THADS tỉnh Bình Định: Nhìn lại kết quả công tác sau 15 năm thành lập

16/06/2008

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, giữa năm 1993 các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc nói chung được thành lập. Cùng với đó, các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Bình Định được thành lập vào tháng 6 năm 1993 (ở tỉnh gọi Phòng Thi hành án, ở huyện, thành phố gọi là Đội thi hành án) tách từ Phòng Thi hành án thuộc Toà án nhân dân tỉnh, bộ phận thi hành án thuộc Toà án nhân dân cấp huyện chuyển sang.



 Toàn tỉnh, được thành lập 12 cơ quan Thi hành án dân sự theo cấp hành chính (tỉnh 01, ở huyện, thành phố: 11), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/1993. Số lượng cán bộ, công chức lúc bấy giờ chủ yếu  từ Toà án chuyển sang là 31 người, trong đó có 21 chấp hành viên, 10 cán bộ và các chức danh khác. Đến cuối năm 1993 số lượng cán bộ, công chức tăng lên 47 người, trong đó 27 Chấp hành viên, 20 cán bộ và các chức danh khác. Trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức lúc mới thành lập nhìn chung chưa đáp ứng theo yêu cầu, trong đó: đại học 10 người, số còn lại có trình độ trung cấp và luân huấn. Sau khi thành lập, về mặt tổ chức Phòng thi hành án tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án các huyện, thành phố trực thuộc Phòng Tư pháp. Sở Tư pháp tỉnh thực hiện việc quản lý cơ quan Thi hành án theo Quyết định số: 141/QĐ-QLTA, ngày 21/3/1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

                Thực hiện Pháp lệnh thi hành án năm 2004 và Nghị định số: 50/2005/NĐ-CP, ngày 11/4/2005 của Chính phủ qui định về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự đã có nhiều đổi mới. Công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định được bàn giao cho Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh quản lý trực tiếp, trên cơ sở đó tham mưu, giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện việc quản lý một số mặt về công tác tổ chức, cán bộ theo Quyết định số: 1148/QĐ-BTP, ngày 18/5/2005 của Bộ Tư pháp uỷ quyền. Cùng với đó, Phòng thi hành án của tỉnh được đổi tên thành Thi hành án dân sự tỉnh, Đội thi hành án huyện, thành phố thành Thi hành án dân sự huyện, thành phố. Đến nay, biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh được Bộ Tư pháp phân bổ là: 130 biên chế, có mặt làm việc: 113 biên chế (trong đó có 76 đảng viên), trình độ chuyên môn so với những năm trước có sự nâng lên, cơ bản đáp ứng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và công việc giao, trong đó có: 82 đại học, 29 trung cấp, 02 luân huấn. Trình độ chính trị: có 06 cao cấp, 29 trung cấp. Khi mới thành lập, trụ sở làm việc chủ yếu mượn hoặc được địa phương giao những cơ sở cũ để hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác thi hành án còn nhiều thiếu thốn, tạm bợ, không đáp ứng theo yêu cầu công việc mới. Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và quyết tâm của lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, đến nay trụ sở các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đều đã xây dựng mới, khang trang, đáp ứng phòng làm việc cho từng đơn vị; mua sắm mới các trang thiết bị phục vụ cho công tác, cơ bản đã đáp ứng cho công việc được giao. Đến nay, về mặt tổ chức, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh cơ bản đã ổn định, trình độ nói chung của cán bộ, công chức và Đảng viên được nâng lên rõ rệt, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã thành lập 3 phòng chuyên môn trực thuộc, đó là: Phòng  Tổ chức hành chính, tổng hợp và tài vụ, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự và Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, bước đầu đã đi vào hoạt động đạt kết quả tốt. Đặc biệt, do tính chất công việc đặc thù, nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, giữa năm 2007 Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định được tách Công đoàn từ Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thành lập Công đoàn Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định (các huyện là Công đoàn trực thuộc) trực thuộc Công đoàn viên chức tỉnh Bình Định. Hiện nay, đã và đang lập thủ tục đề nghị Cấp uỷ Đảng có thẩm quyền tách và thành lập Chi bộ Thi hành án dân sự tỉnh trực thuộc Đảng uỷ dân chính đảng (hiện Chi bộ THADS tỉnh là Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Sở Tư pháp) nhằm lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tính chất công việc được giao (hiện tại đã có 02 Chi bộ Thi hành án dân sự huyện trong tỉnh tách và thành lập Chi bộ độc lập).

 Trong 15 năm qua, mặc dù còn có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, lượng án tồn và án phát sính ngày càng nhiều, biên chế còn thiếu nhưng với lòng quyết tâm của tập thể các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã phấn đấu hoàn thành tốt các mặt công tác được giao, triển khai thực hiện nhiều chương trình kế hoạch có hiệu quả, đề ra nhiều biện pháp để xử lý dứt điểm số lượng án tồn đọng, án có khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp nhận và tổ chức thi hành án, hàng năm nhất là những năm gần đây, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh tiếp nhận từ 6000 đến 7.000 việc từ Toà án chuyển sang, đưa tổng số án thụ lý thi hành hàng năm lên đến gần 11.000 việc, trung bình mỗi chấp hành viên phải thụ lý thi hành: 234 việc/năm. Trong đó, cao nhất là Chấp hành viên Thi hành án dân sự thành phố Qui Nhơn gần 500 việc/năm, ở các huyện đồng bằng từ 150 đến 350 việc/năm, các huyện miền núi từ 50 đến 70 việc/năm. Mặc dù vậy, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp uỷ, chính quyền địa phương và của lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh, sự nỗ lực, tận tâm của cán bộ công chức thi hành án, hàng năm các cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành án đạt trên 80% về việc và hơn 60% về tiền (vượt chỉ tiêu của Bộ Tư pháp đề ra 75% về việc và 55% về tiền). Trong đó nổi bật nhất là đã giải quyết và chỉ đạo giải quyết dứt điểm  nhiều vụ việc thi hành án có khiếu nại phức tạp kéo dài như vụ Bùi Văn Thìn và Thái Thị Nữ (Phù Cát), vụ Nguyễn Văn Chính và bà Nguyễn Thị Lầu (Hoài Nhơn), vụ Nguyễn Tuấn Vũ - Đặng Thị Mỹ Dung (Qui Nhơn) v.v.

Trong 15 năm qua, tổng số án thụ lý thi hành               : 57.089 việc;

                Số việc đã giải quyết xong                                                 : 52.628 việc;

                Số tiền phải thi hành                                                                           : 407.708.185.000đ;

                Số tiền đã giải quyết xong                                                  : 295.492.012.000đ.

                Nhiều vụ việc phức tạp, khó thi hành, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt Ban chỉ đạo thi hành án, của lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh và sự năng động, sáng tạo của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án đã tổ chức hành dứt điểm, trả lại những thiệt hại về vật chất và tinh thần theo bản án tuyên cho người được thi hành án và những người có liên quan. Điển hình là việc tổ chức thi hành các vụ việc có chống đối, như: Bản án số: 55/DS-PT, ngày 22/9/2004 của TAND tối cao tại Đà Nẵng buộc ông Lê Thanh Chiểu, trú tại Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định phải giao lại nhà thờ họ Lê cho bà Lê Thị Thanh Yến quản lý. Khi tổ chức thi hành án, gia đình ông Lê Thanh Chiểu có hành vi chống đối quyết liệt, nhưng với sự chỉ đạo của lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế giao cho bà Lê Thị Thanh Yến quản lý theo đúng bản án tuyên. Một vụ việc điển hình  khác, thi hành Bản án số: 71/DSPT, ngày 03/12/2005 của Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng buộc ông Nguyễn Máy (Phước Hoà, Tuy Phước) phải giao lại ngôi nhà toạ lạc tại thôn Kim Tây, Phước Hoà, Tuy Phước cho ông Trần Bá Ngưu sở hữu. Quá trình thi hành án, Chấp hành viên đã nhiều lần giải thích, động viên cho người phải thi hành án nhưng gia đình ông Nguyễn Máy cương quyết không tự nguyện giao. Mặt khác, lại có hành vi hăm doạ, thách thức, chống đối cơ quan thi hành án. Để thực hiện đúng theo bản án tuyên, chấp viên đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án, trước khi tổ chức cưỡng chế, gia đình của ông Nguyễn Máy có hành vi tụ tập đông người nhằm chống đối, gây cản trở cho việc tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, với sự khôn khéo của Chấp hành viên, sự phối hợp nhiệt tình của chính quyền địa phương đã tiếp tục động viên, giải thích quyền và nghĩa vụ trong việc thi hành bản án. Với những chứng lý thuyết phục, thấu tình đạt lý, gia đình ông Nguyễn Máy không còn cách nào khác đã tự nguyện giao ngôi nhà nói trên cho ông Trần Bá Ngưu sở hữu theo qui định của pháp luật.

                Đối với công tác nghiệp vụ và tổ chức thi hành án của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định trong những năm qua luôn bám sát các qui định của pháp luật về thi hành án, tổ chức thi hành theo đúng trình tự thủ tục qui định. Chú trọng đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Sau khi tiếp nhận đơn đã nhanh chóng phân loại, phân công cán bộ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, làm rõ đúng sai để ra quyết định giải quyết khách quan, đúng qui định của pháp luật.

                Với những kết quả đã đạt được nói trên, trong 15 năm qua các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã được Chính phủ tặng 02 cờ thi đua (đối với tập thể), 05 Bằng khen đối với cá nhân, công nhận 01 chiến sỹ thi đua toàn quốc; Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng 04 cờ thi đua và 18 bằng khen cho các tập thể, 03 chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp và 58 Bằng khen cho các cá nhân; UBND tỉnh tặng 11 Bằng khen đối với tập thể, 42 bằng khen đối với cá nhân. Riêng Thi hành án dân sự tỉnh nhiều năm liền được Bộ Tư pháp công nhận là tập thể lao động xuất sắc. Ngoài ra, hàng năm các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh được Giám đốc Sở Tư pháp và Trưởng thi hành án dân sự tỉnh công nhận từ 15 đến 20 chiến sỹ thi đua cơ sở; Quyết định tặng thưởng giấy khen theo đợt thi đua và năm công tác; công nhận tập thể lao động tiên tiến và danh hiệu lao động tiên tiến cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích tốt trong công tác.

                Kết quả nói trên trước hết là nhờ sự nỗ lực phấn đấu công tác của toàn thể cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định, sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, sự phối hợp nhiệt tình của các ngành có liên quan. Thời gian đến, tập thể các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định tiếp tục vận dụng đúng các qui định của pháp luật, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn, đề ra các biện pháp giải quyết tốt từng vụ việc thi hành án, sẵn sàng và quyết tâm đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu đưa kết quả công tác thi hành án của toàn tỉnh cao hơn, hoàn thành xuất sắc các mặt công tác được giao.  

Võ Công Hoàng