So với nhiều cán bộ, công chức trên đảo thì chị Nguyễn An Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Côn Đảo không phải là người có “Thâm niên”. Chị Phượng mới nhận nhiệm vụ ra Côn đảo được 14 tháng. Khi ấy, con đầu lòng của chị vừa tròn 4 tháng tuổi. “Vậy là cả gia đình mình đã có 3 thế hệ gắn bó với Côn Đảo rồi”. Chị Phượng khoe, trong giọng nói không giấu nổi tự hào.
Như một cơ duyên, chị Phượng đến Côn Đảo khi những người thân yêu nhất trong gia đình chị đã có mặt ở đây. Bố chồng chị là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, chồng chị trước khi nhận công tác mới cũng đã từng là Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Côn Đảo. Có lẽ những điều đó khiến chị thêm vững lòng để gạt đi biết bao lo toan thường nhật về một cuộc sống ở nơi vùng đất mới xa xôi...
Là chấp hành viên của Chi cục Thi hành án thành phố Vũng Tàu, những ngày đầu tiếp quản công việc ở Côn đảo, chị Phượng cũng không khỏi ngỡ ngàng. Khác với Vũng Tàu sầm uất, náo nhiệt, kinh tế phát triển thì Côn Đảo bình yên lạ lùng. Cả công tác thi hành án dân sự cũng thế. Năm 2013, cả huyện mới thụ lý có 67 việc, trong đó có 60 việc có điều kiện thi hành với số tiền gần 780 triệu đồng. 4 tháng đầu năm, trong tổng số 29 việc thì có 26 việc có điều kiện với số tiền đã thực thu là trên 84 triệu. “Án ít, số tiền không nhiều và tính chất cũng không phức tạp nên công việc của bọn mình cũng có phần “nhàn” hơn”, chị Phượng nói nhưng cũng cho rằng “không phải vì vậy mà anh chị em trong Chi cục bằng lòng với kết quả này mà luôn cố gắng thi hành đạt kết quả cao nhất cả về việc và về tiền, luôn cố gắng vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành mà không phải dùng đến biện pháp cưỡng chế”.
“Thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự huyện Côn Đảo là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án huyện; sự phối hợp tốt của các ngành liên quan, đặc biệt là Tòa án, Viện Kiểm sát; sự chỉ đạo kịp thời của Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Và hơn cả là anh em Chi cục đoàn kết, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Chị Phượng cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn trong công tác thi hành án dân sự ở Côn Đảo cũng rất đặc thù. Với tình hình biến động giá cả thị trường như hiện nay, mọi chi phí sinh hoạt tăng cao cộng với điều kiện là hải đảo cách xa đất liền, kinh phí hàng năm cấp theo định mức cho một biên chế với mức khoán chung mà Tổng cục đang cấp so với các đơn vị trên địa bàn huyện là quá thấp nên việc khoán kinh phí chi lương, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương cũng như các khoản chi cho hoạt động của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Côn Đảo có 6 biên chế, 1 hợp đồng, trong đó có 2 chấp hành viên. Tuy nhiên, trong số này, ít người được như chị Phượng là có gia đình trên đảo, mà phần lớn gia đình họ vẫn sống trong đất liền. “Chỉ nói riêng việc ra vào đất liền đã thấy khó, vì không phải ai cũng có điều kiện bay từ Cỏ Ống (sân bay thuộc huyện Côn Đảo) về thành phố Hồ Chí Minh rồi từ đây về Vũng Tàu (vì tiền lương không đủ tiền vé máy bay), nên muốn về đất liền chúng tôi phải đi tàu mất 12 tiếng, chưa kể mùa gió chướng, tàu phải đi lâu hơn”, chị Phượng tâm sự. Vì thế, nếu cải thiện chế độ cho anh em thì họ sẽ yên tâm gắn bó với Côn Đảo hơn. Còn về phần mình, ngoài việc làm tốt vai trò của một nữ Chi cục trưởng nơi “đầu sóng ngọn gió”, chị Phượng chỉ ước một điều giản dị “Mong con đừng ốm vì trên đảo không có điều kiện chữa bệnh như đất liền”.
Thu Hằng – Vũ Hằng