Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn mới

18/07/2014
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh quy định về tổ chức Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó có quy định rõ Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự; tiếp đó ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Để ghi nhận thành tích đã đạt được và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự, qua đó tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp; ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Sau 68 năm hình thành và phát triển, cơ quan Thi hành án dân sự đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng nước ta vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự tỉnh ta đạt được nhiều kết quả toàn diện; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên; công tác Đảng, Đoàn thể được quan tâm, chú trọng hoạt động đi vào có chiều sâu. Sau 18 năm kể từ khi tái lập kết quả thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, căn bản trong công tác này, tạo được niềm tin cậy của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và tăng cường pháp chế trên địa bàn trên đại bàn, tiếp tục đưa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thi hành án dân sự vào cuộc sống, làm giảm án tồn đọng, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội.

Năm 2014, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới các tranh chấp về dân sự, kinh tế ngày càng nhiều với những diễn biến phức tạp. Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 37/2012/QH13 và Nghị quyết số 63/2013/QH13, mặc dù tổng số việc và tổng số tiền phải thi hành án của toàn cơ quan Thi hành án dân sự năm sau đều cao hơn so với năm trước, song với các giải pháp chỉ đạo đồng bộ, phù hợp, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ nên đã tạo sự đột phá tích cực trong công tác thi hành án. Nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết xong, án tồn đọng giảm mạnh, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của cấp Ủy, chính quyền địa phương. Tính từ đầu năm đến nay, toàn cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên đã thụ lý 5.136 việc với tổng số tiền là hơn 354 tỷ đồng, qua phân loại án thì có 3.736 việc tương đương với số tiền gần 267 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Toàn cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã giải quyết xong 2.917 việc với số tiền gần 127 tỷ đồng trong số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 78% về việc và 48% về tiền cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến thời điểm này, tại các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh chưa có đơn vị nào phải thực hiện bồi thường nhà nước. Đáng chú ý là nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, tạo niềm tin cho nhân dân, khẳng định vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự đối với các Ngành khác, tạo đà cho công tác thi hành án những năm tiếp theo.

Nhân tố đạt được hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự hai cấp, cấp Ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị; sự phối hợp có hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục và các chấp hành viên tích cực phối hợp cơ quan Công an trong đảm bảo án ninh trật tự khi tổ chức thi hành án và cưỡng chế thi hành án; phối hợp với Trại giam, Trại tạm giam để thi hành án dân sự đối với các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù bằng nhiều hình thức. Phối hợp với ngân hàng, các tổ chức tín dụng, tài nguyên - môi trường để xác minh tài sản, tài khoản của người phải thi hành án, phúc đáp kịp thời những đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự về xác minh tài sản là quyền sở hữu, sử dụng tài sản của đương sự và các đề nghị khác… Bên cạnh đó, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh thường xuyên phối hợp với Tòa án nhân dân để giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân các cấp tuyên không rõ, giải thích không rõ, không trọng tâm dẫn đến tồn đọng việc thi hành án. Đồng thời phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân trong kiểm sát đảm bảo hoạt động thi hành án dân sự được thực thi đúng pháp luật. Cùng với việc đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã tập trung thực hiện rà soát, phân loại án. Đối với những loại án có điều kiện thi hành thì phối hợp với cấp Ủy, chính quyền địa phương và các Ngành liên quan vận động, đôn đốc đương sự tự nguyện thi hành và tổ chức thi hành dứt điểm, đặc biệt đối với những án lớn. Trường hợp cố tình lẩn tránh, chống đối thì kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế và xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo bản án, quyết định được thực thi và có tác dụng tốt trong giáo dục, phòng ngừa chung. Nhờ làm tốt công tác vận động thuyết phục các bên đương sự tự nguyện thi hành án nên từ đầu năm đến nay toàn cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh chỉ có 02 trường hợp cưỡng chế phải huy động lực lượng. Với những thành tích nêu trên cho thấy công tác thi hành án dân sự đã đạt được về cả lượng và chất, từ kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị đến hiệu quả hoạt động, khẳng định được vị trí và tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự trong đời sống xã hội. Ghi nhận thành tích đã đạt được trong những năm qua, Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên đã có nhiều tập thể được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận Tập thể lao động xuất sắc, được nhận Bằng khen và Cờ thi đua các loại, nhiều cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2012 Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, nhiều cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua Ngành Tư pháp, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...Từ những kết quả trên cho thấy, công tác chỉ đạo, tổ chức phối hợp và các giải pháp hữu hiệu của Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, càng ngày càng mang tính “Bền vững” và có chiều sâu. Đặc biệt là việc thi hành án dân sự trong các bản án, quyết định của Toà án nhân dân đối với các vụ án phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được chấp hành đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, ổn định tình hình chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Trong giai đoạn mới trước đòi hỏi thực tiễn trong công tác thi hành án dân sự ngày càng phức tạp và yêu cầu của công cuộc đổi mới đối với các cơ quan Tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Ngành và địa phương, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: (1). Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” theo Kết luận số 92-KL/TW ngày 14/3/2014 của Bộ chính trị, các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của tỉnh; bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chương trình của Chính phủ chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự; (2). Chủ động và tăng cường công tác tham mưu cho cấp Ủy nhất là Ban Chỉ đạo Thi hành án để chỉ đạo toàn diện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, tăng cường sự phối hợp liên Ngành trong hoạt động thi hành án dân sự, kịp thời tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; (3). Tập trung cao độ trong việc chỉ đạo tổ chức phân loại án, thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành, những vụ việc có giá trị tiền, tài sản lớn và những vụ việc khó khăn, phức tạp kéo dài; giải quyết đúng quy định những vụ việc chưa có điều kiện thi hành; (4). Thực hiện tốt công tác tiếp dân, lắng nghe phản ánh của nhân dân; giải quyết đúng các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án, tổ chức kiểm tra đối với hoạt động của các đơn vị và công chức; (5). Nâng cao công giám sát của nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các bên đương sự tự nguyện thi hành án; (6). Tập trung chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện xây dựng Quy chế và thực hiện phối hợp liên Ngành trong hoạt động thi hành án dân sự, tổ chức các phong trào thi đua tạo động lực để đội ngũ công chức thi đua phấn dấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Vũ Hoàng Thụ

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên