Phát biểu khai mạc lớp học, bà Lê thị Kim Dung nhấn mạnh: việc nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ là hết sức cần thiết đối với cán bộ công chức nói chung, và đối với cán bộ thi hành án nói riêng. Xã hội ngày càng phát triển, do đó chấp hành viên cần phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, năng lực công tác đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp. Việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ chấp hành viên là nhằm hạn chế đến mức tối đa những sai sót trong công việc. Do vậy, các học viên của lớp học cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu và mạnh dạn trao đổi, thảo luận các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác thi hành án ở địa phương.
Theo chương trình, lớp học sẽ tập trung nghiên cứu 7 chuyên đề về kỹ năng mềm và nghiệp vụ chuyên sâu gồm: Kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, chứng kiến và ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong thi hành án dân sự; Kỹ năng giao tiếp và phối hợp của chấp hành viên với các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động thi hành án dân sự; Kinh nghiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự; Nghiệp vụ thống kê và kinh nghiệm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; Công tác rà soát, phân loại án và kỹ năng phân tích công việc, lựa chọn phương án tối ưu để tổ chức thi hành án; Kỹ năng viết báo cáo và soạn thảo các văn bản trong thi hành án dân sự; Bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự. Bên cạnh việc nghiên cứu lý luận, Ban tổ chức lớp học sẽ chú trọng việc nêu các tình huống cụ thể để các học viên trao đổi, thảo luận và giải đáp thắc mắc phát sinh trong thực tiễn công tác.
Hải Dương