Tẩu tán tài sản trong thi hành án dân sự: Cần kịp thời ngăn chặn và xử lý

22/08/2012
Theo báo cáo mới đây của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, việc tẩu tán tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự của người phải thi hành án thi hành án có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án mà còn biểu hiện rõ hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự của người phải thi hành án.

Người phải thi hành án cố tình chuyển dịch, tẩu tán tài sản

Vấn đề này cũng đã được Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định nhận xét tại đợt giám sát hoạt động Thi hành án dân sự mới đây tại các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh. Theo số liệu sơ bộ của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh, toàn tỉnh hiện nay có 61 vụ, việc mà người phải thi hành án đã tẩu tán tài sản trước, trong và sau khi có bản án, quyết định của Tòa án. Nhiều trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ, biết trước phải thi hành án, đã bằng mọi mánh khóe tẩu tán tài sản thuộc sở hữu của mình ở giai đoạn Tòa đang thụ lý giải quyết vụ việc, nhưng chưa được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời. Đến khi có bản án, quyết định của tòa án thì họ không còn tài sản, điều kiện để thi hành án. Nghiêm trọng hơn, sau khi đã có bản án, quyết định của tòa án và cá biệt có trường hợp đã có quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự nhưng người phải thi hành án bằng mọi cách cố tình chuyển dịch, tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Nhiều trường hợp việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản lại có sự “tiếp tay” của một số cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Hiện nay, các bản án, quyết định nói trên đang treo lơ lửng, tồn đọng, cơ quan Thi hành án dân sự chưa có biện pháp xử lý do không còn tài sản để thi hành án, nhất là các khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước. (Một vụ cưỡng chế thi hành án)

Quy định của pháp luật đối với các tài sản đã tẩu tán

Theo Thông tư liên tịch số 14/2010/TT-LT, ngày 26 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, tại khoản 1 Điều 6 đã quy định “ Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án ...” Như vậy, về cơ sở pháp lý thì mặc dù tài sản của người phải thi hành án đã bán sau khi có bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan Thi hành án dân sự vẫn có quyền kê biên, xử lý để đảm bảo việc thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản trong những trường hợp này rất phức tạp và khó thực hiện.

Vướng mắc khi xử lý tài sản đối với các trường hợp tài sản đã mua bán

Hiện nay, cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã kê biên tài sản của một số trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án tẩu tán, bán tài sản cho người khác đã được cơ quan Công chứng chứng nhận. Việc kê biên các tài sản này căn cứ vào khoản 1 Điều 6 của Thông tư nói trên. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật về thời điểm xác định quyền sở hữu tài sản và hiện tại Hợp đồng mua bán tài sản đã có hiệu lực, vì vậy để xử lý tài sản nói trên cần phải có sự phán quyết của Tòa án, xác định quyền sở hữu của tài sản đã bán. Trên cơ sở phán quyết của Tòa án, nếu xác định sở hữu tài sản của người phải thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự mới tổ chức thi hành. Nếu Tòa án chưa xác định sở hữu thì cơ quan Thi hành án dân sự không thể xử lý tài sản để thi hành án. Đây là vấn đề rất phức tạp, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất quan điểm xử lý giữa các cơ quan có liên quan thì khó có thể tổ chức thi hành trên thực tế. Về việc này, thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh cũng có nhiều quan điểm khác nhau: Tòa án thì cho rằng trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Ngành cấp trên chưa có hướng dẫn trong việc thụ lý, giải quyết vấn đề này, hiện tại thì cũng đã thụ lý một số trường hợp nhưng chậm giải quyết; còn cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương thì đề nghị cơ quan Thi hành án căn cứ vào các qui định của pháp luật tiến hành xử lý tài sản đã kê biên để thi hành án.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có tiếng nói chung

Để việc thi hành án dân sự nói chung và thi hành các vụ việc tẩu tán tài sản nói riêng đúng theo quy định, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có sự đồng thuận, thường xuyên phối hợp chặt chẽ, thống nhất quan điểm xử lý, có như thế mới hạn chế được hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản ngày càng gia tăng của người phải thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.

Công Hoàng