Từ tỉ lệ đạt 17,5 % của Thi hành án Hương Thủy nửa đầu 2007: Trách nhiệm không của riêng ai

08/08/2007
Bên thềm kỳ họp HĐND khóa IV của Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) vừa qua, ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện, cho tôi số liệu 17,5%, tỉ lệ đạt của công tác thi hành án (THA) huyện trong 6 tháng đầu năm và bảo: Đó là nỗi trăn trở của ngành đấy. Không biết thời gian còn lại có đạt được kế hoạch năm không…


  Ai thấu nỗi lòng THA?

Có nhiều nguyên nhân khiến THA Hương Thủy 6 tháng đầu năm chỉ đạt 17,5%. Trong đó, “nặng” nhất là việc Công ty cổ phần Thế Kỷ Mới với số tiền phải thu lên đến 13 tỉ đồng (trong khi tổng số tiền phải THA của huyện là hơn 14 tỉ đồng). Anh Phan Văn Tường, chấp hành viên trực tiếp đôn đốc việc này cho hay: “Trước khi có bản án, công ty này đã thế chấp toàn bộ máy móc, nhà xưởng tại khu công nghiệp Phú Bài cho ngân hàng Vietcombank, có đăng ký giao dịch bảo đảm để vay 6 triệu USD và đã được giải ngân 5 triệu. Sau khi có bản án, THA huyện đã làm mọi thủ tục cần thiết nhưng không thể kê biên do hợp đồng tín dụng giữa công ty và ngân hàng chưa đến kỳ đáo hạn…”. Ngoài hòn đá nặng trên, Hương Thủy còn rất nhiều án bất khả thi do: hồ sơ thì có mà đương sự (ĐS) thì không; hoặc, có ĐS nhưng tài sản lại không có để chấp hành án, cũng không loại trừ những kẻ quá chây lỳ, không chịu chấp hành án. Đa phần, những hồ sơ không có ĐS ở địa phương là do sau khi chấp hành hình phạt tù, ĐS tìm đến xứ khác làm ăn, cố tình trốn tránh trách nhiệm. Hoặc, ĐS sinh sống và phạm pháp ở địa phương khác, nhưng do có quê gốc, có tài sản ở Hương Thủy nên THA huyện được ủy thác.

Thường, để dứt điểm những việc không có ĐS tại địa phương, giá trị tài sản phải THA cũng không quá lớn, các chấp hành viên chuyển hướng qua thân nhân các ĐS, thuyết phục họ thay con em mình “trả góp” trách nhiệm với Nhà nước. Nhưng xem ra, chỉ là thuyết phục, vận động thôi thì THA chưa thể đủ “uy” để được việc. Ông Hoàng Trọng Ba, Trưởng THA Hương Thuỷ, san sẻ: “Với lý do rất khéo là con cái đã đủ lông đủ cánh, đủ tuổi chịu tự trách nhiệm về mình trước pháp luật thì ai làm nấy phải chịu, nhiều bậc làm cha làm mẹ không đồng ý phối hợp với cơ quan THA để thay con nộp tiền chấp hành án. Như trường hợp của Lư Mộng Tùng (xã Thủy Châu). Đốt trại vịt người khác từ năm 1989, bị phạt tù 12 tháng. Ra tù, bỏ vào Nam làm ăn, nhưng chỉ có 79 ngàn đồng tiền án phí mà từ đó đến nay vẫn chưa chấp hành xong. Còn bố mẹ ở đây, nhưng chấp hành viên đến thuyết phục thì họ từ chối: Con đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật, răng bắt bố mẹ chịu thay…?”.  “Nhiều đối tượng sau khi chấp hành xong hình phạt tù, trở về sinh sống tại địa phương nhưng vẫn không chịu THA. Anh em đến đôn đốc, còn lý sự cùn: Tui đi tù mà Nhà nước còn khoan hồng cho về được, huống chi có mấy trăm ngàn đồng mà các anh cứ theo đòi mãi. Chừ chưa có, khi mô ăn nên làm ra, tui trả…” - Nói rồi, ông Trưởng THA cũng ngậm ngùi. Với những trường hợp như trên, một khi ĐS còn sống chung với nhiều thành viên khác trong gia đình thì rất khó để cưỡng chế tài sản để đảm bảo chấp hành án. Bởi cái sự cưỡng chế này cũng gặp không ít nhiêu khê khi đụng đến việc phải phân định tài sản chung riêng giữa các thành viên trong gia đình và ĐS”.

Về những khó khăn trong công tác THA trên địa bàn huyện, ông Ba cũng nói nhiều đến vấn đề nhân sự, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở-những cán bộ tham mưu cho UBND cấp xã đôn đốc các vụ việc có giá trị dưới 500 ngàn đồng. Vì quá bận rộn, không chủ động được thời gian, nên như ông Ba nói: “Việc nào mà chúng tôi về phối hợp thì họ làm, không thì đành để hồ sơ lại, chứ thời gian mô”. Khách quan, cũng khó mà trách cán bộ tư pháp cơ sở khi họ chưa phát huy được vai trò trong lĩnh vực này, nhất là từ nay, họ thêm nhiệm vụ mới - chứng thực bản sao.               

Thuốc đắng nào trị được tật?

Trường hợp Công ty Thế Kỷ Mới là ví dụ điển hình được ông Nguyễn Phương Toàn dẫn chứng cho nhiều trường hợp tương tự mà THA Hương Thủy đang phải đối diện. Đó là trước khi bản án đã được tòa tuyên, THA bắt tay vào làm thủ tục để kê biên, cưỡng chế tài sản để bảo đảm THA thì hàng loạt các giao dịch khác liên quan đến khối tài sản đó xuất hiện và yêu cầu cơ quan THA dừng lại, do khối tài sản đã được thế chấp trước khi chủ tài sản vi phạm pháp luật. Để giải quyết những trường hợp này, theo ông Toàn, một mình THA cố gắng thôi thì chưa đủ mà rất cần sự tham gia tích của các cơ quan, ban ngành khác. Có điều, khi án không thi hành được thì chỉ THA chịu trách nhiệm do để án bị tồn đọng, và người được THA thì cũng chỉ tìm đến THA để kêu. Thực tế, nhìn sơ bộ thì cũng biết, chỉ cần giải quyết được việc của Công ty cổ phần Thế Kỷ Mới thì chỉ tiêu phấn đấu của THA Hương Thuỷ trong thời gian còn lại không còn là điều đáng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trọng Ba nhắc lại điều mà ông Phạm Quốc Dũng - chủ tịch HĐND huyện Hương Thủy đã nói trước kỳ họp HĐND vừa qua, như nhắc lại một niềm mong, rằng: “THA không thể đơn phương làm một mình mà phải có sự phối hợp giữa các ngành nội chính của huyện, xét các vụ việc dưới 500 ngàn đồng để tìm ra hướng giải quyết. Tránh tình trạng, một vụ mà THA huyện cứ phải báo cáo hết năm này qua năm khác”. Phần mình, ông Ba đề xuất: “Trước khi thông qua các trường hợp được đặc xá thuộc địa bàn Hương Thuỷ, các trại giam nên tham khảo ý kiến của cơ quan THA địa phương. Thiết nghĩ, một trường hợp được đặc xá, không chỉ bản thân đối tượng có kết quả cải tạo tốt, mà cần phải xét cả việc gia đình ở địa phương có tạo điều kiện để giúp con em họ chấp hành tốt các án dân sự, án bồi thường khác hay không. Nhất là với những ĐS đang ở chung với nhiều thành viên khác trong gia đình. Thậm chí, cả những trường hợp hết hạn tù, nhưng chưa hoàn thành trách nhiệm ở các án khác, lại không có thái độ chấp hành tích cực thì cũng phải xem xét lại để có biện pháp buộc có trách nhiệm”.

Thực tế, không chỉ riêng Hương Thuỷ mà ở nhiều địa phương khác, tình trạng ĐS chây lì, khéo léo vin vào cớ kinh tế khó khăn để trốn tránh chấp hành án; thân nhân trong gia đình cố tình không hợp tác, đẩy hết trách nhiệm cho bản thân ĐS… khiến nhiều vụ việc tưởng chừng rất đơn giản lại trở nên khó khăn, dang dở kéo dài, tiêu tốn của Nhà nước bao nhiêu tiền của, công sức. Theo chúng tôi, đề xuất của ông Ba có ý rất hay và cần được quan tâm. Mong rằng, bài viết này sẽ được các cấp, ngành hữu quan lưu ý để đề xuất ấy sớm là liều thuốc đắng trị tật cho những kẻ vô trách nhiệm với bản thân, coi thường pháp luật.

Lê Thanh