Báo cáo đánh giá kết quả công tác thi hành án dân sự 8 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2013 do đồng chí Phó Cục trưởng Dương Minh Công trình bày tại Hội nghị cho thấy nhiều đơn vị đã có cố gắng trong việc giải quyết hồ sơ thi hành án, đạt tỷ lệ cao như: Phú Xuyên 94%; Ứng Hòa (88%); Cầu Giấy, Ba Vì, Thường Tín (79%); Gia Lâm 75% Kết quả thi hành xong về giá trị: Phú Xuyên, cầu Giấy (73%); Tây Hồ (80%). So với kết quả 7 tháng đầu năm 2013, nhiều đơn vị có kết quả thi hành án 8 tháng đạt tỷ lệ cao hơn, như: Đống Đa (đạt 74%, tăng 9% so với kết quả 7 tháng); Sóc Sơn (đạt 74%, tăng 10% so với kết quả 7 tháng); Mê Linh tăng 12%; Chương Mỹ tăng 10%; Thanh Trì tăng 9%; Thanh Xuân tăng 8%; Gia Lâm tăng 7%...; về tiền thi hành xong: Mê Linh đạt 59%, tăng 35% so với kết quả 7 tháng; Phú Xuyên tăng 17%; Sơn Tây tăng 22%; Thạch Thất tăng 16%; Mỹ Đức tăng 8%; Thanh Xuân tăng 6%...
Lãnh đạo các đơn vị tham dự họp đã tập trung báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án của đơn vị mình. Theo đó, công tác thi hành án dân sự có thuận lợi là được chính quyền địa phương ủng hộ, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự quan tâm chỉ đạo, các ngành hữu quan phối hợp tốt trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều. Khó khăn nổi cộm trong 8 tháng đầu năm 2013, các đơn vị đều phản ánh số việc kinh doanh thương mại tiếp tục tăng, số tiền phải thi hành rất lớn, nhiều đơn vị số tiền thụ lý mới của 8 tháng đầu năm tăng 200% so với số tiền phải thi hành của cả năm 2012. Qua xác minh, phân loại nhiều vụ việc không có điều kiện tài sản để thi hành án, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tài sản kê biên không bán được, cá biệt có vụ việc giảm giá 7 lần vẫn không có người mua; có tình trạng đương sự khiếu nại về giá nhưng không nộp tiền chi phí định giá lại, thực chất là lợi dụng khiếu nại để kéo dài việc thi hành án.
|
|
Lãnh đạo các đơn vị đều biểu thị quyết tâm chính trị cao trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, một số đơn vị cũng dự báo khó hoàn thành chỉ tiêu giảm việc chuyển kỳ sau, lý do là trong số những vụ chưa có điều kiện thi hành đã đề nghị Tòa án xét miễn, giảm những trường hợp đủ điều kiện được xem xét miễn, giảm nên không thể giảm được nữa, trong khi việc, tiền thụ lý mới năm 2013 tăng hơn năm 2012.
Một số đơn vị có khó khăn về số lượng biên chế và chấp hành viên có đề nghị Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội điều động luân chuyển, biệt phái, tăng cường hỗ trợ cho đơn vị giải quyết việc thi hành án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Một khó khăn chung của các đơn vị trình bày, đó là đơn vị và chấp hành viên nhận được quá nhiều yêu cầu báo cáo đột xuất, thời hạn thực hiện báo cáo rất gấp, trong khi chấp hành viên phải thực hiện nhiều biểu thống kê kết quả thi hành án và đơn vị còn thực hiện các loại báo cáo khác theo quy định của Ngành, của cấp ủy và chính quyền địa phương, do đó ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải quyết hồ sơ thi hành án của chấp hành viên và của đơn vị.
Sau khi giải đáp các ý kiến, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Cục trưởng Lê Quang Tiến đã chỉ đạo Lãnh đạo
các đơn vị cần phải quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án; cần phải xác định rõ và đề ra các biện pháp cụ thể, thiết thực và phải có quyết tâm chính trị cao phấn đấu đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao. Đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự, tổ chức các đợt cao điểm về thi hành án, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác phân loại án, đồng thời, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án; phải xem xét, rút kinh nghiệm nghiêm túc, tăng cường tự kiểm tra và công tác kiểm tra để khắc phục tồn tại, yếu kém; tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra số 859/KH-TCTHADS-TTr ngày 16/4/2013 của Tổng cục Thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ Tư pháp theo đúng phạm vi, nội dung và thời hạn đã quy định; tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai, thực hiện Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã và Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị mình tiếp tục cụ thể hóa từng nội dung của 5 chuẩn mực để cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị thực hiện bảo đảm chất lượng và tiến độ theo đúng Kế hoạch đã đề ra; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ được giao. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua đợt cao điểm lập thành tích chào mừng Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và báo cáo kết quả giải quyết lên cấp trên khi có yêu cầu; nâng cao năng lực quản lý, tăng cường đoàn kết nội bộ, thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của công chức trong đơn vị, tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật công vụ và kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra phát hiện, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện và chỉ đạo công chức thuộc đơn vị thực hiện nghiêm cam kết không uống rượu bia trước và trong ngày làm việc; không hút thuốc lá trong công sở và nơi công cộng.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự cũng chỉ đạo, yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành phố và Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục rà soát lại chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị mình, bám sát Kế hoạch công tác năm 2013 của Ngành, của Cục và phương hướng, nhiệm vụ công tác 4 tháng cuối năm 2013 để tiếp tục tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả các mặt công tác, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao./.
Đàm Thị Kiều Oanh
Cục THADS TP Hà Nội