Để lập thành tích chào mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2009) và chào mừng ngày thành lập ngành Tư pháp (28.8.1945 - 28.8.2009). Mỗi cán bộ công chức Thi hành án dân sự thành phố đến quận, huyện phải nhận thức đầy đủ của phong trào thi đua, tích cực thi đua rèn luyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả công việc được giao. Phong trào thi đua phải thể hiện sự nỗ lực của từng Chấp hành viên, cán bộ công chức và phải đạt các chỉ tiêu công tác được giao.
Phong trào thi đua đợt thi hành án cao điểm được chia thành 02 đợt, cụ thể:
Đợt 1: Từ nay đến ngày 19.5.2009 các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố phấn đấu tổ chức thi hành xong trên 70% về việc và trên 50% về giá trị trên tổng số việc, giá trị có điều kiện thi hành.
Đợt 2: Từ 20.5.2009 đến ngày 28.8.2009 các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố phấn đấu tổ chức thi hành xong trên 80% về việc và trên 60% về giá trị trên tổng số việc và giá trị có điều kiện thi hành.
Trưởng Thi hành án dân sự quận, huyện thuộc thành phố triển khai các nội dung công việc sau:
Căn cứ chỉ tiêu đã được giao theo Kế hoạch công tác thi hành án năm 2009 ban hành tại Quyết định số 350/QĐ-THA ngày 06.02.2009 của Thi hành án dân sự thành phố cho Thi hành án dân sự quận, huyện; Trưởng Thi hành án dân sự quận, huyện lập kế hoạch giao cụ thể cho từng Chấp hành viên, chuyên viên và thường xuyên đôn đốc các Chấp hành viên, chuyên viên được phân công tổ chức xác minh rà soát phân loại và đưa những vụ, việc có điều kiện thi hành ra thi hành dứt điểm. Đặc biệt, những vụ việc có điều kiện thi hành có giá trị lớn cần tập trung tổ chức thi hành ngay nhằm nâng cao kết quả thi hành án về giá trị.
Tập trung cưỡng chế dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng đương sự cố tình dây dưa, không chấp hành án. Xử lý các tài sản đã kê biên đảm bảo thi hành án đúng quy định.
Đối với án được phân loại lý do khác (án tuyên không rõ, chưa thống nhất ý kiến với các cơ quan hữu quan trong giải quyết việc thi hành án, tài sản kê biên hoặc phải giao chưa xử lý được, tạm ngừng thi hành án để giải quyết khiếu nại) các đơn vị phải phân loại, có số liệu rõ ràng, đề xuất chỉ đạo giải quyết.
Rà soát, xác minh, lập danh sách các vụ, việc thi hành án có khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000đồng mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm tính đến thời điểm Luật thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 01.7.2009 nhưng không có điều kiện thi hành, đề nghị xét miễn thi hành án theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội.
Giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định, xử lý kịp thời, dứt điểm các đơn thư khiếu nại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Trưởng Thi hành án dân sự quận, huyện có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong việc tổ chức thi hành án những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng không tổ chức thi hành để kéo dài không có lý do chính đáng thì tổ chức kiểm điểm xử lý nghiêm túc; đồng thời xử lý những Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp để xảy ra sai sót, vi phạm Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên.
Yêu cầu các Trưởng Thi hành án dân sự quận, huyện và Trưởng phòng chuyên môn thuộc Thi hành án dân sự thành phố tổ chức phát động phong trào thi đua, quán triệt kế hoạch 617/KH-THA ngày 22.3.2009 và công văn số 661/THA-HC.TH.TV ngày 15.4.2009 của Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đến toàn thể cán bộ công chức đơn vị, triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả đợt thi đua thi hành án cao điểm năm 2009. Qua hai đợt thi đua, các đơn vị đề xuất biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự để rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình trong phạm vi cơ quan Thi hành án dân sự. Trưởng Thi hành án dân sự quận, huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc phong trào thi đua của đơn vị, kịp thời đề xuất, kiến nghị những vướng mắc để công tác thi đua của Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng đạt hiệu quả./.
Lâm Hồng Anh