Thanh Hóa: Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

19/09/2013
Ngày 17/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có Quyết định số 2308/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Thanh Hóa”.


Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm xác định sự cần thiết, tính hiệu quả của Thừa phát lại trong hoạt động tư pháp; đưa ra các giải pháp, kế hoạch triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại, từ đó có đánh giá đầy đủ hơn, làm cơ sở tổng kết, báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định những chủ trương tiếp theo, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Thời gian thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại từ năm 2013 đến 2015, toàn tỉnh sẽ có 4 Văn phòng Thừa phát lại. Các điều kiện mở văn phòng, bổ nhiệm, kiểm tra giám sát hoạt động thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong quý IV-2013, tỉnh Thanh Hóa sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại để chỉ đạo công tác phối hợp; kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức, thực hiện; xem xét tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm; chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án. Dự kiến tháng 7-2014, địa phương và Bộ sẽ phối hợp tổ chức sơ kết việc thực hiện thí điểm; tổ chức tổng kết vào tháng 7-2015.

Sở Tư pháp có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quản lý nhà nước về hoạt động thừa phát lại; tiếp nhận hồ sơ, thực hiện các thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại; tiếp nhận hồ sơ, thực hiện các thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại theo quy định. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các sở, ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện Đề án và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm theo quy định.

Nguyễn Oanh