Nhìn lại 17 năm thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi – hình thành và phát triển

23/09/2009

Để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng, quan tâm đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan Tư pháp, trong đó các cơ quan Thi hành án dân sự đặc biệt được chú trọng.



Nhằm tạo điều kiện pháp lý cho hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; cùng với hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật thi hành án dân sự đã và đang từng bước được hoàn thiện. Để nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử cũng như lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động Thi hành án dân sự, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 01 ngày 06 tháng 10 năm 1992 quy định một số điểm về thi hành Luật Tổ chức Toà án nhân dân. Theo Nghị quyết này, Quốc hội đã quyết định việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang cho Chính phủ quản lý. Chính vì vậy, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 21 tháng 4 năm 1993 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 1993 thay thế cho Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 không còn phù hợp nữa. Qua thời gian áp dụng, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 đã bộc lộ nhiều hạn chế  và không còn phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiệm vụ chung của ngành. Vì vậy, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 01 năm 2004, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã thay thế cho Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993. Tuy nhiên, đây không phải là điểm dừng cuối cùng của chặng đường phát triển và hoàn thiện về Pháp luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dấn sự năm 2008 đã được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 4 năm 2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 là cơ sở pháp lý hữu hiệu nhất cho các cơ quan Thi hành án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

          Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Giám đốc Sở Tư pháp cùng Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh đã nỗ lực xây dựng, kiện toàn về công tác quản lý Thi hành án dân sự về mặt tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ cũng như cơ sở vật chất. Chính vì vậy mà công tác Thi hành án dân sự dần được nâng lên, có những chuyển biến tích cực. Để thấy rõ vấn đề này, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường “17 năm Thi hành án dân sự Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.

          Nhớ lại những ngày đầu, lúc mới nhận bàn giao công tác từ Toà án sang Sở Tư pháp, đội ngũ cán bộ, công chức vừa yếu lại vừa thiếu, trong 23 công chức được bàn giao chỉ có 01 cử nhân Luật, 01 Cao đẳng Luật, một ít Trung học Luật, còn lại phần lớn không có chuyên môn nghiệp vụ, số lượng Đảng viên, chấp hành viên ở các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi cơ quan Thi hành án dân sự huyện chỉ có 02 – 03 công chức, phần lớn các Đội Thi hành án dân sự ở các huyện miền núi chỉ có 01 công chức, không có chỗ làm việc, không có phương tiện hỗ trợ, kinh phí hoạt động ít, … đã làm cho tỉ lệ thi hành án đạt thấp, số lượng án tồn đọng, kéo dài không thể tổ chức thi hành ngày càng nhiều. Để không bị động về nguồn nhân lực, trên cơ sở tham mưu của Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã đưa đi đào tạo, đào tạo lại số cán bộ, công chức hiện có và lựa chọn những người có trình độ cử nhân Luật, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu của công tác Thi hành án dân sự tuyển dụng bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh. Chính những nỗ lực không ngừng này, đến nay tổng biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã lên đến 133 biên chế, trong đó số lượng Đảng viên chiếm hơn một nửa. Đã bổ nhiệm thêm trên 50 chấp hành viên. Về chuyên môn, có bước tiến nhảy vọt, từ chỗ phần lớn cán bộ, công chức không có chuyên môn nghiệp vụ, đến nay 100% có chuyên môn Luật, trong đó Đại học Luật chiếm hơn 80% so với tổng biên chế. Cùng với việc đào tạo về chuyên môn, lãnh đạo Sở Tư pháp cùng Thi hành án dân sự tỉnh đã chú tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức nhằm tạo cho cán bộ, công chức có tác phong đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng để tổ chức Thi hành án dân sự đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân. Tuy nhiên với số lượng án ngày càng gia tăng như hiện nay, thì số biên chế hiện có cũng chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu tổ chức Thi hành án dân sự. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến là tiếp tục kiện toàn về mặt tổ chức và tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác Thi hành án dân sự trong tình hình mới.

          Để đảm bảo cơ sở vật chất cho cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự hoạt động, lãnh đạo Sở Tư pháp cùng Thi hành án dân sự tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương và địa phương, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, đến nay các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh được cấp kinh phí mua sắm các phương tiện, trang thiết bị làm việc như: xe ô tô, xe mô tô, máy vi tính, máy photocopy, máy Fax .., và nhiều phương tiện cần thiết khác. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã đầu tư xây dựng hoàn thành 15/15 trụ sở làm việc các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh.

          Chính từ việc nhanh nhạy trong chỉ đạo, quản lý điều hành về công tác từ tổ chức đến chuyên môn cũng như cơ sở vật chất mà đội ngũ cán bộ, công chức, chấp hành viên của các Cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã không ngừng lớn mạnh, từng bước đưa hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Tư pháp và Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, chấp hành viên Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan Thi hành án dân sự các huyện, thành phố tiến hành rà soát, phân loại các vụ việc, nắm bắt được số án có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành, lên kế hoạch tổ chức thi hành cụ thể, kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng đương sự cố ý trốn tránh, chây ỳ và đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ án khó, còn tồn đọng trong nhiều năm như: vụ cưỡng chế kê biên tài sản của bà Nguyễn Thị Sứ để trả nợ 17 chỉ vàng cho ông Võ Văn Hai ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa; vụ cưỡng chế kê biên tài sản của ông Đinh Tấn Tăng để trả nợ cho Chi nhánh ngân hàng Công thương 95 triệu đồng ở thị xã Quảng Ngãi; vụ cưỡng chế buộc ông Phan Tấn Tụ giao nhà, đất cho ông Phan Tấn Tích ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành; vụ cưỡng chế buộc ông Võ Duy Anh giao trả nhà cho bà Ngô Thị Sương; vụ cưỡng chế kê biên nhà của bà Trương Thị Mỹ Chánh để trả nợ 410.000.000 đồng cho bà Nguyễn Thị Mỹ … Đặc biệt đã tổ chức thi hành xong những vụ án điểm, có tính bức xúc kéo dài nhiều năm như: vụ cưỡng chế giao nhà ông Nguyễn Cương ở Sơn Tịnh, vụ bà Trần Thị Khanh ở Hàm Thuận, vụ UBND xã Phổ Khánh ở Đức Phổ, vụ UBND xã Đức Lợi, Đức Nhuận ở Mộ Đức …

          Cùng với việc triển khai Quyết định số 96/2002/QĐ-BTP ngày 22/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp “Về việc ban hành quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án cấp tỉnh, huyện”. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó ban trực và đã có 14/14 huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban chỉ đạo. Kể từ thời điểm được thành lập cho đến nay, Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh và huyện chỉ đạo các Cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm nhiều vụ án khó, kéo dài trong nhiều năm, làm cho lượng án còn tồn đọng giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cùng Thi hành án dân sự tỉnh cũng đã tổ chức triển khai Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự”, trong đó việc “Chuyển giao án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành và qua 06 năm thực hiện việc chuyển giao, đã tổ chức thi hành xong cả tiền và việc đạt từ 60 - 80%. Chính việc thực hiện tốt nhiệm vụ này mà Quảng Ngãi là một trong những tỉnh chuyển giao án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành đạt được kết quả cao, làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng ở các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh. Tuy nhiên ngày 01/7/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp “chỉ  đạo các cơ quan Thi hành án dân sự dừng chuyển giao việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND xã, Phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành. Đối với những vụ việc thi hành án đã chuyển giao, UBND cấp xã tiếp tục đôn đốc thi hành án dứt điểm, những địa phương đôn đốc thi hành án không hiệu quả thì Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh rút hồ sơ để trực tiếp thi hành”. Do vậy, hiện nay các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã dừng chuyển giao việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND xã, Phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành.

          Đánh giá về những thành công có được trong công tác thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, ông Phan Tấn Nộ - Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: “Sự ra đời của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Pháp lệnh năm 2004, Luật thi hành án dân sự năm 2008 cùng với việc ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, đã tạo động lực mới cho công tác Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực thi hành pháp luật. Trong 17 năm qua, các Cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra tổ chức thi hành gần 50 ngàn việc, giải quyết xong gần 31.372 việc trên gần 48.852 việc có điều kiện thi hành, đạt 64%. Với tổng số tiền phải thi hành gần 300 tỷ đồng, trong đó số tiền có điều kiện thi hành chiếm chưa được 50%, đã thi hành được gần 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, số án hàng năm tăng nhanh về số lượng và có tính chất phức tạp, nên cũng nhiều vụ việc chưa thi hành được, trong những vụ việc chưa thi hành phần lớn là án chưa có điều kiện thi hành và án khó còn tồn đọng từ nhiều năm, do người phải thi hành án đang thụ hình, không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản nhỏ, chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nếu tổ chức cưỡng chế thì cũng chỉ đủ cho chi phí cưỡng chế, thậm chí còn thấp hơn chi phí tiến hành cưỡng chế … đây là một trong những khó khăn và vướng mắc không chỉ riêng ở Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi”.

          Công tác thi đua, khen thường kịp thời, đến nay các Cơ quan Thi hành án dân sự Quảng Ngãi đã có 145 tập thể, 617 cá nhân được khen thưởng với nhiều hình thức khác nhau từ Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh đến Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp và của Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, trong đó có nhiều tập thể, cá nhân nhiều năm liền được khen thưởng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với phong trào trên, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” toàn thể cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực hưởng ứng và chia sẻ. Với đồng lương ít ỏi của mình, cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự đã quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam, xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

          Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Lãnh đạo Sở Tư pháp, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác thi hành án dân sự, tạo điều kiện để công tác thi hành án năm sau thu nhiều hơn năm trước. Có thể nói rằng chặng đường “17 năm Thi hành án dân sự Quảng Ngãi hình thành và phát triển” mặc dù còn nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa công tác Thi hành án dân sự từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng chính là những mục tiêu và nhiệm vụ mà các Cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh Quảng Ngãi hướng đến.

Huy Ân – Văn Xông