Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định thường xuyên chỉ đạo và phối hợp Trưởng thi hành án dân sự tỉnh kiểm tra, đôn đốc và kiện toàn công tác tổ chức của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự; xây dựng kế hoạch và đề nghị Bộ Tư pháp phân bổ chỉ tiêu, biên chế cho Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong tỉnh. Hàng năm, trên cơ sở biên chế Bộ Tư pháp phân bổ, theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Quyết định giao biên chế cho Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong tỉnh phù hợp với số lượng việc thi hành án phát sinh, đáp ứng yêu cầu công việc của từng đơn vị. Để kịp thời tuyển dụng công chức cho các đơn vị, Giám đốc Sở Tư pháp đã đề nghị Bộ Tư pháp thành lập, kiện toàn Hội đồng tuyển dụng công chức, nhằm đảm bảo cho việc tuyển dụng công chức theo đúng qui định. Trong 4 năm qua, Hội đồng thi tuyển công chức Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã tổ chức 04 đợt thi tuyển công chức cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh, kết quả đã tuyển dụng 40 công chức, trong đó tuyển dụng vào ngạch chuyên viên 21, kế toán 08, văn thư - lưu trữ 11 công chức.
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã ra Quyết định tiếp nhận 12 công chức từ các cơ quan khác sang cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh, nâng tổng số công chức có mặt làm việc đến nay là 123 người, trong đó Thi hành án dân sự tỉnh 20 người, các huyện và thành phố Quy Nhơn là 103 người, hiện nay còn thiếu 07 người so với biên chế giao. Việc thuyên chuyển chấp hành viên, cán bộ công chức cơ quan Thi hành án dân sự ra khỏi ngành được thực hiện chặt chẽ, sau khi có ý kiến xét duyệt của Bộ Tư pháp. Trong gần 4 năm qua, theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh đã quyết định thuyên chuyển ra khỏi ngành 04 công chức.
Thường xuyên chỉ đạo Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, đồng thời phối hợp với Cấp uỷ Đảng và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức qui hoạch nguồn cán bộ, Trưởng, Phó trưởng và chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự. Hàng năm, trên cơ sở hiện có của đội ngũ của cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện công tác quy hoạch cán bộ. Riêng tháng 3 năm 2009, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, đã tiến hành rà soát, đánh giá, qui hoạch Trưởng, Phó trưởng Thi hành án sự cấp tỉnh, cấp huyện từ nay đến năm 2015. Trên cơ sở qui hoạch hàng năm và theo đề nghị của Trưởng thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã xem xét bổ nhiệm Phó trưởng Thi hành án cấp huyện và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức danh chấp hành viên, Trưởng Thi hành án dân sự cho các đơn vị.
Thực hiện Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14/12/2004 của Chính phủ và Thông tư số 03/2005/TT-BNV, ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, hàng năm theo đề nghị của Trưởng thi hành án dân sự, Giám đốc Sở Tư pháp đã ra Quyết định nâng lương thường xuyên cho cán bộ, công chức thuộc diện Bộ uỷ quyền. Đến nay đã quyết định nâng lương cho 73 cán bộ, công chức; đề nghị Bộ Tư pháp nâng bậc lương thường xuyên cho 07 cán bộ, công chức và nâng bậc lương trước thời hạn cho 11 cán bộ, công chức. Việc nâng lương thường xuyên và đề nghị nâng lương trước thời hạn được thực hiện kịp thời, chính xác, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, công chức. Trong thời gian qua, Hội đồng xét nâng ngạch cán bộ, công chức đã đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức thi và quyết định nâng ngạch cho 03 công chức, từ nhóm ngạch cán sự lên nhóm ngạch chuyên viên; chuyển ngạch cho 03 công chức theo yêu cầu công tác. Để đáp ứng yêu cầu công việc của từng đơn vị, Giám đốc Sở Tư pháp đã ra quyết định điều động 14 công chức từ đơn vị này về đơn vị khác công tác hoặc về Thi hành án dân sự tỉnh và ngược lại, trong đó có 04 chấp hành viên và 10 công chức khác.
Từ năm 2005 đến nay, Giám đốc Sở Tư pháp đã ra quyết định bổ nhiệm 06 Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện, trong đó bổ nhiệm mới 03, bổ nhiệm lại 03 công chức; ra quyết định miễn nhiệm 01 Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện. Ngoài ra, Giám đốc Sở Tư pháp đã đề Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét bổ nhiệm 12 Trưởng Thi hành án dân sự, 02 Phó trưởng Thi hành án dân sự (trong đó bổ nhiệm mới 02 Phó trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, 06 Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện; bổ nhiệm lại Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh và 05 Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện).
Hàng năm, theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự, Giám đốc Sở Tư pháp đã quyết định cử 36 cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh theo học các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó: học nghiệp vụ THADS: 20 công chức, quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính: 16 công chức. Ngoài ra, còn cử một số công chức theo học các lớp chính trị và chuyên môn khác.
Thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP, ngày 08/8/2007 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Giám đốc Sở Tư pháp đã đề nghị Bộ Tư pháp cho nghỉ hưu trước tuổi cho 01 công chức; cho thôi việc 02 công chức vì lý do cá nhân.
Trong năm 2005, 2006, theo đề nghị của Hội đồng thi đua khen thưởng Sở, Giám đốc Sở Tư pháp đã ra quyết định công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở cho 07 cán bộ, công chức; công nhận lao động tiên tiến cho 10 cá nhân, 03 tập thể lao động tiên tiến; Quyết định tặng giấy khen cho 02 tập thể và 07 cá nhân; đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 07 cá nhân; Bộ trưởng Bộ Tư Pháp tặng bằng khen cho 09 cá nhân và 05 tập thể; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 03 cá nhân thuộc các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh.
Bên cạnh đó, theo đề nghị của Hội đồng kỷ luật Thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã ra Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 02 công chức do vi phạm qui trình, thủ tục thi hành án dân sự. Ngoài ra, Giám đốc Sở còn phối hợp với Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh quyết định thanh tra công tác thi hành án dân sự ở 01 cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện.
Sau khi tiếp nhận những công việc được Bộ Tư pháp uỷ quyền, Giám đốc Sở Tư pháp thống nhất với Trưởng thi hành án dân sự tỉnh về qui trình thực hiện các công việc được uỷ quyền. Với tinh thần trách nhiệm được giao, trong thời gian thực hiện uỷ quyền, Giám đốc Sở Tư pháp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các công việc được uỷ quyền, làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng qui định, kịp thời giải quyết các công việc về tổ chức, cán bộ của cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh. Thường xuyên trao đổi, phối hợp với Trưởng thi hành án dân sự tỉnh để củng cố tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đối với Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh đã kịp thời đề xuất cho Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện các nhóm việc được Bộ Tư pháp uỷ quyền, như: công tác kiện toàn tổ chức, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, qui hoạch, đào tạo, nâng lương thường xuyên và nâng lương trước thời hạn…Trong quan hệ phối hợp luôn có sự thống nhất trước khi quyết định những việc được Bộ uỷ quyền.
Từ những thực tế và đặc thù công việc thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ, tạo sự chủ động và nâng cao vai trò của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh trong việc quản lý, chỉ đạo và điều hành hoạt động của Thi hành án dân sự cấp huyện, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua nhằm phù hợp với tình hình và điều kiện hiện nay đối với cơ quan Thi hành án dân sự.
Võ Công Hoàng - THADS tỉnh Bình Định