Cà Mau còn đó những khó khăn, thách thức trong công tác thi hành án dân sự

04/10/2013
Thi hành án dân sự là hoạt động phức tạp, luôn được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, công tác thi hành án dân sự nói chung và ở tỉnh Cà Mau nói riêng có không ít thuận lợi, nhưng cũng thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.


Trong những năm qua số lượng việc thụ lý không ngừng tăng lên. Năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã thụ lý 18.442 việc. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự trong tỉnh đã tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thi hành án nên kết quả trong kỳ đạt khá. Đã tổ chức thi hành xong 13.362 việc/16.277 việc có điều kiện thi hành, đạt 82%; số tiền thu được là 412.405.620.000 đồng/693.862.101.000 đồng, đạt 59,4% trong số có điều kiện thu. Công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ của ngành được quan tâm. Số lượng cán bộ, Chấp hành viên ngày càng được tăng thêm. Công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động thi hành án dấn sự được thực hiện khá tốt, hoạt động thi hành án dân sự ngày càng đi vào nề nếp. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, cấp huyện thường xuyên chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tổ chức thi hành án; các cơ quan Thi hành án dân sự chủ động rà soát, phân loại án, kịp thời đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài…

Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện còn 2.915 việc có điều kiện (giá trị hơn 281 tỷ đồng) chưa được thi hành; còn 2.165 việc chưa có điều kiện thi hành, giá trị trên 48,5 tỷ đồng. Trong hoạt động án, bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như:

- Lực lượng cán bộ Thi hành án dân sự trong tỉnh còn mỏng. Biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh tuy được tăng thêm, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, do số lượng vụ việc thụ lý tăng nhanh. Công tác đào tạo bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng cán bộ, Chấp hành viên chưa đồng đều và chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

- Một số bản án, quyết định của Toà án tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án; có trường hợp người phải thi hành án không có địa chỉ rõ ràng, không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ, tài sản kê biên bán đấu giá nhưng bán không được, nên kéo dài thời gian thi hành án. Một số cá nhân, tổ chức ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, cố tình chây ỳ, không chấp hành, không hợp tác với cán bộ thi hành án khi đến xác minh, đo đạc, thẩm định tài sản…

- Một số Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chưa quan tâm và sâu sát với công việc, chưa thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra để phát hiện những sai sót và có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời. Một số cán bộ, Chấp hành viên chưa làm tốt việc tham mưu; thiếu kỹ năng tác nghiệp, thiếu sự quyết tâm trong việc tổ chức thi hành án. Sự phối hợp của một số ngành, địa phương chưa tốt. Việc tái chiếm đất sau cưỡng chế còn xảy ra, nhưng địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả, còn bị động, lúng túng, để kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và gây bức xúc trong dân.

- Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu và có những quy định chưa hợp lý. Việc xác minh, xác định tài sản của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn. Trong bán đấu giá tài sản để thi hành án, theo quy định giảm giá nhiều lần cho đến khi có người mua, làm cho tài sản bán được thấp hơn nhiều lần giá trị thực của tài sản, ảnh hưởng đến lợi ích của người phải thi hành án và làm kéo dài thời gian thi hành án…

Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng của đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên chưa đồng đều và chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; sự chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng một số cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh chưa thật sự quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành để sửa đổi một số quy định không còn phù hợp, như: Quy định về kê biên, cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là quy định về bán đấu giá tài sản thi hành án tính khả thi không cao.… Hiện nay số vụ việc mà người phải thi hành án không có tài sản, không rõ địa chỉ, bỏ địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù, người bị nghiện còn tồn đọng nhiều (toàn tỉnh còn 1.110 việc với số tiền phải thu là 15.437.697.518 đ). Kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, có chủ trương xử lý các trường hợp này để giảm lượng án tồn cho các địa phương.

Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét tăng thêm biên chế và kinh phí cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Vì hiện nay số lượng vụ việc phải thi hành ở địa phương rất lớn, nhưng lực lượng cán bộ, Chấp hành viên còn ít trong khi địa bàn rộng, vùng sông nước, đi lại khó khăn, kinh phí Trung ương cấp không đủ để trang trải các khoản chi phí hoạt động. Bộ sớm có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thụ lý, giải quyết các trường hợp đối tượng phải thi hành án tái chiếm đất sau khi đã được cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức cưỡng chế và bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Sớm có chủ trương xử lý đối với những vụ việc qua xác minh nhiều lần không có điều kiện thi hành phải tạm hoãn thi hành do không xác định được địa chỉ người phải thi hành án hoặc do án tuyên địa chỉ không rõ ràng… để kéo dài nhiều năm vẫn không tổ chức thi hành được; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, trụ sở làm việc, kho vật chứng cho các Cơ quan Thi hành án dân sự đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao (Cà Mau còn 9/10 cơ quan Thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng). Trụ sở làm việc của một số Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện chưa được bảo đảm, đặc biệt còn 2 Chi cục Thi hành án dân sự chưa xây dựng trụ sở (Ngọc Hiển và Phú Tân). Quan tâm xây dựng các chính sách đãi ngộ đối với công chức khác trong các cơ quan Thi hành án dân sự như chuyên viên, kế toán, thủ quỹ, thủ kho….

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt hơn việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu và phối hợp tốt với Tòa án nhân dân để giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai, nhất là việc đo đạc, thẩm định, định giá đất và tài sản gắn liền với đất… Để phục vụ tốt hơn hoạt động thi hành án dân sự. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành, đơn vị chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, kê biên, cưỡng chế thi hành án… Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở địa phương. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện cấp kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Về phần mình, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành theo tiêu chuẩn chức danh, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành. Tăng cường quản lý, điều hành, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra cán bộ, Chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng hơn việc lập thủ tục pháp lý liên quan đến quá trình tổ chức thi hành án dân sự; làm tốt việc tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục người thi hành án chấp hành pháp luật; phối hợp tổ chức thi hành có hiệu quả bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và cấp huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát, có giải pháp hiệu quả hơn trong tổ chức thi hành án, kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thực hiện tốt công tác thi hành án, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, có quá trình tổ chức thi hành án kéo dài, các vụ việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án, các vụ tái chiếm đất sau cưỡng chế...

Nguyễn Sơn Ca

Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Cà Mau