Thí điểm mô hình biệt phái
Ngày 1/8, Cục Thi hành án tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Lễ tiếp nhận 10 Chấp hành viên được biệt phái về tăng cường cho địa phương nhằm kéo giảm lượng án ở Tây Ninh.
Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới kéo dài gần 250km với nước bạn Campuchia, dân số đông. Những năm gần đây do nền kinh tế phát triển năng động, đồng thời những tranh chấp kinh tế, giao dịch dân sự ngày càng nhiều dẫn đến lượng việc thi hành án ngày càng lớn. Trong khi lượng án lớn thì số lượng Chấp hành viên lại khiêm tốn. Tính trung bình hiện nay mỗi Chấp hành viên phải xử lý gần 500 vụ việc/1 năm, thậm chí có huyện lên tới hơn 800 vụ việc.
Hiện nay tổng số vụ việc thụ lý là gần 25 ngàn, đứng thứ 4 toàn quốc (đứng sau TP.HCM, Hà Nội và Tền Giang). Một số địa phương có lượng án như huyện Hòa Thành, thị xã Tây Ninh, huyện Gò Dầu, huyện Trảng Bàng. Theo đó 10 Chấp hành viên được biệt phái lần này sẽ được bổ sung cho 4 huyện, thị này. Hiện theo thống kê thì huyện Hòa Thành có gần tới 4 ngàn việc, nhưng chỉ có 6 Chấp hành viên, như vậy tính ra thì mỗi chấp hành viên nơi đây mỗi năm phải thụ lý 655 việc. Tương tự thì thị xã Tây Ninh là 500 việc mỗi Chấp hành viên. Đặc biệt ở huyện Gò Dầu mỗi Chấp hành viên phải thụ lý hơn 800 việc.
Trước tình hình bức bối này, Tổng Cục Thi hành án dân sự đã quyết định biệt phái cho tỉnh Tây Ninh 10 Chấp hành viên trong thời gian 1 năm nhằm giúp đỡ Tây Ninh tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án.
Sẽ là “luồng gió mới”
Trong số 10 Chấp hành viên biệt phái lần này về Tây Ninh, thì 100% anh em đều xung phong. Người xa nhất là ở Ninh Bình, cách Tây Ninh gần 2.000km, sau đó là một số anh em ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Riêng Thành Phố Hồ Chí Minh, dù lượng án còn rất lớn, nhưng cũng đã chủ động sắp xếp để chia sẻ với Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh 5 Chấp hành viên.
Chấp hành viên Nguyễn Thanh Hà - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh- Tổ trưởng tổ biệt phái phát biểu: “Được về với Tây Ninh là một niềm vinh dự với tất cả anh em biệt phái. Dù còn mới lạ với địa phương mới, nhưng anh em hứa sẽ cố gắng nổ lực hết mình để cùng với anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả. Anh em Chấp hành viên biệt phái cũng rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để anh em hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhằm giảm tải cho Thi hành án Tây Ninh, cũng như góp phần cho toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Là lần đầu tiên đi xa nhà gần 2.000km, Chấp hành viên Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1980 ở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Mô, Ninh Bình bày tỏ: “Là thanh niên chưa vợ con nên khi nghe được chủ trương biệt phái vào Tây Ninh tôi đã làm đơn xung phong. Mình thấy anh em ở Tây Ninh vất vả quá vì có lượng vụ việc quá lớn, mỗi năm mà phải thụ lý đến hơn 800 vụ việc thì ai mà làm cho nổi. Để chia sẽ với anh em nơi đây, tôi đã xung phong đi ngay. Tôi hứa sẽ cố gắng hết mình để cùng anh em địa phương nơi được nhận công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Dù phải xa người vợ trẻ và cậu con trai mới 10 tháng tuổi, nhưng với Chấp hành viên Trần Văn Đạt, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị thì việc biệt phái lần này là một trường học lớn: “Biết đi xa sẽ nhớ vợ, nhớ con, nhưng mình đã chấp nhận nghề nghiệp thì cũng phải biết hy sinh cho sự nghiệp. Với thời gian một năm, mình nghĩ chắc không quá dài, nhưng chắc nó sẽ đem lại cho mình nhiều kinh nghiệm hơn sau này”.
Còn với cậu thanh niên chưa vợ Hoàng Quốc Vận sinh năm 1982 ở Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế thì: “Tôi là con út trong gia đình, hiện bố mẹ đều đã gần 80 tuổi và đang ở với tôi. Tuy biết cha mẹ tuổi già sức yếu, nhưng tôi nghĩ đi một năm thì cũng không sao vì ở ngoài đó còn có anh chị nhà sát bên cạnh sẽ qua chăm sóc, thăm nom bố mẹ tôi. Ngày tôi đi, thấy tôi chưa vợ con nên bố mẹ cũng thương lắm, dặn dò đủ điều là cố vào đó làm cho tốt rồi cũng phải tính chuyện lập gia đình chứ đã ngoài 30. Tôi chỉ biết hứa sẽ cố gắng để không phụ lòng bố mẹ và anh em tin tưởng”.
Lớn tuổi nhất đoàn là Chấp hành viên Nguyễn Thế Sửu ở Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Năm nay anh Sửu đã 53 tuổi, đã có 20 gắn bó với nghề từ ngày thành lập tới nay. Suốt thời gian đó anh đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ ở Chi cục Thi hành án Đồng Hới, cũng như góp phần hoàn thành nhiệm vụ ở Cục Thi hành án dân sự Quảng Bình. “Tôi xung phong đi là để học hỏi. Ngày tôi nộp đơn, vợ và con tôi cũng có ý khuyên can vì mình đã lớn tuổi, đi xa thế sợ không tiện, để lớp trẻ làm cho. Tuy nhiên, tôi cũng động viên vợ con hãy yên tâm vì sức khỏe mình còn tốt, hơn nữa đã gọi là biệt phái thì cần những người có kinh nghiệm một chút mới giúp địa phương tốt được… Vậy là vợ con tôi cũng đồng tình và ủng hộ tinh thần của tôi”.
Mỗi người một nỗi niềm riêng, không ai bảo ai, nhưng họ đều tự hứa với lòng mình sẽ cùng với anh em địa phương nỗ lực cố gắng để rồi một năm sau, lượng vụ việc trên địa bàn Tây Ninh sẽ được kéo giảm mạnh mẽ để từ đó mô hình này sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác nhằm hoàn ngành nhiệm vụ chung của toàn ngành.
“Điều anh em lo lắng nhất chính là sợ bất đồng về ngôn ngữ: “Bọn tui ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có giọng nói hơi nặng, sợ vào đây nói bà con nghe không kịp, không hiểu rõ. Chỉ còn cách là dần dần học hỏi để thích nghi thì chắc mình sẽ làm tốt công việc…” Chấp hành viên Bùi Anh Sơn chi cục THADS huyện Bố Trạch Quảng Bình chia sẻ.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Vũ Quốc Danh- Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết: “Với một khối lượng công việc lớn, người thì rất ít, có nơi hơn 800 vụ việc thì quả là một áp lực quá lớn với người làm công tác thi hành án. Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất áp lực công việc vì việc chiếm 1/7 cả nước, giá trị chiếm ½ cả nước… Dù còn khó khăn, nhưng chúng tôi cũng sắp xếp để chia sẻ với Tây Ninh. Hy vọng với luồng gió mới, khí thế mới sẽ tạo ra không khí làm việc thi đua sôi nổi”.
Phát biểu tại buổi Lễ ý nghĩa này, ông Nguyễn Thanh Thủy- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án sân sự - Bộ Tư pháp nói: “Tây Ninh là đơn vị đầu tiên tiếp nhận Chấp hành viên biệt phái. Sở dĩ biệt phái với Tây Ninh là do địa phương có án lớn. Nếu mô hình này thực hiện hiệu quả thì sẽ lấy đây làm mẫu để nhân rộng ra các đơn vị khác nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ mà ngành được giao”.
Chia sẻ về những khó khăn với các Chấp hành viên được biệt phái, ông Nguyễn Thanh Thủy nhận định: “Bước đầu chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng mong anh em nên yên tâm công tác, đoàn kết với anh em địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phân công công việc, có nhận xét, đánh giá với Chấp hành viên biệt phái, tạo điều kiện giúp đỡ cho Chấp hành viên biệt phái yên tâm công tác”.
Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án tỉnh phát biểu: “Trong tôi lúc này có một cảm giác vô cùng khó tả. Tôi rất vui vì anh em đã về đây để giúp đỡ chúng tôi. Án lớn ở Tây Ninh không phải trên trời rơi xuống, mà đây có một phần trách nhiệm của chúng tôi. Việc biệt phái Chấp hành viên là một tự hào vì từ đây Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Chính vì thế, hơn ai hết, chúng tôi sẽ cố gắng để tạo ra cách làm mới, hiệu quả, có như vậy mới khỏi phụ lòng tin tưởng để thực hiện mô hình thí điểm ở địa phương chúng tôi. Chúng tôi rất cảm ơn các anh em đã hy sinh sự gần gũi với người thân để xa vợ, xa con, xa người thân về đây chia sẻ khó khăn với chúng tôi. Mong các anh em đoàn kết, cống hiến để Tây Ninh kéo giảm lượng án trong thời gian tới”.
Thay mặt Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, đồng chí Cục trưởng đã cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo và biệt phái Chấp hành viên của lãnh đạo về với Tây Ninh và hy vọng anh em Chấp hành viên được biệt phái nỗ lực phối hợp với anh em địa phương để tạo ra một luồng gió mới cho Thi hành án Tây Ninh.
Ngọc Quý