Hà Nội: Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, hướng tới Ngày truyền thống Thi hành án dân sự Việt Nam (19/7/1946 – 19/7/2013)

15/07/2013
Giải pháp tốt cho kết quả cao:
Đánh giá 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong ngành Thi hành án dân sự thủ đô, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Lê Quang Tiến nhấn mạnh “công tác thi hành án dân sự đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, nhiều vụ án tồn đọng phức tạp, kéo dài đã được giải quyết, tình trạng khiếu nại, tố cáo giảm, đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn”.


Tăng cường cán bộ cho những địa bàn trọng điểm:

Ngày 10/7/2013, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW. Qua tổng kết cho thấy cải cách tư pháp trong cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội được đánh giá là khá bài bản, từ việc quán triệt nghị quyết, ban hành các văn bản chỉ đạo đến việc kiểm tra đôn đốc thực hiện. “Công tác thi hành án dân sự đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Ban chỉ đạo Thi hành án các cấp, sự phối hợp, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị ở địa phương”. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực của ngành Thi hành án đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt về chuyên môn như phát động các đợt cao điểm về thi hành án, chỉ đạo việc rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án chính xác, kịp thời; Thực hiện tốt quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về thi hành án…Nhờ vậy, kết quả thi hành án dân sự từ 2006 đến nay đều đạt tỷ lệ cao cả về việc và tiền. Công tác thi hành án hành chính theo luật mới cũng cho những kết quả nhất định.

Đặc biệt, trung tâm của cải cách tư pháp chính là yếu tố con người, xác định đội ngũ cán bộ là khâu “then chốt” quyết định thành công, những năm qua Hà Nội luôn quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy. Đến nay đã thực hiện được 514/518 chỉ tiêu biên chế được giao. Đội ngũ lãnh đạo Cục, các Chi cục cơ bản được kiện toàn, cán bộ thi hành án được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2008 đến nay Hà Nội đã tuyển dụng, tiếp nhận, luân chuyển, điều động, biệt phái, thuyên chuyển hàng trăm cán bộ công chức. Việc điều động, luân chuyển này nhằm tăng cường cho những địa bàn trọng điểm, phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ, tạo động lực cho anh em trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cần tính đến khả năng thi hành của đương sự:

Với số lượng việc và giá trị thi hành rất lớn (đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh), Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết tình trạng quá tải công việc vẫn chưa khắc phục được. Có những quận nội thành, chấp hành viên phải thi hành 300 đến 400 việc/năm. Chưa kể nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, liên quan đến nhiều người, có tính chất phức tạp, đặc biệt là các tranh chấp về thương mại, quyền sử dụng đất và xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh. Do áp lực công việc, nhiều cán bộ thi hành án đã xin chuyển công tác.

Trưởng phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án Phạm Quang Dũng cho biết thêm “Luật Thi hành án dân sự có nhiều quy định đã bộc lộ sự bất cập, nhất là trình tự xử lý tài sản bảo đảm còn kéo dài, nhiều vụ không thể thi hành do đương sự không có tài sản”. Do đó, ngoài việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, cần nhanh chóng có các văn bản hướng dẫn để có cơ sở thực hiện, ông Dũng còn đề nghị “Tòa án khi tuyên cần tính đến khả năng thi hành của đương sự”.

Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự còn cho biết hiện nay cơ sở vật chất của ngành còn chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW. Trụ sở một số Chi cục Thi hành án dân sự còn chật hẹp, xuống cấp, các dự án đầu tư xây dựng trụ sở và kho vật chứng dù có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nghèo nàn, lạc hậu so với mặt bằng chung…

Tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, tăng cường công tác phối hợp với các ngành trên địa bàn thành phố, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện nhiều giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ…là những giải pháp mà Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đặt ra để tiếp tục góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp nói chung, lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng đạt hiệu quả cao.

            Thu Hằng