THADS tỉnh Quảng Ngãi báo cáo công tác thi hành án dân sự năm 2007

19/09/2007

Thực hiện Công văn số 3740/BTP-THA ngày 04/9/2007 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo công tác Thi hành án dân sự năm 2007 để Bộ Tư pháp chuẩn bị nội dung báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XII; ngày 14/9/2007 Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã có Báo cáo số 246/BC-THA báo cáo công tác thi hành án dân sự năm 2007; theo báo cáo này, công tác thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi năm 2007 có những những nội dung chủ yếu sau:



I. Công tác tổ chức cán bộ và cơ sở vật chất:

1. Công tác tổ chức cán bộ:

Số lượng cán bộ, công chức của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi hiện có 113 người, trong đó có 40 Chấp hành viên. Để kiện toàn về công tác tổ chức và nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức thi tuyển công chức đối với 08 trường hợp và được tuyển dụng vào các cơ quan Thi hành án dân sự, ra quyết định điều động đối với 07 cán bộ, công chức, Chấp hành viên cấp huyện để bổ sung cho các cơ quan Thi hành án dân sự; thực hiện việc nâng lương thường xuyên cho cán bộ, công chức kịp thời đúng quy định. Đồng thời đề xuất cho Giám đốc Sở tiến hành lập hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm mới 04 trường hợp, bổ nhiệm lại Chấp hành viên đối với 05 trường hợp và đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, cử những cán bộ chưa có trình độ đại học luật đi học tại chức Luật, cử 05 cán bộ, công chức đi học lớp đào tạo nguồn Chấp hành viên do Học viện Tư pháp tổ chức và cử cán bộ, công chức theo học các lớp cử nhân, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị và quản lý Nhà nước (hiện có 113/137 biên chế phân bổ năm 2006, trong đó có 40 Chấp hành viên (kể cả Trưởng, Phó trưởng Thi hành án), có 07 đồng chí cử nhân, cao cấp chính trị, 11 đồng chí trung cấp chính trị, 02 đồng chí trung cấp quản lý Nhà nước). Đặc biệt đầu năm 2007, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng đề án quy hoạch cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự, và ngày 18/5/2007 Giám đốc Sở Tư pháp ký Quyết định số 39/QĐ-STP phê duyệt đề án quy hoạch cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự và cho triển khai tổ chức thực hiện.

Hiện tại, 14 cơ quan Thi hành án dân sự huyện, thành phố ở tỉnh Quảng Ngãi đều có Trưởng Thi hành án và có từ 02 Chấp hành viên trở lên, đảm bảo năng lực hoạt động của các cơ quan Thi hành án. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận tuyển dụng cán bộ Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn đến nay số lượng công chức cần tuyển dụng cũng chưa đủ số lượng biên chế mà Bộ Tư pháp phân bổ do các nguyên nhân:

- Yêu cầu tuyển dụng là cử nhân Luật hệ chính quy, trong khi số lượng cử nhân Luật hệ chính quy ra trường trở về địa phương công tác ít, chủ yếu ở lại các thành phố lớn, nơi có chính sách ưu đãi cao.

                - Thi hành án là công việc đặc thù thường gặp nhiều rủi ro và đụng chạm đến nhiều người thuộc mọi tầng lớp, thành phần xã hội… trong khi các chính sách ưu đãi chưa được thực hiện. Do đó chưa thu hút được sự quan tâm của những người đã tốt nghiệp đại học Luật đến xin việc.

                - Số lượng Chấp hành viên chưa đủ để phân bổ cho các cơ quan Thi hành án dân sự, nhất là các huyện miền núi và hải đảo.

2. Cơ sở vật chất:

                Các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Tư pháp đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị phục vụ… đến nay trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng xong đưa vào sử dụng trụ sở làm việc của 11/14 cơ quan Thi hành án dân sự huyện, thành phố, còn lại trụ sở Thi hành án dân sự các huyện: Sơn Tây, Tây Trà và Tư Nghĩa đang tiến hành xây dựng trong năm 2007. Riêng trụ sở làm việc của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Tư pháp thông báo cấp kinh phí đầu tư xây dựng và đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu xây lắp và cho chủ trương xây dựng trong năm 2007-2008; đến nay, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đang tiến hành xây dựng trụ sở làm việc theo quy định. Hiện nay, kho vật chứng của các cơ quan Thi hành án chưa được xây dựng, do đó việc bảo quản vật chứng chưa được đảm bảo nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chung.

                II. Công tác thi hành án:

* Kết quả thi hành án về việc (số liệu 11 tháng năm 2007: tính từ ngày  01/10/2006 đến ngày 31/8/2007):

- Tổng số việc phải thi hành                              :               5.576 việc;

                - Số việc có điều kiện thi hành                          :               4.161 việc;

                Trong đó:

+ Số việc đã thi hành xong hoàn toàn:            2.524 việc;

(số việc đã miễn, giảm: 23 việc)      

+ Số việc đình chỉ                                       :        85 việc;

+ Số việc thi hành đều                        :               335 việc;

+ Số việc thi hành dở dang                  :             783 việc;

+ Số việc chưa thi hành                      :                434 việc;

                - Số việc chưa có điều kiện thi hành                          :      1.325 việc;

                Tỷ lệ số việc thi hành xong đạt 71% so với số việc có điều kiện thi hành

                * Kết quả thi hành án về tiền:

- Tổng số tiền phải thi hành                              122.328.439.000 đ;

Trong đó:

                + Số tiền có điều kiện thi hành                         49.420.413.000 đ;

+ Số tiền chưa có điều kiện thi hành :              70.159.387.000 đ;

+ Số tiền đã thực thu được                                27.365.464.000 đ;

+ Số tiền do đình chỉ                                           5.391.581.000 đ;

+ Số tiền miễn giảm                                           40.729.545 đ;

                                :                                              

Tỷ lệ tiền thi hành xong đạt được 55% so với số tiền có điều kiện thi hành.

Ngoài ra, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thi hành án vụ phá sản của Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Quảng Ngãi với tổng giá trị tài sản là: 17.396.401.168 đồng và đã giải quyết thu được: 16.128.136.495 đồng đạt tỷ lệ 92,7%.

Nhìn chung, năm 2007 số việc và số tiền phải thi hành án tăng nhiều hơn năm 2006, nhiều vụ án kinh tế tranh chấp dân sự có số tiền và tài sản lớn phải thi hành đã được Tòa án xét xử, có nhiều vụ án sau khi xét xử xong đến giai đoạn thi hành án thì tài sản giảm giá trị sử dụng hoặc mất khả năng thi hành (như vụ Công ty Maxgarmex do bà Trương Thị Tường Vân làm Giám đốc: 04 tỷ đồng, Công ty Đại Cát Tường do ông Lê Mạnh Hùng làm Giám đốc: 04 tỷ đồng). Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Giám đốc Sở Tư pháp - Phó trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự từ tỉnh đến huyện, thành phố, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự nên kết quả đạt được đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:

- Số án (việc và tiền) chưa giải quyết được vẫn còn nhiều, chủ yếu là án khó, án chưa có điều kiện thi hành do người phải thi hành án đang thụ hình hoặc thụ hình xong về đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, không có tài sản để thi hành án; bên phải thi hành án là cơ quan Nhà nước, Hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp bị phá sản như: Xí nghiệp đông lạnh Sa Huỳnh, Công ty Dầu khí thực vật, HTX Nông nghiệp xã Nghĩa Điền, HTX Nông nghiệp Quyết thắng. Đồng thời những quy định của pháp luật về xử lý án tồn đọng như: việc xét miễn giảm án phí tiền phạt, hỗ trợ tài chính để thi hành án còn chưa cụ thể, liên quan đến quá nhiều cơ quan; do vậy gây khó khăn một phần cho việc áp dụng.

- Nhiều trường hợp người phải thi hành án đang ở địa phương, nhưng nghĩa vụ (tiền) phải thi hành án quá lớn, không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc diện đang tranh chấp và có giá trị thấp so với nghĩa vụ phải thi hành. Vì vậy khi cơ quan Thi hành án lập phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế thì xét thấy giá trị của tài sản chỉ đủ cho chi phí tiến hành cưỡng chế chứ không còn để thi hành án nên không thể tiến hành xử lý được.

- Có trường hợp khi tuyên án Tòa án vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, do đó nhiều vụ án không thi hành được như: vụ Huỳnh Viện số tiền 13 tỷ đồng; vụ Bùi Đức Tín số tiền 01 tỷ đồng; vụ Võ Văn Tiến - Lê Thị Cẩm Ba hơn 2 tỷ đồng… và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu để người thân của họ đứng tên chủ sở hữu do đó cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

- Việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự ở một số địa phương ở cơ sở với Thi hành án dân sự chưa được đồng bộ và kịp thời, nhất là sự phối hợp trong việc xác minh điều kiện thi hành án và xác định nơi ở để trực tiếp làm việc, giải quyết thi hành án.

- Ngoài biện pháp chế tài là xử phạt vi phạm hành chính của Chấp hành viên và Thủ trưởng cơ quan Thi hành án thì cơ quan Thi hành án chưa có thẩm quyền để áp dụng chế tài về hình sự đối với người phải thi hành án có tính chây ỳ, chống đối và không chịu thi hành án, đây cũng là một trong những nguyên nhân chậm trể thi hành án.

III. Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án.

                *Việc áp dụng văn bản pháp luật trong quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án của Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án cấp trên đối với cấp dưới về thi hành án:

                Việc áp dụng văn bản pháp luật mới trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án của Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án cấp trên đối với cấp dưới về thi hành án luôn được thực hiện tốt và kịp thời.

                Năm 2007, thông qua việc triển khai các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, các Hội nghị tập huấn của Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thi hành án của cán bộ, Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự không ngừng nâng cao, việc chấp hành và vận dụng pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng của cán bộ, Chấp hành viên chưa có gì sai sót xảy ra. Ở địa phương, năm 2007 đã tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết và tập huấn công tác thi hành án, đồng thời hàng quý đều tổ chức trực báo trong toàn tỉnh, thông qua hình thức trực báo, Thi hành án dân sự tỉnh đã tổng kết đánh giá công tác thi hành án dân sự nhằm rút kinh nghiệm; triển khai công tác trong tháng đến, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp cho Chấp hành viên, Trưởng, Phó trưởng thi hành án và kế toán cho các cơ quan Thi hành án dân sự huyện, thành phố trong tỉnh (Cục Thi hành án dân sự hướng dẫn 03 văn bản, Thi hành án dân sự tỉnh hướng dẫn 15 văn bản và 12 lần trực tiếp tổ chức họp để hướng dẫn nghiệp vụ). Chính vì vậy đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong hoạt động tác nghiệp của Chấp hành viên, hoạt động thu chi về tài chính của kế toán… góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương. Tuy nhiên việc áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: về thực hiện phí thi hành án theo Thông tư số 43, Thông tư liên tịch số 02 và các Điều, khoản của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, các văn bản hướng dẫn thi hành có sự mâu thuẩn với nhau cũng như hướng dẫn chỉ đạo giải quyết vụ khách sạn Thanh Bình, ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi… Thi hành án dân sự tỉnh đã có văn bản gửi Cục Thi hành án dân sự nhưng đến nay chưa nhận được hướng dẫn.

 

                IV. Công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chỉ đạo thi hành án.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp, công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phối hợp thi hành án đóng vai trò hết sức quan trọng, đã chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp, vướng mắc, đương sự khiếu nại bức xúc, kéo dài như: vụ Ủy ban nhân dân xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn phải thi hành án cho Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi trên 500 triệu đồng; vụ Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa phải thi hành cho Hợp tác xã xây dựng Tấn Phát 150 nghìn kg thóc; vụ Ủy ban nhân dân xã Đức Lợi, Ủy ban nhân dân xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức phải chi trả hàng tỷ đồng cho công dân; vụ cưỡng chế giao nhà và đất cho bà Trần Thị Nguyệt và ông Võ Trượng ở thành phố Quảng Ngãi, vụ cưỡng chế nhà đất của bà Cao Thị Liên, chia thừa kế nhà đất ở thành phố Quảng Ngãi. Vụ cưỡng chế giao nhà vợ chồng ông Lợi, bà Cường ở thành phố Quảng Ngãi. Tuy nhiên có một số vụ việc cơ quan Thi hành án đã giải quyết xong nhưng vẫn còn khiếu nại kéo dài, điển hình như vụ vợ chồng ông Võ Văn Học, bà Huỳnh Thị Nga, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời ở một số địa phương cấp huyện công tác phối hợp còn đùn đẩy trách nhiệm nên hiệu quả công tác đạt được chưa cao.

V. Về việc xét miễn, giảm và hỗ trợ tài chính để thi hành án:

                Thực hiện những quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004; Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ; Công văn số 509/THA-NV1 ngày 29/7/2005 của Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai và chỉ đạo cho Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong toàn tỉnh tiến hành rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ thuộc diện được miễn, giảm thi hành án theo hướng dẫn tại Mục 1, 2 phần II của Thông tư 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính.

                Tổng số vụ việc đề nghị xét miễn, giảm năm 2007 trong toàn tỉnh Quảng Ngãi là: 35 việc với tổng số tiền: 41.336.230 đồng.

                Trong đó:               + Số vụ việc thuộc diện miễn            : 34 việc/19.086.230 đ

                                                + Số vụ việc thuộc diện giảm            : 01 việc/22.250.000 đ

                Tổng số việc và giá trị tiền đã được xét miễn, giảm: 23 việc/40.729.545 đ

                Trong đó: + Số việc và giá trị tiền đã được xét miễn: 22 việc/18.479.545 đ

                                 + Số việc và giá trị tiền đã được xét giảm:01 việc/22.250.000 đ

                Nhìn chung, sau khi có hướng dẫn việc thực hiện xét miễn, giảm đối với tiền án phí và tiền phạt, các cơ quan Thi hành án dân sự khẩn trương thực hiện và đưa ra xét miễn, giảm nhiều vụ việc nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu là:

                - Nhiều trường hợp các đối tượng thuộc diện xét miễn, giảm mặc dù đã được hướng dẫn nhưng vẫn không làm đơn đề nghị miễn, giảm nhất là đối với những trường hợp đương sự phải thi hành án phí không có giá ngạch hoặc những trường hợp đương sự phải thi hành án số tiền có giá trị nhỏ nên gây khó khăn cho công tác lập hồ sơ theo quy định.

                - Kinh phí, phương tiện phục vụ cho việc lập hồ sơ, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án gặp rất nhiều khó khăn nhất là các huyện miền núi, hải đảo.

                - Việc xét miễn, giảm án phí, tiền phạt là một quy định mới, bước đầu thực hiện các cơ quan Thi hành án dân sự còn gặp không ít khó khăn, lúng túng.

                - Trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh ủy thác về cho các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện để lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm thi hành án, Thông tư 02 không quy định cơ quan Thi hành án phải ra Quyết định thi hành án; Nếu chỉ lập hồ sơ đối với khoản đề nghị miễn, giảm thì các khoản tiền còn lại chưa được miễn, giảm thực hiện như thế nào cho đúng quy định.

                Thực hiện những quy định của pháp luật về hỗ trợ tài chính để thi hành án, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai cho Thi hành án dân sự các huyện, thành phố tiến hành rà soát hồ sơ để đề nghị xét hỗ trợ tài chính để thi hành án. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt được hiệu quả.

VI. Việc phối hợp thực hiện công tác đặc xá:

                Việc phối hợp thực hiện công tác đặc xá được thực hiện tương đối tốt, bên cạnh sự phối hợp giữa các cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan Thi hành án hình sự, các cơ quan hữu quan khác, thì sự vận động và thuyết phục người phải thi hành án, người thân của người phải thi hành án tự nguyện thi hành án luôn được các cơ quan Thi hành án  quan tâm. Cơ quan Thi hành án ra Quyết định kết thúc thi hành án 150 việc và thu được gần 500 triệu đồng để trả cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, giúp cho người phải thi hành án hoàn tất những thủ tục, hồ sơ để được xét đặc xá, góp phần giải quyết được một lượng lớn án tồn đọng. Tuy nhiên còn một số nguyên nhân tồn tại sau:

                - Do pháp luật về thi hành án dân sự chưa quy định trách nhiệm và biện pháp chế tài cụ thể đối với trại giam về việc thực hiện xét miễn, giảm hình phạt tù, xét đặc xá trong việc phối hợp thi hành án.

                - Một số trường hợp trại giam khi tiến hành xét đặc xá, tha tù trước thời hạn đối với phạm nhân không thực hiện xác minh, thẩm tra lại việc phạm nhân đó cam kết và đã thi hành xong các khoản phải thi hành theo bản án hay chưa mà tiến hành lập hồ sơ xét đặc xá, tha thù trước thời hạn.

VII. Việc chuyển giao án có giá trị không quá 500.000 đồng cho Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành.

                 Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh công tác chuyển giao án không quá 500.00 đồng xuống cho Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành theo Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 05/2002/TT-BTP ngày 27/02/2002 của Bộ Tư pháp, các cơ quan Thi hành án dân sự huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển giao tổng cộng 717 việc, với tổng số tiền phải thu là 146.101.917 đồng, đã thi hành xong 265 Việc, thu được 38.449.968 đồng.

 Công tác chuyển giao án cho Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành án đạt kết quả chưa cao, vì các nguyên nhân như: án chuyển giao cho cấp xã đôn đốc thi hành thường khoán trắng cho cán bộ Tư pháp xã trực tiếp thực hiện, trong khi đó cán bộ Tư pháp ở cấp xã chỉ một định biên nhưng công việc quá nhiều (phụ trách 14 đầu việc) nên không có thời gian thực hiện việc đôn đốc thi hành án.

                VIII. Công tác thanh tra, kiểm tra thi hành án dân sự:

                Giám đốc Sở Tư pháp đã chỉ đaọ cho Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên phối hợp với Thanh tra của Sở Tư pháp tổ chức thanh tra, kiểm tra cán bộ, Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự, để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm trong hoạt động thi hành án. Ngay từ đầu năm 2007, Thi hành án dân sự tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác nghiệp vụ Thi hành án tại các cơ quan Thi hành án dân sự huyện, thành phố; đến nay, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thi hành án, hoạt động thu chi tài chính Thi hành án và kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí do ngân sách cấp đối với các cơ quan Thi hành án dân sự huyện Sơn Tây, Lý Sơn, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi và thực hiện việc tự kiểm tra đối với Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng thường xuyên kiểm tra trực tiếp về công tác thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan Thi hành án đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục những thiếu sót trong hoạt động thi hành án.

                IX. Hoạt động quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và cấp ủy đảng, Ban chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự, việc giám sát của Hội đồng nhân dân và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan đối với công tác thi hành án.

                1. Hoạt động quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và cấp ủy đảng, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự đối với công tác thi hành án dân sự:

                Trong công tác thi hành án dân sự, hoạt động quản lý, chỉ đạo của cấp Ủy, Ủy ban nhân dân các cấp và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2007 các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi luôn được sự quan tâm của các cấp Uûy, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo thi hành án từ tỉnh đến huyện có những chủ trương, những quyết định chỉ đạo kịp thời sát đáng nên đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ án khó, phức tạp, kéo dài trong nhiều năm.

                2. Việc giám sát của Hội đồng nhân dân đối với công tác thi hành án:

                Năm 2007 Hội đồng nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố thuộc tỉnh trực tiếp và thường xuyên yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự theo từng quý, năm … Đồng thời, Hội đồng nhân dân, Ban pháp chế của Hội đồng nhân dân cũng thường xuyên trực tiếp giám sát hoạt động thi hành án của cán bộ, chấp hành viên làm công tác thi hành án, theo dõi và đôn đốc các cơ quan Thi hành án dân sự trả lời đơn thư khiếu nại của đương sự kịp thời đúng quy định của pháp luật.

                3. Sự phối hợp của các cơ quan hữu quan đối với công tác thi hành án:

                Sự phối hợp của các cơ quan hữu quan đối với công tác thi hành án dân sự nhìn chung được thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, do pháp luạt về thi hành án dân sự chưa quy định trách nhiệm cũng như những biện pháp chế tài cụ thể đối với các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án, nên việc phối hợp của các cơ quan hữu quan còn chưa được xuyên suốt, nhất là ở cấp huyện còn nhiều trường hợp đùn đẩy trách nhiệm làm cho công tác thi hành án chưa đạt hiệu quả cao.

 

                X. Thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong hoạt động thi hành án:

                Thực hiện những quy định của pháp luật về cải cách tư pháp, cải cách hành chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động thi hành án, Thi hành án dân sự tỉnh đã triển khai thực hiện và chỉ đạo cho Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thuộc tỉnh cùng thực hiện cải tiến lề lối làm việc, xây dựng quy trình, chương trình kế hoạch công tác cụ thể, phân công, phân nhiệm vụ rạch ròi tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động tác nghiệp của các cơ quan Thi hành án dân sự.

 

                XI. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự:

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự luôn được Lãnh đạo Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm. Năm 2007, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự được triển khai phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thể hiện như: tổ chức tập huấn triển khai pháp luật về thi hành án dân sự, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức trực báo hàng quý… cho toàn thể cán bộ, Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự; phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh thông qua chuyên mục “Giải đáp chế độ chính sách”, “hộp thư truyền hình” để giải đáp những thắc mắc của nhân dân về pháp luật thi hành án dân sự. Thông qua trang web của Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án, báo pháp luật, tạp chí dân chủ pháp luật, báo Quảng Ngãi, Đặc san Tư pháp, trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp thường xuyên có những bài viết về pháp luật thi hành án dân sự, lồng ghép nhiều gương tiêu biểu về việc tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án, đồng thời cũng phê phán những người phải thi hành án chống đối, không tự nguyện thi hành… nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự cho nhân dân trong toàn tỉnh.

 

XII. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự:

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động thi hành án luôn được Giám đốc Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo cho Trưởng Thi hành án các cơ quan Thi hành án dân sự tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền ngay tại nơi phát sinh, đảm bảo đúng pháp luật, không để tình trạng khiếu nại bức xúc kéo dài, vượt cấp, gây mất lòng tin trong nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đối với những vụ việc phức tạp, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh tham mưu kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh có những quyết sách đúng đắn giải quyết các vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, do vậy đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu nại phức tạp kéo dài. Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp nhiều khó khăn vướng mắc như: nhận thức của đương sự còn hạn chế cho nên có những trường hợp cơ quan Thi hành án đã giải quyết thoả đáng và đúng quy định của pháp luật nhưng đương sự chẳng những không chấp hành mà còn khiếu kiện dây dưa, gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án; đương sự không nắm bắt được thủ tục pháp luật quy định về khiếu nại, tố cáo, do đó rất nhiều trường hợp khiếu nại không đúng thẩm quyền, khiếu nại vượt cấp. Đặc biệt, trong năm 2007 có 07 vụ việc nỗi cộm mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tôi cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét giải quyết theo thẩm quyền như các vụ: Nguyễn Thị Thới Chín ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức; vụ vợ chồng ông Nguyễn Thanh Phương và bà Phạm Thị Thu Trang ở tổ 4, phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi; vụ vợ chồng ông Võ Liêm và bà Phạm Thị Lan ở tổ 9, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi; vụ vợ chồng ông Nguyễn Minh Khiêm, bà Tạ Thị Đan Huệ và vợ chồng ông Nguyễn Minh Luận, bà Nguyễn Thị Hạnh cùng ở tổ 7, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi; vụ Khách sạn Thanh Bình ở phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi; vụ Công ty Đầu tư xây dựng và du lịch Quảng Ngãi ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh; vụ Phạm Thị Minh ở TP Quảng Ngãi.

XIII. Số vụ việc tồn đọng do án tuyên không rõ, có sai lầm hoặc án tuyên không khả thi:

Năm 2007, qua tổng hợp của các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh thì có 19 vụ việc, trong đó án tuyên chưa rõ, có sai sót 14 việc, án tuyên khó thi hành 01 việc và 04  việc án sai lầm.

XIV. Kiến nghị và phương hướng:

1. Kiến nghị:

- Cần ban hành các văn bản hướng dẫn những điều, khoản chưa rõ ràng, còn mâu thuẩn trong Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 để các cơ quan Thi hành án thực hiện đúng và đạt hiệu quả.

- Hiện nay trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan Thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng, do vậy kính đề nghị Bộ Tư pháp cho chủ trương xây dựng và cấp kinh phí cho các cơ quan Thi hành án dân sự để xây dựng.

- Cần có chủ trương cấp kinh phí để trang bị xe môtô cho cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh để đảm bảo thực hiện công tác thi hành án ở cơ sở.

- Thi hành án dân sự là một công việc khó, phức tạp, chịu nhiều rủi ro, động chạm đến nhiều người… Do vậy Bộ Tư pháp cần xem xét và tăng cường các chế độ chính sách cho cán bộ, Chấp hành viên làm công tác thi hành án.

- Triển khai kịp thời Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17/01/2007 của Bộ Nội vụ về ban hành tiêu chuẩn ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp Thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTP-BNV ngày 29/03/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các văn bản khác hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời đề nghị mở lớp tập huấn cho cán bộ, công chức được Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh giao làm công tác tổ chức để triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định.

- Tránh tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp, nhằm giúp cho hoạt động thi hành án dân sự đạt được hiệu quả, thì cần phải ban hành quy chế phối hợp thi hành án dân sự, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm  vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan khi tổ chức thực hiện. Đồng thời, Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Bộ luật thi hành án nhằm tạo căn cứ pháp lý cho mô hình tổ chức thi hành án mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Bộ luật Thi hành án nhằm tạo căn cứ pháp lý cho mô hình tổ chức thi hành án mới với định hướng thống nhất về công tác Thi hành án dân sự.

2. Phương hướng năm 2008:

- Thực hiện đúng đắn chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tiếp tục kiện toàn về tổ chức cán bộ, về cơ sở vật chất, về chỉ đạo giải quyết án khó, án tồn đọng nhằm đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đạt kết quả cao hơn.

- Tiếp tục xây dựng và củng cố về tổ chức cán bộ, bổ sung đội ngũ cán bộ công chức (theo đề án tổ chức cán bộ) đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn quy định và đủ theo số luợng chỉ tiêu biên chế Bộ Tư pháp phân bổ, chú ý củng cố các Cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh còn yếu, tiếp tục tuyển dụng để bổ sung biên chế, đào tạo nguồn cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tập trung rà soát đối với những cán bộ, công chức đã tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án và đủ các điều kiện được bổ nhiệm Chấp hành viên để tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành làm thủ tục hồ sơ để trình ra Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Đồng thời hoàn tất hồ sơ đối với các trường hợp được bổ nhiệm lại trình ra Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm lại vào năm 2008; Tiến hành lập hồ sơ đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức danh Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính và các chức danh Trưởng, Phó trưởng Phòng chuyên môn thuộc Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp quyết định điều động, huân chuyển cán bộ, Chấp hành viên nhằm tăng cường hiệu quả công tác cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác thi đua, khen thưởng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự và thực hiện cải cách Tư pháp, cải cách hành chính trong hoạt động Thi hành án.

- Tăng cuờng và nâng cao vị trí, vai trò trong họat động chỉ đạo của Thi hành án dân sự tỉnh đối với Thi hành án dân sự các huyện, thành phố.

- Tiếp tục quán triệt cho cán bộ, chấp hành viên các Cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát chỉ tiêu, đồng thời áp dụng các biện pháp như: động viên, thuyết phục, người phải thi hành án để họ tự nguyện thi hành án và kiên quyết cưỡng chế đối với các truờng hợp có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành, cố tình chây ỳ, chống đối./.