Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2012 và tập huấn công tác nghiệp vụ thi hành án

04/05/2012
Sáng ngày 26/4/2012, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2012 và tập huấn công tác nghiệp vụ thi hành án. Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, các Phó Cục trưởng và đông đảo Chấp hành viên của các Chi cục trực thuộc.

Hội nghị đã nghe dự thảo Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2012; Thông báo việc triển khai kế hoạch công tác năm 2012 và việc rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án. Theo đó, từ 01/10/2011 đến ngày 31/3/2012 tổng số việc phải thi hành là 20.739 việc, giảm 1.093 việc so với cùng kỳ năm 2011. Số thụ lý mới 11.666 việc, tăng 30 việc so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: 13.703 việc có điều kiện thi hành (66%), 7.036 việc chưa có điều kiện thi hành (34%). Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 8.626 việc/13.703 việc có điều kiện, đạt 63 %; giảm 431 việc = 5 %  so với cùng kỳ năm 2011. Tổng số tiền phải thu là 2.034 tỷ 496 triệu 938 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thu 1.484 tỷ 865 triệu 138 nghìn đồng (73%), số chưa có điều kiện thu 558 tỷ 631 triệu 800 nghìn đồng (27%). Đã thu được 337 tỷ 964 triệu 448 nghìn đồng, đạt 23% số tiền có điều kiện thu; tăng so với cùng kỳ năm 2011 là 141 tỷ 239 triệu 226 nghìn đồng = 72%. Việc tổng rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên toàn thành phố được thực hiện tương đối nghiêm túc, cơ bản đạt được yêu cầu đề ra, Chấp hành viên nhận thức được việc rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án là một trong các biện pháp làm giảm án tồn đọng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu được giao nên đã thực hiện việc rà soát, phân loại khá chính xác và đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Trong số việc thi  hành xong, có 13 việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, trong đó, Cục Thi hành án cưỡng chế 01 việc, các Chi cục Thi hành án cưỡng chế 12 việc. Nếu so với số việc đã thi hành thì số việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế chiếm tỉ lệ rất thấp. Số vụ việc đề nghị xét miễn, giảm: 131 việc, với số tiền là: 357 triệu 994 nghìn đồng. Đã xét miễn, giảm được: 119 việc, với số tiền là 256 triệu 856 nghìn đồng, trong đó miễn 104 việc, với số tiền 192 triệu 491 nghìn đồng; giảm 15 việc (trường hợp), 64 triệu 365 nghìn đồng. Tổng số đơn khiếu nại đã tiếp nhận: 111 đơn/99 việc, trong đó: Thuộc thẩm quyền của cơ quan Thi hành án khác: 37 đơn/37 việc. Thuộc thẩm quyền của cơ quan khác: 06 đơn/06 việc. Thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục Thi hành án dân sự cấp quận huyện: 23 đơn/19 việc, đã giải quyết: 22 đơn/18 việc, tồn: 01 đơn/01 việc. Thuộc thẩm quyền của Cục: 45 đơn/37 việc, đã giải quyết: 19 đơn/16 việc.

 

 

Cục Thi hành án đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại 15 đơn/14 việc, nội dung không chấp nhận toàn bộ khiếu nại. Ra 02 Thông báo đình chỉ giải quyết khiếu nại (đương sự rút đơn), tồn 26 đơn/21 việc, đây là những vụ việc mới thụ lý đang giải quyết theo trình tự quy định của pháp luật. Về công tác giải quyết tố cáo có tổng số đơn đã tiếp nhận: 12 đơn/11 việc. Thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội: 10 đơn/09 việc, đã giải quyết: 06 đơn/06 việc. Qua xác minh, giải quyết nội dung tố cáo đều không có căn cứ, không đúng sự thật, tồn 4 đơn/03 việc, hiện đang giải quyết. Thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục: 02 đơn/02 việc, đã giải quyết: 02 đơn/02 việc. Qua xác minh, giải quyết nội dung tố cáo đều không có căn cứ, không đúng sự thật. So với cùng kỳ năm 2011, số đơn thư khiếu nại, tố cáo của toàn thành phố giảm 24 đơn nhưng số việc khiếu nại, tố cáo lại tăng 13 việc. Tuy nhiên, quá trình giải quyết khiếu nại đã thực hiện tốt việc phối hợp với Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự thành phố cũng như các Chi cục Thi hành án cấp huyện. Việc giải quyết kịp thời gian, đúng nguyên tắc và đảm bảo tính khách quan. Cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các đơn vị Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố thông qua công tác tổng rà soát phân loại hồ sơ thi hành án các đơn vị thống kê lập danh sách các Bản án, Quyết định của Toà án tuyên không rõ, tuyên có sai sót, có căn cứ kháng nghị và bản án tuyên khó thi hành, hoặc không thi hành được để tổng hợp báo cáo và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét cho ý kiến chỉ đạo. Cơ bản các vụ việc được cơ quan Tòa án nhân dân có văn bản giải thích trả lời.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cán bộ được chú trọng, đến nay, bộ máy tổ chức của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội từ Cục đến các chi cục đã được kiện toàn, sắp xếp hợp lý và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện nay tổng biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội là 467/484 chỉ tiêu được giao, trong số đó biên chế ở Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội là: 84 (chỉ tiêu được giao là 86), số biên chế ở các Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã trực thuộc là 383 (chỉ tiêu được giao là 398). Ngoài ra công tác quản lý kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động thi hành án dân sự; quản lý, chỉ đạo và phối hợp trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương; thi đua, khen thưởng;  thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phòng chống tham nhũng cũng được quan tâm, chỉ đạo.

Hội nghị còn được nghe các tham luận của Chi cục Thi hành án dân sự Cầu Giấy, Sóc Sơn và Thanh Xuân; chuyên đề “Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm thông qua nội dung kiểm tra việc triển khai Kế hoạch công tác năm 2012 tại các Chi cục Thi hành án dân sự”, thảo luận các biện pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2012.

Ngày 27/4/2012, Hội nghị tập trung trao đổi một số chuyên đề: Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính về Thi hành án dân sự theo Thông tư 22/2011/TT-BTP; Hướng dẫn thực hiện Chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự theo Thông tư 91/2010/TT-BTC; Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự và quán triệt Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

T/N