Xẻo Quýt là căn cứ cách mạng (từ năm 1960-1975) của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt hành trình cuộc kháng chiến, Xẻo Quýt đã phải hứng chịu rất nhiều trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhưng với tinh thần dân tộc, lòng dũng cảm, chịu đựng hiểm nguy và tài trí thao lược, quân và dân Đồng Tháp đã xoay chuyển tình thế, khắc phục khó khăn, mang chiến thắng về cho quê hương, đất nước.
Cảm giác tự hào về một vùng căn cứ oanh liệt của quân và dân Đồng Tháp trong lòng mỗi đoàn viên khi tham quan và tận mắt chứng kiến những công sự cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z được đào đắp bằng đất và cây tràm; những ngôi lán, nhà bếp, phòng hội họp…, hay những “Bãi ngù tử địa” có gài lựu đạn chống trực thăng đổ quân và xe tăng bộ binh càn vào căn cứ. Điều đặc biệt của khu căn cứ này là không có bê tông, không có tường vôi, gạch đá mà hầu hết các công trình đều được phục chế bằng gỗ, tre, tràm, đưng, lá dừa nước.. rất tài tình. Thật khó có thể hình dung được bằng cách nào xây dựng nên một căn cứ cách mạng vững chãi như thế giữa nơi đồng hoang ngập nước nếu không nhờ vào tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khổ của quân dân ta.
Ngày nay, đứng trước khu căn cứ di tích lịch sử Xẻo Quýt, chúng ta càng thấy được sự lãnh đạo tài tình của Đảng cùng phong trào quần chúng đầy mưu trí, tổ chức đánh địch từ xa, bố phòng quanh căn cứ với hệ thống mìn trái, chông… Song chủ yếu và có tính quyết định là hàng rào bảo vệ của nhân dân. Nếu tính từ tâm điểm là Thường trực Tỉnh uỷ thì xung quanh từ 01 đến 06 cây số đường chim bay là hệ thống hơn 10 đồn bốt lớn nhỏ của địch bao bọc thành 01 vòng khép kín, có đồn chỉ cách chưa đầy 01 km, Pháo và cối 81 ngày đêm bắn phá bừa bãi cộng với sự uy hiếp của các phương tiện hiện đại như: Trực thăng, pháo bầy, B52, xe lội nước…Song mọi người trong căn cứ Xẻo Quýt với phương châm: “Nói không có tiếng lớn, đi không để lại dấu chân, nấu không có khói” mà ngang nhiên tồn tại bền vững như thành đồng vách sắt, vẫn có nhiều đêm trình diễn văn nghệ, vẫn có những đêm tuyên hôn vui tươi, rộn rã, thoải mái…
Ngoài ra, môi trường sinh thái ở đây hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp… Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ cũng không có gì là sai.
Kết thúc điểm đến Xẻo Quýt, các bạn đoàn viên tiếp bước đến khu di tích Gò Tháp với quần thể Di tích Gò Tháp có tên Prasat Pream Loven với 05 di tích tiêu biểu như: Gò Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ anh hùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), Gò Minh Sư, Miếu Bà Chúa Xứ.
Trong khu vực Gò Tháp, các nhà khảo cổ đã nhiều lần khai quật di chỉ Gò Tháp đã phát hiện nhiều di vật của nền văn hóa Óc Eo thời Vương quốc Phù Nam dưới lòng đất cát pha sét, có niên đại cách đây 1.500 năm. Các tượng thần của Hindu giáo như Vishinu, Ganesa, Shiva và các mẫu vật sành sứ, ấm chén, nữ trang, khuôn chế tác nữ trang hiện được trưng bày khá phong phú tại Bảo tàng Đồng Tháp. Nơi đây, còn vết tích vô số cọc gỗ chìm dưới lớp đất 2 - 3m. Theo nhiều giả thuyết, đó là dấu vết nhà sàn của một cụm dân cư cổ thời Vương quốc Phù Nam sống tập trung quanh Gò Tháp.
Gò Tháp Mười cao 5,047m so với mực nước biển chuẩn Hà Tiên, là nơi cao nhất của quần thể di tích, rộng 4500m2, xưa kia trên Gò tọa lạc ngôi Tháp Cổ Tự thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) do lưu dân người Việt đi khai phá vùng Đồng Tháp Mười xây dựng để thờ Phật theo phái Đại Thừa. Năm 1914, tín đồ Phật giáo cho xây Tháp Mười cổ tự bằng tre. Năm 1946, chùa được xây dựng lại bằng gỗ và lợp ngói đỏ. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tháo dỡ chùa dời đi nơi khác để xây dựng Viễn vọng đài, còn gọi là tháp 10 tầng, cao 42m để làm nơi quan sát và khống chế hoạt động quân giải phóng Đồng Tháp Mười. Đêm 19/12/1959, Viễn vọng đài bị quân ta đánh sập và ngày nay chỉ còn sót lại phế tích trên Gò. Năm 1998, các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật và phát hiện nền móng của di tích đền Tháp dùng làm nơi thờ tự của Vương quốc Phù Nam.
Đền thờ 02 cụ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều được nhân dân địa phương lập từ năm 1932, để tưởng nhớ 02 vị anh hùng dân tộc. Sau nhiều lần sửa đổi, đến nay đền thờ đã được người dân giữ gìn, trùng tu, mở rộng ngày một khang trang. Cụ Võ Duy Dương sinh năm 1827 là người Bình Định vào Nam lập nghiệp, được vua Tự Đức phong hàm Chánh Bát phẩm Thiên Hộ năm 1860, là Chủ tướng nghĩa quân Đồng Tháp Mười. Cụ Nguyễn Tấn Kiều là Đốc Binh, Phó tướng của cụ Thiên Hộ Dương. Năm 1862, hai ông lập đại bản doanh ở Gò Tháp, lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp. Cụ Đốc Binh Kiều tử trận trong trận chiến cuối cùng 1866 tại Gò Tháp và mộ cụ được an táng phía sau đền thờ. Sau đó, cụ Thiên Hộ Dương cũng tử trận tại biển Cần Giờ, thi hài không tìm thấy. Nhớ ơn 02 vị anh hùng dân tộc, nhân dân đã lập đền thờ ngày đêm hương khói.
Qua chuyến đi về nguồn này, không chỉ đem đến cho các bạn đoàn viên thanh niên trong Chi đoàn sự hiểu biết sâu hơn về lịch sử oai hùng của người dân Đồng Tháp nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung và tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khổ của quân dân ta. Thông qua chuyến đi còn là cơ hội để các bạn đoàn viên thanh niên ôn lại những kiến thức đã học lúc còn ngồi trên ghế nhà trường và cảm nhận, trải nghiệm thực tế về quá trình sống, chiến đấu của thế hệ cha anh đi trước, cũng như được tiếp cận những nền văn hóa khảo cổ trước đây.
Chuyến đi kết thúc vào chiều ngày 25/3 trong không khí vui tươi, tự hào dân tộc và đã để lại nhiều ý nghĩa thực tiễn trong các bạn đoàn viên thanh niên tham gia.
Ngọc Thật
Chi đoàn cơ sở Cục Thi hành án dân sự