Công khai quy trình cải cách thủ tục hành chính ở Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai

26/06/2007
Thực hiện Kế hoạch số 3252/KH-UBND ngày 7/5/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về thực hiện cải cách hành chính năm 2007, Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Bảng niêm yết công khai quy trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, với những quy định cơ bản sau đây:


1. Nộp đơn yêu cầu thi hành án:

Nếu các bên đương sự không tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án theo nội dung bản án, quyết định dân sự của Toà án.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án là ba năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của Toà án thì thời hạn ba năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Người yêu cầu thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và những thông tin liên quan đến việc thi hành án kèm theo bản án, quyết định dân sự của Toà án có đóng dấu sao y của Toà án và dấu "án có hiệu lực", đối với án có kháng cáo phải kèm theo thông báo kháng cáo.

Cán bộ thi hành án được phân công có trách nhiệm hướng dẫn viết đơn yêu cầu thi hành án, nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp biên nhận cho người yêu cầu thi hành án.

Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, cán bộ được phân công phải trình Trưởng Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và gửi quyết định cho người nộp đơn yêu cầu thi hành án.

2. Quy trình tổ chức thi hành án:

Trong thời hạn không quá 40 ngày (trừ những vụ án khó khăn, phức tạp), Chấp hành viên phụ trách hồ sơ phải lập bảng xác định tiền và tài sản phải thi hành án; thông báo vào tống đạt các quyết định thi hành án cho các bên thi hành án và các cơ quan có liên quan, ấn định thời gian cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành án không quá 30 ngày, tiến hành xác minh tài sản và điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.

3. Quy trình cung cấp kết quả thi hành án theo yêu cầu xác minh:

Cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền khác có yêu cầu xác minh phải có giấy giới thiệu của cơ quan, kèm theo bản án, quyết định của Toà án và các tài liệu khác (nếu có) để nộp tại cơ quan thi hành án.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, cơ quan thi hành án phải cung cấp kết quả xác minh theo yêu cầu của cơ quan điều tra và cơ quan có thẩm quyền khác. Cán bộ lưu trữ hồ sơ thi hành án và Chấp hành viên phụ trách án chỉ xuất hồ sơ và cung cấp kết quả xác minh khi có ý kiến của Thủ trưởng cơ quan thi hành án.

4. Thu phí thi hành án:

Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên trị giá tài sản mà người đó thực nhận.

Mức phí thi hành án được tính như sau:
 

Stt

Số tiền hoặc giá trịtài sản thực nhận

Mức thu

1

Từ trên 1.000.000 đến 100.000.000 đồng

5% của số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận

2

Từ trên 100.000.000 đến 200.000.000 đồng

5.000.000 đồng + 4% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 100.000.000 đồng

3

Từ trên 200.000.000 đến 500.000.000 đồng

9.000.000 đồng + 3% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 200.000.000 đồng

4

Từ trên 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng

18.000.000 đồng + 2% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 500.000.000 đồng

5

Từ trên 1.000.000.000 đồng

28.000.000 đồng + 0,1% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 1.000.000.000 đồng

Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án trong những trường hợp như sau:

- Giảm 50% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

- Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng, người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.

5. Quy trình khắc phục hậu quả:

Người phải thi hành án và thân nhân người phải thi hành án muốn nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi Toà án xét xử phải có ý kiến đề nghị thu của Thẩm phán phụ trách xét xử vụ án.

Người phải thi hành án và thân nhân người phải thi hành án tự nguyện nộp tiền để khắc phục hậu quả sau khi có quyết định, bản án của Toà án phải cung cấp được số quyết định, bản án của Toà án đã xét xử.

6. Quy trình nhận và giải quyết đơn khiếu nại:

Người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án được quyền khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, nếu có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thời hạn khiếu nại là chín mươi ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, trừ trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Người khiếi nại phải gửi đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án (bộ phận tiếp dân) để trình bày những nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin liên quan đến việc khiếu nại và ký tên vào sổ tiếp dân.

Cán bộ tiếp dân phải cấp biên nhận đơn khiếu nại cho người gửi đơn trực tiếp và ghi chép những nội dung do người khiếu nại trình bày vào sổ tiếp dân và chuyển đến Thủ trưởng cơ quan giải quyết trong thời gian một ngày kể từ ngày nhận đơn.

Thời gian nhận và phân loại đơn khiếu nại, tố cáo là 2 ngày. Thời gian giải quyết đơn khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của Thi hành án dân sự cấp huyện thuộc thẩm quyền của Thi àhnh án dân sự tỉnh là 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Thi hành án dân sự cấp huyện chuyển đến.
 

                                                                                      Bảo Minh