉnh thống nhất đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng Khu vực Duyên hải Miền trung và Tây nguyên bình bầu đề nghị Bộ Tư pháp tặng Cờ Thi đua đơn vị xuất sắc của ngành tư pháp năm 2007 và Hội đồng thi đua khen thưởng Thi hành án dân sự tỉnh thống nhất đề nghị Bộ Tư pháp; UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2007 cho tập thể và cá nhân các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm”.

Tạm biệt công tác thi hành án dân sự năm 2007 để hướng đến những nghiệm vụ mới trong năm 2008. Chúng tôi mong rằng với những thành tích đã đạt được trong năm 2007, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi nói chung và cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi nói riêng sẽ được Hội đồng thi đua khen thưởng ghi nhận và khen thưởng xứng đáng để làm món quà động viện, khích lệ cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng của cán bộ, công chức trong năm 2007./.

Huy Ân – Văn Xông