Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên và Hà Tĩnh: Giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác thi hành án dân sự

12/03/2012
Ngày 16/02/2012, đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên và Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên đã tổ chức giao lưu học tập kinh nghiệm tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh. Tại đợt giao lưu, hai bên đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về công tác thi hành án dân sự, với nhiều ý kiến chân tình, cởi mở để cùng nhau áp dụng vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình, phấn đấu đưa công tác thi hành án dân sự ở mổi đơn vị phát triển bền vững:


I. Các cơ quan Thi hành án dân sự, cần tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức…

- Phát động cán bộ công chức toàn ngành thường xuyên học tập, nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình; thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, qui định những điều cán bộ công chức không được làm; đầu năm mổi công chức ký cam kết chấp hành kỷ cương kỷ luật hành chính trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nói không với tiêu cực và các tệ nạn xã hội.

- Hàng năm báo cáo đánh giá phân loại công chức gắn với báo cáo kết quả Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đánh giá phân loại công chức trên cơ sở coi trọng hiệu quả công tác; kiểm điểm xử lý kịp thời những công chức vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ…  

- Tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong tác nghiệp cho Chấp hành viên, công chức Thi hành án…

- Động viên, khen thưởng kịp thời những công chức có sáng kiến hay, việc làm tốt; đặc biêt chú ý việc xét nâng lương trước thời hạn cho những công chức có thành tích đặc biệt xuất sắc...;

- Luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý, không bố trí trên 02 nhiệm kỳ cho một công chức lãnh đạo ở một vị trí công tác…

II.  Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh đối với các Chi cục.     

- Mỗi năm nên tổ chức 02 đợt kiểm tra, thẩm tra việc thi hành án:

 * Đợt 01 vào khoảng tháng 3 – 4 hàng năm: Kiểm tra hướng dẫn, chỉ đạo toàn diện công tác nghiệp vụ và tổ chức thi hành án; chú trọng công tác xác minh phân loại án; hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp những việc thi hành án có khó khăn, phức tạp. Trong quá trình kiểm tra mỗi hồ sơ lập 01 phiếu kiểm tra, chỉ rõ những tồn tại thiếu sót, yêu cầu khắc phục và ấn định thời gian phải hoàn thành;

 * Đợt 02 vào cuối tháng 9, sau khi các đơn vị đã chốt số liệu báo cáo năm: Đợt kiểm tra này chủ yếu đối chiếu, rà soát số liệu báo cáo thống kê với sổ thụ lý, sổ kế toán và thực tế số liệu có tại hồ sơ; nhằm bảo đảm số liệu báo cáo thống kê là chính xác, làm cơ sở cho việc đánh giá phân loại công chức, cơ quan, đơn vị và công tác thi đua khen thưởng đúng thực chất; đồng thời  làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch công tác năm tiếp theo được chính xác, phù hợp với yêu cầu thực tế.

- Sau mổi đợt kiểm tra đều tổng hợp và ban hành kết luận về thực trạng, nguyên nhân những mặt tích cực và tồn tại; xây dựng chuyên đề, đề ra các giải pháp cụ thể để “Khắc phục tồn tại thiếu sót, nâng cao kết quả thi hành án dân sự” cho Chấp hành viên;

- Phân công Phó cục trưởng mỗi đồng chí phụ trách 01 Chi cục có số việc thi hành án nhiều và còn nhiều việc tồn đọng, mỗi Chấp hành viên tỉnh phụ trách 3 – 4 đơn vị Thi hành án cấp huyện, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn cụ thể các biện pháp giải quyết việc thi hành án có khó khăn, tồn đọng, khắc phục những tồn tại thiếu sót trong công tác thi hành án ở các Chi cục.

III. Nâng cao năng lực tổ chức thi hành án cho Chấp hành viên theo hướng chuyên nghiệp.

 - Tổ chức việc thi hành án phải kịp thời, liên tục không để gián đoạn, chấp hành nghiêm chỉnh thời hạn, thời hiệu ban hành các văn bản về Thi hành án dân sự; tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc, trình trự tủ tục theo qui định của pháp luật về Thi hành án dân sự và các qui định của pháp luật có liên quan;

- Tích cực khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành, bằng nhiều biện pháp, tác động về mặt tinh thần, tư tưởng, tôn vinh và nêu cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, làm cho người phải thi thi hành án nhận thức được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, từ đó lựa chọn biện pháp tự nguyện thi hành án;

- Xác minh điều kiện thi hành án trực tiếp kịp thời, không chỉ dựa vào lời trình bày của người phải thi hành án mà phải xác minh trực tiếp cụ thể điều kiện kinh tế, hiện trạng tài sản; khai thác thông tin thông qua nhiều kênh như người thân, bạn bè, đồng nghiệp, khối, xóm, cơ quan đơn vị nơi người phải thi hành án cư trú, công tác, có tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, đăng ký giao dịch bảo đảm..v.v;

- Nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành, mà không tự nguyện thi hành, hoặc có dấu hiệu chống đối, trốn tránh việc thi hành án, thì kiên quyết áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành;

- Thường xuyên báo cáo, thỉnh thị trao đổi nghiệp vụ với ngành cấp trên, nhất là những việc thi hành án có khó khăn, để nâng cao năng lực tổ chức thi hành án …;

- Những việc thi hành án cần phải cưỡng chế có khó khăn phức tạp; chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án chỉ đạo cưỡng chế thi hành;

- Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân cấp xã và các cơ quan tổ chức có nhiệm vụ quyền hạn trong thi hành án dân sự trên địa bàn, để thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, xác minh điều kiện thi hành án và áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án;

- Chủ động phối hợp Trại giam, Trại Tạm giam nơi có người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, trực tiếp hoặc có văn bản yêu cầu Ban giám thị trại hổ trợ phối hợp thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành và ghi lời khai về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, gửi cho cơ quan Thi hành án dân sự;

IV. Tăng cường vai trò thường trực, tham mưu tích cực cho Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp, chỉ đạo tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan có nhiệm vụ quyền hạn trong Thi hành án dân sự và chỉ đạo cưỡng chế thi hành những việc thi hành án dân sự có khó khăn, phức tạp:

- Ngoài thành phần Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự phải có theo qui định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân mời thêm các cơ quan có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thi hành án dân sự làm thành viên như: Viện kiểm sát nhân dân, Ngân hàng, Kho bạc, Bảo hiểm xã hội, Lao động thương binh & xã hội….;

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, qui định nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên theo hướng cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm, trong việc tổ chức, phối hợp giải quyết kịp thời các nội dung trực tiếp cần thiết liên quan đến hiệu quả thi hành án dân sự.

- Hàng năm tham mưu cho Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác chỉ đạo thi hành án dân sự trên địa bàn và ban hành Kế hoạch chỉ đạo công tác thi hành án dân sự cho năm tiếp theo;

V. Tăng cường giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng, không để tồn đọng do lỗi chủ quan.

- Xây dựng và triển khai thí điểm Đề án “ Tăng cường giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng”; phối hợp chặt chẽ với các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện, cùng thống nhất chỉ đạo  thực hiện:

Đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo đối với Chi cục Thi hành án dân sự; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cụ thể các biện pháp giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng, khắc phục những tồn tại thiếu sót; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, tăng cường năng lực giải quyết việc thi hành án dân sự cho Chi cục Thi hành án dân sự …;

Đối với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện: Chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự làm tốt vai trò thường trực của Ban chỉ đạo; tham mưu giúp UBND cùng cấp ban hành Chỉ thị về tăng cường nâng cao hiệu quả Thi hành án dân sự; xây dựng và ban hành Kế hoạch chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; tập trung làm tốt việc xác minh phân loại án, rà soát những vụ việc có khó khăn phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội cần cưỡng chế, trình Ban chỉ đạo giải quyết; đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Công an thành phố, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các cơ quan có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, hổ trợ tích cực cho công tác thi hành án dân sự....

Các kinh nghiệm rút ra trên đây có thể giúp được cho Cục Thi hành án dân sự Thái Nguyên & Hà Tĩnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2012.                                                                  

Võ Thuần Nho (Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh)