Thực tiễn Thi hành án dân sự đối với cá nhân, tổ chức là người nước ngoài ở Bình Dương

25/09/2013
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nên phát sinh nhiều tranh chấp nợ đối với doanh nghiệp, trong đó số lượng tranh chấp liên quan đến yếu tố nước ngoài chiếm tỷ lệ cao. Điều này dẫn đến số lượng thụ lý thi hành án dân sự liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng ngày càng tăng, đặc biệt những vụ việc này thường có giá trị thi hành lớn, kết quả thi hành có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành chung của công tác tổ chức thi hành án, tuy nhiên quá trình tổ chức thi hành án đối với những trường hợp này cũng gặp không ít khó khăn…


1.Tình hình thực tiễn ở Bình Dương

Bình Dương là một trong những tỉnh có nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế - xã hội và chính sách lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thu hút được sự đầu tư rất lớn của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước, do đó số lượng án có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ tương đối cao. Hiện tại các cơ quan Thi hành án dân sự Bình Dương đã và đang nỗ lực nhằm hoàn thành chỉ tiêu của ngành đã đề ra, tuy nhiên quá trình tổ chức thi hành án còn gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là việc tổ chức thi hành án đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài thường kéo dài, chúng tôi xin nêu một số thực tiễn ở địa phương.

Hiện nay các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị thi hành lớn (điển hình như vụ Công ty TNHH VinaRong Hsinh thi hành hơn 70 tỷ đồng, vụ Công ty TNHH Coint Vina thi hành trên 48 tỷ đồng) trong khi khả năng thi hành bằng tiền mặt không cao, chủ yếu là phải xử lý tài sản để  bảo đảm cho việc thi hành án. Tuy nhiên, quá trình xác minh, được biết nhiều trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không còn ở Việt Nam, thậm chí có trường hợp toàn bộ doanh nghiệp bỏ trốn, không ai quản lý tài sản. Những trường hợp này phát sinh nhiều hệ lụy liên quan, nên quá trình thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, việc thi hành án phải kéo dài và điều này ảnh hưởng nhiều đến kết quả thi hành án trong năm.

Đối với trường hợp này, qua xác minh thì đa phần là toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp ngân hàng, do đó khi phát hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, thì ngân hàng đã kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan Thi hành án để quản lý tài sản. Vấn đề đặt ra là trước mắt chi phí quản lý tài sản (như thuê người bảo vệ...) rất lớn, nếu phía ngân hàng không phối hợp, ứng trước để thanh toán trong khi chờ xử lý tài sản, thì cơ quan Thi hành án dân sự sẽ gặp khó khăn về khoản chi phí này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cơ quan Thi hành án không thể thông báo cho người phải thi hành án là doanh nghiệp có người đại diện đã rời khỏi Việt Nam theo thủ tục thông thường được quy định tại Điều 40, 41, 42, 43 của Luật Thi hành án dân sự, mà phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007 và Điều 23, Điều 15 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011. Nhưng thực tế quá trình thực hiện các thủ tục ủy thác mất rất nhiều thời gian.

Cụ thể cơ quan thi hành án áp dụng tương tự theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 của Thông tư liên tịch số 15 nêu trên thì sau 06 tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan Thi hành án dân sự cần ủy thác coi như đã thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục đối với đương sự ở nước ngoài đó và sẽ tiếp tục tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qui định trên chỉ quy định thời hạn gửi hồ sơ ủy thác tư pháp lần hai, nhưng không quy định thời hạn bao lâu kể từ ngày gửi hồ sơ ủy thác tư pháp lần một, mà không có kết quả, thì mới tiếp tục gửi lần 2, dẫn đến việc thực hiện ủy thác tư pháp lần thứ nhất có thể bị kéo dài vô thời hạn. Thực tế tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương có những trường hợp ủy thác tư pháp kéo dài 02 năm, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp, trong khi đó giá trị thi hành tương đối lớn, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án của đơn vị. Điển hình như vụ Công ty TNHH Hankook Bed ủy thác từ tháng 6/2011; vụ Công ty TNHH Coint Vina ủy thác Tư pháp từ tháng 11/2011, giá trị thi hành là trên 48 tỷ đồng. Việc ủy thác tư pháp mất nhiều thời gian chẳng những làm cho việc thi hành án kéo dài, mà còn phát sinh khiếu nại của đương sự. Sau khi có được kết quả ủy thác tư pháp, thì cơ quan thi hành án dân sự mới tiến hành các thủ tục xử lý tài sản của người phải thi hành án và việc xử lý tài sản phải mất nhiều thời gian, chưa kể trường hợp tài sản kê biên đã đưa ra bán đấu giá, giảm giá nhiều lần, nhưng không có người đăng ký mua.

Tình trạng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn còn phát sinh nhiều hệ lụy liên quan như doanh nghiệp còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, lương công nhân, tiền thuế...Khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản, thì số đông công nhân lao động đã kéo đến trụ sở của cơ quan Thi hành án để đề nghị xem xét giải quyết quyền lợi của họ...Vì vậy, cơ quan Thi hành án phải phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan như Liên đoàn lao động, Sở Lao động thương binh và xã hội, Tòa án... để hướng dẫn, giải quyết những trường hợp này theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương còn thụ lý thi hành các khoản hoàn trả cho cá nhân, tổ chức nước ngoài một khoản tiền tạm ứng án phí không lớn. Tuy nhiên, do địa chỉ của người được thi hành án ở nước ngoài, nên cơ quan Thi hành án chưa thể hoàn trả được số tiền nêu trên, trong khi việc ủy thác tư pháp lại tốn kém chi phí, thậm chí nhiều hơn số tiền hoàn trả gấp nhiều lần.

Hiện nay, tình hình cá nhân, tổ chức là người nước ngoài rời khỏi Việt Nam trong khi chưa xử lý xong các khoản nợ tại Việt Nam bắt đầu phổ biến, điều này gây lo ngại cho công tác tổ chức thi hành án, do đó cơ quan Thi hành án nếu không kịp thời ra qquyết định hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án, thì việc thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn (cần lưu ý trước khi ra quyết định hoãn xuất cảnh, cần phải xác minh tại Sở Kế hoạch và đầu tư về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại, nhằm đảm bảo đúng đối tượng).

Có ý kiến cho rằng đối với doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam mà người đại diện theo pháp luật không có mặt tại Việt Nam, thì thực hiện việc thông báo thi hành án theo địa chỉ của doanh nghiệp, chứ không ủy thác tư pháp theo địa chỉ của người đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài, vì thực tế cho thấy việc ủy thác tư pháp không có kết quả.

Về việc xử lý kê biên quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền trên đất thuê, là một trong những khó khăn thường gặp nhất trong việc xử lý tài sản của tổ chức người nước ngoài liên quan đến quyền sử dụng đất thuê của Nhà nước bằng hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và các tài sản gắn liền trên đất thuê. Về vấn đề này, theo Điều 110, 111 Luật Đất đai, thì doanh nghiệp chỉ được quyền chuyển nhượng tài sản trên đất gắn liền với đất thuê, do đó cơ quan Thi hành án chỉ được thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản trên đất chứ không được xử lý quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế, trước khi được Nhà nước cho thuê đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc giải tỏa, đền bù cho những hộ dân đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất với giá trị tương đương  giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường. Do đó, nếu không kê biên quyền sử dụng đất thì không thể tính giá trị quyền sử dụng đất đã đền bù trước đó và đương sự khiếu nại bức xúc, vì cho rằng thiệt hại cho họ là rất lớn. Trong khi người mua trúng đấu giá thì đương nhiên được tiếp tục thuê đất, mà không phải thanh toán lại cho doanh nghiệp các khoản tiền đã bỏ ra trước đó.

 Đối với tài sản của doanh nghiệp là hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy,  theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 87 Luật Thi hành án dân sự thì tài sản trên thuộc trường hợp không được kê biên. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp doanh nghiệp đầu tư hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy gắn liền với hệ thống của doanh nghiệp và có giá trị sử dụng tương đối lớn, doanh nghiệp không còn hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn…Vậy nếu cơ quan Thi hành án dân sự kê biên, xử lý toàn bộ tài sản của doanh nghiệp mà không kê biên luôn phần hệ thống phòng cháy chữa cháy, thì hệ thống này giao ai quản lý, sử dụng, thiệt hại ai chịu trách nhiệm, trong khi tài sản này cũng có giá trị tương đối lớn?. Trường hợp này có ý kiến cho rằng nếu chỉ kê biên riêng hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy là không được, nhưng trường hợp kê biên toàn bộ doanh nghiệp, thì nên kê biên luôn hệ thống này, nhằm bảo đảm quyền lợi của các đương sự (vì thực tế nếu kê biên, vẫn giao cho người quản lý sử dụng).   

Ngoài ra, việc tổ chức thi hành án đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài còn gặp trở ngại về ngôn ngữ, người phiên dịch không truyền tải đầy đủ nội dung chấp hành viên làm việc, nên khó giải quyết vụ việc, hơn nữa trường hợp không có người phiên dịch, thì cơ quan Thi hành án cũng không tiến hành làm việc được, hoặc có trường hợp người nước ngoài nói và hiểu rõ tiếng Việt, nhưng sau khi kê biên xử lý tài sản, thì họ lại cố tình cho rằng không hiểu gì về toàn bộ vụ việc, nhằm kéo dài việc thi hành án. 

2.Một số đề xuất, kiến nghị.

Mặc dù trong công tác tổ chức thi hành án đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài còn gặp những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhưng với tinh thần quyết tâm, phấn đấu đạt chỉ tiêu của ngành đã đề ra, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đưa ra một số kinh nghiệm, đề xuất và kiến nghị như sau:

Trước hết cần theo dõi chặt chẽ các vụ việc thi hành án đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài, kịp thời ngăn chặn xuất cảnh đối với các trường hợp cần thiết. Tiếp tục thực hiện việc ủy thác tư pháp theo quy định, thường xuyên theo dõi, báo cáo về tiến độ ủy thác tư pháp, nhằm đẩy nhanh tiến độ ủy thác tư pháp;

Kịp thời có quy định đối với doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam mà người đại diện theo pháp luật không có mặt tại Việt Nam, thì thực hiện việc thông báo thi hành án theo địa chỉ của doanh nghiệp, chứ không ủy thác tư pháp theo địa chỉ của người đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài.

Trường hợp vẫn tiếp tục thực hiện việc ủy thác tư pháp, thì nên quy định rõ thời hạn bao lâu kể từ ngày gửi hồ sơ ủy thác hợp lệ lần thứ nhất mà không nhận được kết quả, thì tiếp tục ủy thác tư pháp lần hai. Nên quy định theo hướng rút ngắn thời hạn ủy thác tư pháp.

Cần có hướng dẫn xử lý phần giá trị đền bù, thanh toán giá trị tiền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với đất thuê, trả tiền thuê đất hàng năm của người phải thi hành án là tổ chức nước ngoài.

Từ thực tiễn ở địa phương , chúng tôi xin mạnh dạn nêu vấn đề, rất mong được trao đổi cùng các đồng nghiệp và bạn đọc.

Nguyễn Văn Lộc

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương