Tham dự Hội nghị gồm có các đồng chí lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, các đồng chí là chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án, Kế toán trưởng của Cục. Đặc biệt là sự có mặt của đồng chí Đặng Văn Trọng – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Phí Văn Hoan – Trưởng phòng Kiểm sát thi hành án – Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Đức Cường – Thượng tá – Trưởng phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và các đồng chí cán bộ các phòng nghiệp vụ - Công an tỉnh.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Viện – Phó Cục trưởng trình bày Báo cáo công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ công tác 06 tháng cuối năm 2013. Theo báo cáo, toàn tỉnh đã thụ lý 3.273 việc, trong đó có điều kiện thi hành 2.253 việc (chiếm 69% so với tổng số việc thụ lý), chưa có điều kiện thi hành 1.020 việc (chiếm 31% so với tổng số việc thụ lý). Đã giải quyết xong 1.562 việc (chiếm 69,3% so với số có điều kiện thi hành; tăng 19% so với cùng kỳ);
Tổng số tiền đã thụ lý 47.245.094.000đ, trong đó số tiền có điều kiện thi hành 36.623.103.000đ (chiếm 77,5% so với tổng số tiền thụ lý), số tiền chưa có điều kiện thi hành 10.621.991.000đ (chiếm 22,5% so với tổng số tiền thụ lý). Đã giải quyết xong 6.091.167.000đ (chiếm 17% so với số có điều kiện thi hành; tăng 37,7% so với cùng kỳ). Nhìn chung, kết quả giải quyết xong đều vượt tỷ lệ cả về việc và tiền so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên nhiệm vụ trong 06 tháng cuối năm 2013 là rất nặng nề đối với các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái do số việc mới thụ lý đều có tổng số tiền phải thi hành án rất lớn và phức tạp.
Trong phần thảo luận do đồng chí Nguyễn Văn Viện – Phó Cục trưởng chủ trì, các đồng chí Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc, giải trình lý do tỷ lệ thi hành xong về tiền trên số có điều kiện thi hành và biện pháp, giải pháp khắc phục những khó khăn trong công tác tổ chức thi hành án, nhất là các vụ án vừa mới thụ lý với số tiền phải thi hành án lớn, bên cạnh việc giải đáp những đề xuất, kiến nghị liên quan đến nghiệp vụ tổ chức thi hành án, đồng chí Nguyễn Văn Viện cũng dự báo trong thời gian tới các cơ quan Thi hành án trong tỉnh sẽ tiếp tục thụ lý mới những vụ án lớn, do đó cần phải tích cực áp dụng triệt để các biện pháp tổ chức thi hành án để đảm bảo chỉ tiêu giao.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Đào Duy Niên - Phó Cục trưởng trình bày báo cáo khảo sát tình hình an ninh, trật tự an toàn cơ quan trong thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ công tác an ninh trật tự trong thời gian tới; Kế hoạch Phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2013; công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” năm 2013.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Cường – Thượng tá – Trưởng phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Yên Bái đã nhất trí cao với báo cáo khảo sát và Kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” của Cục Thi hành án dân sự. Đồng chí đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự đối với công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn cơ quan trong những năm qua, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của Cục; đồng chí đã nêu những bất ổn về chính trị trên thế giới trong thời gian qua để tuyên truyền cho cán bộ, công chức của Cục Thi hành án dân sự nắm rõ hơn và nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện về âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, các tội phạm hình sự,…
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Hải – Cục trưởng ghi nhận những cố gắng của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị cũng như toàn thể cán bộ, công chức trong thời gian qua, chia sẻ những khó khăn tại cơ sở với các đồng chí. Đồng chí nhấn mạnh: “Năm 2013, là năm đầu tiên Quốc hội ra Nghị quyết về công tác Tư pháp trong đó có công tác thi hành án dân sự thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác Tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng, đồng thời cũng là thách thức đối với Ngành khi Quốc hội trực tiếp giao chỉ tiêu tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành, trong khi đó nền kinh tế tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi hành án dân sự; bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 06 tháng đầu năm 2013 thì việc thực hiện chỉ tiêu được Tổng cục, Bộ Tư pháp giao là vấn đề thách thức lớn đối với chúng ta, do đó đòi hỏi toàn Ngành cần tập trung giải quyết trong 06 tháng cuối năm 2013 đó là:
1) Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các đơn vị trong công tác tổ chức thi hành án; kịp thời tổ chức xác minh điều kiện thi hành án đối với các việc mới thụ lý chưa thi hành để có biện pháp giải quyết kịp thời; tiếp tục áp dụng tối đa các biện pháp giải quyết thi hành án để toàn tỉnh sớm đạt các chỉ tiêu Bộ Tư pháp, Tổng cục giao nhất là tỷ lệ thi hành xong trên có điều kiện thi hành án là 88% về việc, 77% về tiền và giảm 10% số việc chuyển sang năm 2014.
2) Tăng cường công tác kiểm tra của Cục đối với các đơn vị, nhất là việc ra quyết định thi hành án, phân loại án chính xác và số liệu báo cáo thống kê kết quả thi hành án. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện các chỉ tiêu giao, đồng thời là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị.
3) Các đồng chí lãnh đạo Cục được giao phụ trách các đơn vị, các phòng chuyên môn thuộc Cục cần tăng cường giám sát hoạt động của các Chi cục để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; chủ động tham mưu, đề xuất những biện pháp để tạo bước đột phá trong công tác tổ chức thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Các đồng chí Chi cục trưởng cần tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới nhất là các chấp hành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ để kịp thời chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc và ngăn chặn, phòng ngừa các sai phạm xảy ra tại đơn vị.
4) Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Cục chủ động tham mưu tổ chức phát động các đợt thi đua chuyên đề trong toàn Ngành để định hướng cho các Chi cục phát động phong trào thi đua tại cơ sở nhằm thúc đẩy được các cá nhân, tập thể hăng hái, nhiệt tình tham gia, cùng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
5) Tiếp tục chú trọng giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp và chấp hành viên, đẩy mạnh việc thực hiện ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ”Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
6) Triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ an ninh Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động và tích cực phát hiện tố giác tội phạm, ngăn chặn âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và bảo đảm an ninh trật tự trong cơ quan.
Minh Hải
Cục THADS tỉnh Yên Bái