“Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - Khảo sát tình hình thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008”

29/04/2014
Để có cơ sở pháp lý cho việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trong hai ngày 22 và 24/4/2014, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do ông Phạm Xuân Thường - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn cùng các Đại biểu Quốc hội và các Ngành Kiểm sát, Tòa án, Mặt trận Tổ Quốc, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, đã đến khảo sát tình hình thi hành Luật Thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, sau 04 năm triển khai thi hành Luật (từ năm 2009 đến hết năm 2013) các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình đã thụ lý 24.171 việc tương ứng với số tiền 510.639.570.000đồng, kết quả đã giải quyết xong 22.204 việc tương ứng với số tiền 379.419.527.000đồng đạt 91% về việc và 74% về tiền; 100% bản án, quyết định của Tòa án chuyển giao, ủy thác và đơn yêu cầu thi hành án của công dân được ra quyết định đúng thời hạn, đúng nội dung, yêu cầu; tổ chức thi hành án đúng trình tự thủ tục; chuyển giao, bảo quản, xử lý vật chứng đúng quy trình, không xảy ra mất mát; thu, chi tiền thi hành án đúng nguyên tắc tài chính; cưỡng chế đúng quy định, an toàn, sau cưỡng chế không có đơn khiếu nại, tố cáo.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 là văn bản pháp lý quan trọng không những nâng cao vị thế của các cơ quan Thi hành án dân sự mà còn tạo thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án dân sự cũng như chấp hành viên tổ chức thi hành các vụ có hiệu quả hơn, tránh được những sai sót, vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số quy định của Luật còn có những bất cập làm hạn chế đến kết quả thi hành án và rất dễ làm cho người thực hiện vi phạm, đương sự lợi dụng chây ỳ, chốn tránh hoặc khiếu nại.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, để đóng góp vào Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) sắp được kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII thảo luận và thông qua, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiến nghị: Dự thảo Luật cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Tòa án và Viện Kiểm sát; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong chỉ đạo, tổ chức phối hợp của các Ban, Ngành, đoàn thể trong thi hành án dân sự; quy định cụ thể các biện pháp, chế tài đối với cá nhân, tổ chức không chấp hành pháp luật về thi hành án; giữ nguyên thẩm quyền, nhưng có chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho chấp hành viên; chuyển việc ra quyết định thi hành án cho Tòa án là không cần thiết.

Phát biểu kết thúc buổi khảo sát, đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao kết quả triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 của cơ quan Thi hành án dân sự thời gian qua và các ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) và hứa tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tổng hợp trình tại ký họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Thái Bình