Người phải thi hành án dân sự chống đối thi hành – thực trạng và giải pháp

24/10/2007

Từ tháng 7/1993 đến nay các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai phải thi hành gần 17.000 vụ việc. Quá trình đôn đốc giải quyết, các đơn vị thi hành án đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể vận động thuyết phục tự nguyện thi hành, nhìn chung người phải thi hành án có thái độ đúng mực. Tuy nhiên, nhiều vụ việc phức tạp, không ít trường hợp đương sự  chống đối quyết liệt gây thiệt hại về sức khoẻ,  xúc phạm danh dự người tham gia đôn đốc thi hành án, thậm chí cả khi có công an bảo vệ.



Số vụ việc cưỡng chế thi hành án chỉ có 162 vụ (chiếm 1 % của gần 17 ngàn vụ). Trong đó, 39 vụ cưỡng chế khấu trừ vào lương hoặc khấu trừ trên tài khoản của người phải thi hành án, còn lại 123 vụ cưỡng chế khác được lực lượng công an bảo vệ nhưng chỉ thực hiện được 97/123 vụ. Có 26 vụ người phải thi hành án chống đối quyết liệt bất chấp lực lượng công an bảo vệ cưỡng chế như vụ Lự Văn Phin (Làng Giàng –Văn Bàn); vụ Doãn Thị Hoè (Chiềng Ken –Văn Bàn); vụ Sầm Văn Quàn (Bản 3 – Minh Hạ - Minh Lương  –Văn Bàn); vụ Hà Thiện Bình (Tổ 21 – Phường Duyên Hải - Thành phố Lào Cai)… Đặc biệt vụ Sầm Văn Q. (huyện Văn Bàn) hô hoán, kích động, chửi bới, ném gạch đá, cắn, xé và dùng dao chém gây thương tích chấp hành viên Đ.M.D. và trường hợp Ông H.T.B (P. Duyên Hải – TP. Lào Cai) chửi bới, xúc phạm hội đồng cưỡng chế, tụ tập đông người để cản trở, trộn muối, gạo, gạch đá, tiết lợn để ném, ôm bình ga xả van đe doạ đốt nếu hội đồng cưỡng chế.

Các vụ cưỡng chế thi hành án được tiến hành thận trọng với quy trình thủ tục chặt chẽ đúng quy định nhưng vẫn bị chống đối như trường hợp ông H.T.B nêu trên phải tháo dỡ tường rào xây và các công trình kiến trúc trả lại diện tích đất cho bà Đ.T.H. Sau khi đã giải thích thuyết phục nhiều lần nhưng ông B. vẫn không tự nguyện thi hành, thi hành án dân sự thành phố Lào Cai đã báo cáo UBND và Ban chỉ đạo thi hành án thành phố tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng liên quan, các tổ chức đoàn thể và các bên đương sự để vận động ông B. tự nguyện thi hành nhưng không đạt kết quả. Ngày 04/01/2006 Thi hành án dân sự thành phố Lào Cai tổ chức cưỡng chế tháo dỡ tường rào và công trình xây dựng trả lại diện tích đã lấn chiếm. Ông B. với khoảng 20 người thân vẫn chống đối quyết liệt.

Quá trình xác minh, kê biên, cưỡng chế thi hành án, những người tham gia tổ chức thi hành án mà trực tiếp là các chấp hành viên thường xuyên phải đối mặt  với đe doạ bạo lực từ phía người phải thi hành án và những người có liên quan. Để ngăn chặn tình trạng đó, bảo đảm quá trình thi hành án an toàn và hiệu quả, pháp luật đã quy định cơ quan công an tham gia giữ gìn trật tự, ngăn chặn những hành vi cản trở, chống đối, đồng thời quy định trang bị cho Chấp hành viên các công cụ hỗ trợ thi hành án. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vẫn chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn việc chống đối thi hành án dân sự của người phải thi hành án.

Từ thực tiễn cho thấy trong thi hành án dân sự, không riêng trường hợp cưỡng chế, cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp mà trước hết là tăng cường tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của quần chúng nhân dân tự giác, tích cực tham gia hoạt động thi hành án dân sự.  Đây là biểu hiện cụ thể của việc xã hội hoá công tác thi hành án. Trường hợp chống đối thi hành án  phải bị xử lý kịp thời, nghiêm minh bằng hình thức tương ứng như xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Mặt khác, trước khi cưỡng chế cần nghiên cứu, nắm vững đối tượng để có phương án ứng phó phù hợp với tình huống xấu có thể xảy ra. Trong cưỡng chế thi hành án, hoạt động ưu tiên hàng đầu vẫn là tuyên truyền vận động đối tượng thi hành án và huy động đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân khu vực tham gia. Đương nhiên phải đảm bảo trình tự thủ tục và căn cứ pháp luật khi cưỡng chế thi hành án để hạn chế tối đa sự bức xúc chống đối của đối tượng phải thi hành án.

                                                                            Đào  Anh Tuấn